Cha mẹ cho con sinh mệnh, nuôi con trưởng thành, giáo dục con nên người. Khi con đùa nghịch trong lớp, vui chơi trên sân trường thì cha mẹ phải vất vả làm việc để trả học phí đắt đỏ của con. Vì vậy, là phận làm con nhất định phải biết ơn cha mẹ của mình.
Có chuyện kể rằng:
Hoàng Hương thời Đông Hán là một nhân vật điển hình về lòng hiếu thuận trong lịch sử Trung Hoa. Khi Hoàng Hương còn nhỏ, gia đình khó khăn, mười tuổi mẹ mất, bố ốm đau bệnh tật.
Mùa hè nóng nực, trước khi đi ngủ, ông dùng quạt đuổi muỗi, quạt mát giường và gối để bố ngủ ngon.
Mùa đông lạnh giá, ông chui vào trong chăn trước, dùng cơ thể mình sưởi ấm chiếc chăn rồi mới để bố đi ngủ. Mùa đông ông không được mặc áo bông, vì không muốn bố đau lòng. Ông cũng không bao giờ kêu lạnh mà vẫn cố tỏ ra vui vẻ, cố gắng tạo không khí chan hòa để bố yên tâm, sớm khỏi bệnh.
Và một câu chuyện khác về lòng biết ơn:
Hàn Tín khi còn nhỏ nhà rất nghèo còn mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mặc dù ông chăm chỉ đọc sách, ra sức luyện võ nhưng lại không biết cách kiếm tiền. Bất đắc dĩ ông phải đến nhà người khác “ăn chực”. Vì thế mà bị người ta coi thường. Hàn Tín liền đến sông Hoài thả câu, lấy cá đổi cơm. Nhưng ông vẫn thường xuyên bữa đói bữa no.
Bên bờ sông Hoài có một bà lão giặt sợi thuê, được người ta gọi là Phiếu Mẫu. Bà thấy Hàn Tín nhịn đói rất đáng thương, liền chia một nửa chỗ cơm của mình cho Hàn Tín ăn. Ngày nào cũng vậy, không thiếu bữa nào. Hàn Tín nguyện phải báo đáp công ơn của Phiếu Mẫu.
Sau khi làm quan với danh Hoài Âm Hầu, Hàn Tín bèn sai người đi tìm Phiếu Mẫu và đền ơn bà.
Người xưa đã nói: “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Nhưng hiện nay, phần lớn trẻ em đều không hiểu được ý nghĩa của câu nói ấy. Trẻ em bây giờ được sống trong no đủ, được nuông chiều muốn gì có đó và còn cho rằng sự hy sinh của cha mẹ là đương nhiên, không cần báo đáp.
Thiếu lòng biết ơn là một hiện tượng phổ biến ngày nay, phần lớn con trẻ chỉ biết nhận mà không biết hàm ơn. Có hiện tượng này là do những nguyên nhân sau:
Ảnh hưởng của cuộc sống vật chất
Cuộc sống vật chất ngày càng nâng cao nhưng lòng biết ơn thì ngày càng đi xuống. Rất nhiều người khi xử lý các mối quan hệ xã giao đều coi mình là trung tâm, chỉ biết nhận mà chẳng biết cho đi. Với trẻ thì cha mẹ đáp ứng mọi yêu cầu, nuông chiều con. Trẻ coi những thứ mình nhận được là đương nhiên nên không biết ơn và quý trọng. Đứng trước thực trạng này, vai trò của cha mẹ trong việc bồi dưỡng lòng biết ơn cho con lại càng cấp thiết. Việc nuôi dưỡng ý thức về lòng biết ơn cho con, cha mẹ cần lưu ý các vấn đề sau:
Thứ nhất là về mặt nhận thức, cha mẹ hãy giúp con nhận thức được, cảm nhận được bằng cả tấm lòng về ân huệ, sự giúp đỡ mà con nhận được từ cha mẹ và những người xung quanh.
Thứ hai là về mặt tình cảm, tức là trên cơ sở của việc nhận thức để trẻ có được niềm vui và hạnh phúc. Từ đó trẻ chuyển hóa thành ý thức biết ơn một cách tự giác và nảy sinh mong muốn báo đáp.
Thứ ba là từ mặt thực tiễn, cha mẹ hãy giúp con biến ý thức về lòng biết ơn thành hành động. Tức là dùng hành vi cụ thể để báo đáp ân tình, để con hình thành thói quen biết quan tâm và trân quý sự giúp đỡ của người khác dành cho mình.
Ảnh hưởng từ xã hội
Trong xã hội hiện nay, những bộ phim hoạt hình, tin tức… mà trẻ tiếp cận trong quá trình trưởng thành đều chú trọng lợi nhuận mà ít chú trọng giáo dục tình cảm. Trẻ em thường chỉ biết đến những đấu tranh về quyền lợi, lợi ích, thắng thua… mà ít biết đến những câu chuyện về lòng biết ơn truyền thống. Những hành vi thiếu đạo đức thường xuyên xảy ra trước mặt trẻ sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm hồn non nớt của chúng.
Áp lực từ gia đình
Xã hội cạnh tranh khốc liệt về nhiều mặt, coi trong nhiều thứ, trong đó có tri thức. Vì thế, rất nhiều cha mẹ chú trọng phát triển trí tuệ cho con từ rất sớm nhưng lại coi nhẹ đạo đức, đạo lý làm người. Ngay từ nhỏ, cha mẹ đã xếp cho con học tiếng Anh, học piano, múa… Khi cha mẹ bồi dưỡng trí tuệ cho con xin đừng quên bồi dưỡng cả tình cảm và lòng biết ơn.
Thiếu sót trong giáo dục nhà trường
Trong giáo dục nhà trường, nội dung giáo dục về lòng biết ơn không nhiều. Mặc dù có nội dung giáo dục đạo đức nhưng vẫn chưa toàn diện, chủ yếu vẫn còn dừng ở hình thức. Cho dù trẻ có học được nội dung này thì cũng khó có cơ hội để thực hành, không khiến trẻ hiểu và cảm nhận được.
Cha mẹ đã đưa con đến thế giới này, vất vả nuôi dưỡng con trưởng thành, vui vẻ khi con thành công, khích lệ động viên khi con vấp ngã. Cho dù là trẻ hay cha mẹ thì đều phải biết ơn người đã sinh ra mình, giúp đỡ mình. Biết ơn luôn là phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người ở bất kỳ xã hội nào, thời đại nào, quốc gia nào. Vì sự phát triển toàn diện của con, cha mẹ hãy bồi dưỡng cho con phẩm chất tốt đẹp này.
Hồng Ân