Cha mẹ đóng một vai trò quan trọng trong việc học tập của con trẻ. Cha mẹ “không quản” cũng không có nghĩa là để mặc kệ con trẻ tự do muốn làm gì thì làm, mà ngược lại…
Có một số cha mẹ nhìn như không hề “quan tâm” đến việc học tập của con cái, nhưng con cái họ ngược lại đã đạt được thành tích cao trong học tập. Còn có một số cha mẹ khác luôn quản lý, giám sát chặt chẽ việc học tập của con, nhưng những đứa trẻ này lại có thành tích học tập càng ngày càng không tốt. Các bậc cha mẹ vì vậy mà buồn rầu, trăm mối không cách nào giải. Rốt cuộc nên giáo dục con trẻ như thế nào cho tốt?
Theo nghiên cứu của Lilian Katz, một chuyên gia về giáo dục mầm non ở Hoa Kỳ, phát hiện ra rằng, trong quá trình học tập có rất nhiều trẻ nhỏ bởi vì một vài nguyên nhân nào đó mà dần dần trở nên không hứng thú với việc học hành, cũng vì vậy mà đánh mất lòng tự tin, càng học càng không tốt. Kỳ thực, trẻ nhỏ có thành tích học tập càng ngày càng kém có liên quan mật thiết với phương thức giáo dục của cha mẹ.
1. Sự can thiệp quá mức của cha mẹ càng khiến cho con càng học càng kém
Có rất nhiều cha mẹ bởi vì tâm lý lo sợ con mình “thua kém”, nên càng đặc biệt khẩn trương, bởi vì khẩn trương cho nên suốt ngày ánh mắt và suy nghĩ càng tập trung hướng về con trẻ, càng không ngừng tìm kiếm những nhược điểm và khuyết điểm ở con.
Chính bởi vì cha mẹ quá lo lắng và khẩn trương, cho nên tinh thần và khả năng đánh giá cũng trở nên dễ dàng lệch lạc, thậm chí là mù quáng hoặc thái quá, mỗi chi tiết trong quá trình học tập của con đều muốn can dự vào. Khi này sự giáo dục của cha mẹ không còn là hướng dẫn con trẻ nữa mà trở thành một nỗi ám ảnh đối với trẻ, khiến cho trẻ cũng căng thẳng theo không kém. Từ đó, càng ngày con trẻ càng không có tinh thần đối với học tập, làm cho việc giáo dục gia đình lâm vào bế tắc, mờ mịt.
2. Mắc phải 6 sai lầm lớn trong phương thức giáo dục con cái
Thành tích học tập của con trẻ không tốt, thì cha mẹ hãy xem xét lại bản thân mình có mắc phải những hành vi sau đây hay không:
* Trách mắng:
Tại sao con không chịu cố gắng? Tại sao con lại thành như vậy? Luôn trách mắng con trẻ đồng thời còn lải nhải về điều đó mãi không thôi. Trách mắng có ảnh hưởng thật lớn đến tâm lý của con trẻ bởi vì trách mắng thường mang tính khiển trách, khiến cho trẻ mất đi tính tích cực trong việc học tập. Lải nhải về lỗi lầm của trẻ cũng như việc học tập của trẻ sẽ khiến trẻ chán nản, mất hứng thú.
* Đánh mắng:
Dùng phương thức đánh mắng để giáo dục trẻ có thể khiến cho trẻ sinh ra tâm lý phản kháng, kết quả không chỉ làm cho con trẻ không đề cao thành tích học tập, mà còn khiến cho trẻ sinh ra tâm lý chán ghét việc học, thậm chí là trốn học. Chỉ vì trong một số bài thi con trẻ có một vài điểm không cao, mà cha mẹ quả quyết nhận định rằng con mình học kém hoặc có vấn đề, đồng thời cứ nhắc đi nhắc lại khuyết điểm đó, cho rằng cần phải nghiêm khắc đánh mắng thì mới có thể thay đổi được kết quả. Nhưng cuối cùng, kết quả đạt được chỉ là tâm lý sợ hãi và xa lánh của trẻ đối với cha mẹ và học tập.
* Đặt ra mục tiêu:
Quy định cho trẻ ở mỗi cuộc thi phải đạt được bao nhiêu điểm, phải xếp thứ mấy trong lớp… đây chính là đặt ra mục tiêu để ép buộc trẻ phải đạt được. Đặt ra mục tiêu trong việc học tập của trẻ cũng là một phương thức gây tổn hại đến tính tích cực của trẻ. Mục tiêu được đặt ra yêu cầu trẻ phải đạt được, sẽ khiến cho trẻ càng có tâm lý lo lắng, căng thẳng. Mà thường thì trẻ càng lo lắng căng thẳng thì càng khó để đạt được mục tiêu.
* Quá tải:
Ở trường trẻ đã phải học rất nhiều thứ, về nhà cha mẹ lại tiếp tục gia tăng thời gian học tập cùng các môn học cho trẻ, đây chính là cách thức giáo dục quá tải gây mệt mỏi, kiệt sức. Sức lực của trẻ là có hạn, bắt trẻ học tập quá sức sẽ khiến cho tinh thần và thể xác của trẻ đều bị tổn hại, “dục tốc bất đạt” kết quả học tập của trẻ càng ngày càng sa sút.
* Học cùng với con:
Đối với việc học tập của con, nhiều bậc cha mẹ thường đều lo nghĩ thay con, quan tâm hỏi han hoặc không ngừng tìm cách giúp đỡ, suốt ngày kèm sát cùng học với con. Làm như vậy sẽ khiến cho đứa trẻ mai một năng lực tự chủ, mặt khác sẽ khiến cho đứa trẻ hiểu lầm rằng việc học không phải là chuyện của cá nhân nó, càng sinh ra tính ỷ lại rất lớn.
* Thúc giục:
Thấy con có thời gian rảnh rỗi, cha mẹ liền thúc giục “con nên làm bài tập, nên ôn bài đi”. Việc thúc giục này rất nhiều cha mẹ phạm phải, cứ suốt ngày lặp đi lặp lại sự hối thúc này, khiến con trẻ nghe thật phiền chán và có tâm lý chống lại: “con đang muốn học, nhưng ba mẹ cứ lải nhải miết làm con càng không muốn học”. Việc này khiến cho tâm lý chống đối của trẻ càng ngày càng lớn.
3. Cha mẹ nên làm thế nào để buông tay mà vẫn có thể giúp con đề cao thành tích học tập
Khơi dậy ý thức tự chủ cho trẻ:
Bất kỳ người nào trên thế giới này đạt được thành công cũng không thể dựa vào sự bức bách cưỡng chế của người khác mà đạt được. Cho nên muốn giáo dục trẻ học tập thật tốt thì không nên dựa vào người khác, không nên khống chế và can thiệp vào việc học của trẻ, mà hãy để trẻ tự nhận định và tự chủ học tập.
Để làm được điều này, thì cha mẹ phải chú trọng việc bồi dưỡng khả năng chủ động, lòng tự tin và ý thức trách nhiệm cho trẻ, đây là những khả năng bắt buộc phải có để trẻ tự chủ học tập. Vậy nên phải giáo dục cho trẻ hiểu được làm như thế nào để chủ động sắp xếp thời gian học tập của mình, tự chủ hoàn thành 4 bước cho việc học gồm: chuẩn bị bài, nghe bài giảng, làm bài tập, ôn bài. Chỉ cần trẻ tự hoàn thành 4 bước này thì cha mẹ có thể buông tay mà trẻ vẫn đạt thành tích tốt trong học hành.
Để trẻ chủ động và tự do trong việc học
Xã hội ngày càng phát triển, càng cần những nhân tài có khả năng độc lập, tự chủ. Cho nên cha mẹ cần phải có can đảm “buông tay” đối với trẻ, cổ vũ trẻ tích cực trong việc quyết định sinh hoạt và học tập của chính mình, hãy để cho trẻ tự quyết định lựa chọn những gì liên quan đến cuộc sống và học tập của trẻ, cũng là cách thức dần dần bồi dưỡng khả năng độc lập tự chủ cho trẻ.
Độc lập tự chủ, ý thức trách nhiệm trong học tập là tố chất nhất định phải bồi dưỡng cho trẻ. Trẻ có được tố chất này thì trong học tập sẽ có nhiều thuận lợi và sẽ phát triển được nhiều kỹ năng trong cuộc sống.
Cha mẹ đóng một vai trò quan trọng trong việc học tập của con trẻ, cha mẹ “không quản” không có nghĩa là để mặc kệ con trẻ tự do muốn làm gì thì làm, mà ngược lại, họ bồi dưỡng phẩm chất tự chủ và ý thức học tập, ý thức trách nhiệm cho con, để con tự chủ trong việc học tập của mình. Nhìn là “không quản” nhưng thực chất là phương pháp quản lý thành công và hiệu quả nhất, đó mới là cách thức giáo dục tốt nhất của những người làm cha mẹ thông minh.
Theo soundofhope.org
Minh Phúc biên dịch