Đại Kỷ Nguyên

Tìm hiểu sức đề kháng của cơ thể để bảo vệ bản thân trong mùa dịch COVID-19

Cùng tìm hiểu về hệ thống miễn dịch, cơ chế tuyệt vời tự phòng chống bệnh của cơ thể con người (ảnh: Shutterstock).

Vì sao có người tiếp xúc với nguồn bệnh nhưng không nhiễm? Trong khi thế giới phải đương đầu với dịch COVID-19 mà chưa có thuốc điều trị, thì hơn bao giờ hết, chúng ta cần tìm hiểu về sức đề kháng và nâng cao khả năng tự bảo vệ của cơ thể. 

Bản thân cơ thể con người đã có khả năng phòng và chữa bệnh. Đây là một trong những điều kỳ diệu nhất của tự nhiên. Bởi bệnh tật luôn là “nỗi ám ảnh” thường trực đối với con người, do vậy hãy dành thời gian để hiểu rõ hơn về hàng rào bảo vệ mà tạo hóa đã cung cấp cho chúng ta.

Câu 1: Sức đề kháng của cơ thể là miễn dịch?

A. Đúng                       B. Sai   

Từ “miễn dịch” xuất phát từ tiếng Latin “immunitas”. Miễn dịch được định nghĩa là sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh khác nhau. Khi nó hoạt động hiệu quả, hệ thống miễn dịch sẽ bảo vệ cơ thể chống lại các yếu tố gây bệnh, như virus, vi khuẩn, nấm mốc và ký sinh trùng. 

Đáp án A. Đúng

Câu 2: Miễn dịch học xuất hiện đầu tiên ở đâu?

A. Trung Quốc                      B. Hy Lạp                 C. Ai Cập

Miễn dịch học là ngành khoa học tìm hiểu thành phần và chức năng của hệ miễn dịch. Môn học này xuất phát từ những nghiên cứu y dược ban đầu về nguyên nhân gây miễn nhiễm đối với bệnh tật.

Miễn dịch được đề cập đến sớm nhất là trong trận đại dịch ở Athens, Hy Lạp vào năm 430 TCN. Nhà y học Thucydides phát hiện: Những người đã hồi phục từ đợt dịch bệnh trước có thể tiếp xúc người mang bệnh mà không bị tái nhiễm. 

Đáp án B. Hy Lạp    

Câu 3: Hệ miễn dịch gồm các tế bào miễn dịch trong máu ?

A. Đúng                        B. Sai

Hệ thống miễn dịch bao gồm tập hợp các tế bào và các cơ quan (như Amidan cổ họng, hệ thống tiêu hóa, tủy xương, da…) cùng hợp tác để bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân bên ngoài.

Các cơ quan miễn dịch được phân bố khắp cơ thể; cùng với các bộ phận khác như dây thần kinh, tim, hệ thống cơ bắp và xương và đường tiêu hóa; để đảm bảo cơ thể hoạt động như một khối thống nhất.

Chức năng của hệ thống miễn dịch dựa trên một mạng lưới thông tin phức tạp. Khi các tế bào miễn dịch tiếp xúc với những vật lạ từ bên ngoài, chúng sản xuất các chất hóa học khác nhau. Những chất này cho phép các tế bào điều chỉnh tốc độ tăng trưởng và trạng thái của chúng, huy động các tế bào khác tới các khu vực bị ảnh hưởng của cơ thể. 

Đáp án B. Sai

Câu 4. Hệ miễn dịch có thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài cơ thể?

A. Đúng                     B. Sai

Hệ thống miễn dịch có thể chống lại sự tấn công của các nhân tố sinh học bên ngoài như vi trùng, virus (siêu vi trùng), ký sinh trùng, chất có hại cho cơ thể. Không những thế, nó còn phải thường xuyên chống lại sự xuất hiện các tế bào, chất sinh học lạ xuất hiện trong cơ thể.

Hệ thống này cũng có khả năng bảo vệ, chống lại chất gây dị ứng, tế bào ung thư. Hệ miễn dịch hoạt động rất phức tạp, với vai trò chính là duy trì sự cân bằng của môi trường bên trong của cơ thể và bảo đảm chống lại các tác nhân có hại cả bên trong và bên ngoài.

Đáp án A. Đúng 

Câu 5. Tại sao có người tiếp xúc với nguồn bệnh nhưng không bị nhiễm?

A. Do tác nhân gây bệnh không xâm nhập vào cơ thể

B. Do cơ thể có khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh

C. Cả hai đáp án trên

Hệ miễn dịch gồm tập hợp các tế bào và các cơ quan (như Amidan cổ họng, hệ thống tiêu hóa, tủy xương, da…) được phân bố khắp cơ thể để bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại. Nhiều người có thể không mắc một số bệnh nào đó mặc dù sống trong môi trường có nhiều vi khuẩn, virus gây bệnh nhờ khả năng miễn dịch tốt. Có thể hiểu một cách đơn giản, cơ thể được bảo vệ bằng hệ thống “hàng rào phòng thủ” dạng tầng có tính tăng dần từ cấp độ tế bào, mô tới các bộ phận.

Đầu tiên, nếu các tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn) xâm nhập sẽ phải vượt qua “lớp phòng thủ đầu tiên” là các rào chắn vật lý như các hốc tự nhiên (mũi, miệng, mắt và da).

Nếu virus, vi khuẩn xâm nhập được qua hàng rào này thì hệ miễn dịch bẩm sinh sẽ cung cấp một “lớp lá chắn” tiếp theo nhưng nó không đặc hiệu tối đa. Khả năng này tùy từng cá thể mỗi người.

Nếu như tác nhân gây bệnh tiếp tục vượt qua được hàng rào đáp ứng bẩm sinh thì chúng sẽ gặp hàng rào bảo vệ thứ 3, đó là hệ miễn dịch thích ứng và cũng là lớp phòng thủ cuối cùng của hệ miễn dịch của cơ thể. Tại đây, hệ miễn dịch điều chỉnh đáp ứng đấu tranh trong thời gian nhiễm trùng, tạo ra các phản ứng đặc hiệu đối với tác nhân gây bệnh.

Hệ miễn dịch của con người có khả năng ghi nhớ và nhận biết một tác nhân gây bệnh đã bị loại trừ. Nhờ đó mà nó có khả năng tấn công nhanh và mạnh hơn nếu gặp lại tác nhân gây bệnh đó. Hệ miễn dịch có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng, chống nhiễm bệnh, vì vậy để bảo vệ bản thân trước sự tấn công của virus, chúng ta cần tăng khả năng miễn dịch của cơ thể.

C. Cả hai đáp án trên

Câu 6. Dấu hiệu bất thường của cơ thể khi khả năng miễn dịch của một người bị suy giảm là gì?

A. Sốt                       B. Viêm tại chỗ hoặc toàn thân                          C. Đáp án khác

Nếu hệ thống miễn dịch bị lỗi hoặc suy yếu, cơ thể nhạy cảm hơn với các bệnh khác nhau và phục hồi vết thương chậm. Miễn dịch suy yếu có một số biểu hiện như: Cảm lạnh thường xuyên, nhiễm trùng lặp đi lặp lại, cúm, dị ứng, viêm khớp, mệt mỏi hoặc ung thư.

C. Đáp án khác

Câu 7. Cách tăng cường hệ miễn dịch?

A, Uống thuốc, tập thể dục, ăn uống lành mạnh

B. Uống thuốc, sống và ăn uống lành mạnh

C. Đáp án khác

Trên thực tế, hiện nay có rất nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng được quảng cáo là tăng cường miễn dịch nhưng chưa đủ bằng chứng khoa học chứng minh các loại thuốc này thực sự có hiệu quả giúp tăng sức đề kháng của cơ thể. Thay vào đó, khoa học đã chứng minh những thói quen lành mạnh có thể giúp cải thiện hệ miễn dịch cơ thể, cụ thể như sau:

Sống hạnh phúc: Một số nghiên cứu cho thấy mức protein trong hệ thống miễn dịch, gọi là immunoglobulin A (IgA), sẽ tăng cao hơn ở người trưởng thành có cuộc sống hạnh phúc.

Kiểm soát căng thẳng: Khi căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra các hormone như cortisol và adrenaline làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Căng thẳng trong một thời gian dài khiến con người dễ mắc các bệnh từ thông thường cho đến nghiêm trọng, bao gồm tim mạch và tăng huyết áp. Thực hành dưỡng sinh, khí công hoặc thiền chính niệm là cách để giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ăn uống lành mạnh: Dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt. Bên cạnh rau củ và trái cây giàu vitamin, tỏi và một số loại nấm cũng có công dụng kháng sinh, tăng cường sức đề kháng.

Ngủ đủ giấc: Ngủ giúp ngăn chặn các tế bào khỏi bị tổn hại và suy yếu. Thiếu ngủ khiến cơ thể mệt mỏi và dễ mắc bệnh hơn. Một giấc ngủ sâu và đủ được xem như liều thuốc chữa bệnh tuyệt vời cho cơ thể con người.

Không sử dụng rượu bia và chất kích thích: Sử dụng rượu bia và chất kích thích sẽ gây ức chế chức năng của các tế bào bạch cầu, làm giảm sức đề kháng và suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể.

Tập thể dục: Những bài tập thể dục nhẹ nhàng, ví dụ như khí công, đi bộ, cũng giúp kích thích các tế bào bạch cầu hoạt động tốt hơn, giải phóng hormone endorphin có khả năng giảm đau, giảm căng thẳng và ngủ ngon hơn, từ đó cải thiện khả năng miễn dịch.

Đáp án C.

Ảnh: Shutterstock

Video xem thêm: Trong dịch bệnh đi tìm phương cách, nhiều người muốn hiểu hơn về Pháp Luân Công?

Exit mobile version