Đại Kỷ Nguyên

Thủ thỉ mẹ kể con nghe: Ngoại hình không nhất định thể hiện bản chất

Nếu ngay từ nhỏ, con đã hiểu ngoại hình không nhất định phản ánh đúng bản chất và ngoại hình không phải quá quan trọng, thì con sẽ dần dần nhận ra và noi theo những tấm gương sáng ngời về trí tuệ và đạo đức.

Trẻ con sinh ra vốn bản tính lương thiện và trong sáng. Tuy nhiên khi lớn lên, chúng chịu nhiều ảnh hưởng từ xã hội, dễ dàng lây nhiễm những thói hư tật xấu, từ đó có thể tự làm tổn hại phúc báo của chính mình.

Trong quá trình trưởng thành của con trẻ, cha mẹ đóng vai trò quan trọng nhất. Đặc biệt, mẹ giống như một người bạn lớn luôn bên cạnh con từ lúc con còn chưa sinh ra cho đến mãi về sau. Thế nên, nếu mẹ có thể sớm dạy con những bài học về phân biệt tốt và xấu, đúng và sai, định hình phẩm chất tốt đẹp cho con từ nhỏ, thì sẽ không phải lo sau này con bị sa ngã trong cuộc đời đầy biến động và hỗn tạp.

Làm thế nào để mẹ dạy con bài học làm người quý giá? Chính những câu chuyện nhỏ thông minh và đáng yêu sẽ là công cụ tuyệt vời giúp mẹ truyền tải thông điệp giáo dục tới con một cách tự nhiên nhất.

Một trong những vấn đề mẹ nên chia sẻ và định hướng cho con từ nhỏ chính là thái độ về ngoại hình. Mẹ có thể học người Do Thái kể cho con nghe hai câu chuyện sau đây (trích dẫn trong sách Người Do Thái dạy con do Nguyễn Lư biên dịch) để giúp con đánh giá đúng về điều đó. Khi con không bị ám ảnh về ngoại hình, con mới có thể toàn tâm học tập tích lũy tri thức và không ngừng bồi dưỡng nhân cách. 

Câu chuyện thứ nhất: Ngoại hình không thể hiện bản chất

Một chú chuột con nhìn thấy một con vật có ngoại hình lạ lắm, vội chạy về nói với mẹ: “Mẹ ơi, sợ quá mẹ ạ. Con vừa trông thấy một quái vật, đầu nó có mào đỏ, hai mắt có vẻ hung ác cứ nhìn chằm chằm vào mặt con. Cái miệng nó dài và nhọn, chỉ đi bằng hai chân. Tự nhiên nó nghển cổ, mở to miệng rồi hét toáng lên nghe đến sợ. Con chỉ lo nó định ăn thịt mình. Con vội chạy ngay về nhà. Trên đường về, con lại nhìn thấy một bạn đường nom rất đẹp mã, trông có vẻ hiền từ. Ông ta nhìn con rất âu yếm rồi lại lim dim mắt như buồn ngủ. Lông ông ta mượt mà, dễ thương quá. Ông ta mở miệng kêu “meo meo” nghe vui tai lắm. Lúc đó, con đã đói bụng nên vội chui tọt vào hang ngay”.

Ngoại hình chưa chắc đã nói lên bản chất (ảnh: Pixabay).

Chuột mẹ nghe con nói giật mình thon thót. Nó vội nói: “Con ơi, tí nữa thì mất mạng rồi đấy. Cái con vật mà con nói nom có vẻ hung ác chính là con gà sống. Nó hiền lắm, chẳng làm hại ai. Còn cái con vật mà con nói có bộ lông đẹp nom dễ thương đó chính là con mèo, kẻ tử thù của họ chuột nhà ta. Nó chuyên đi rình rập chuột để ăn thịt. Con chớ nên đánh giá một ai đó qua ngoại hình, ngoại hình không thể hiện bản chất hung ác hay hiền từ đâu”.

Câu chuyện thứ hai: Ngoại hình không quá quan trọng

Trong rừng hôm đó, loài chim tổ chức đại hội để bầu chọn vua chim. Ai cũng thích bầu con Khổng tước vì nó có bộ lông sặc sỡ đẹp mắt lắm. Con chim khách lại nghĩ khác. Nó phát biểu trước đại hội: “Chúng ta cần một nhân vật có sức mạnh để bảo vệ nòi giống chim chứ không cần một kẻ chỉ có ngoại hình đẹp mà thôi”.

Cả họ nhà chim nghe tỉnh người, khen chim khách có đầu óc sáng suốt và nhất trí bầu chim ưng làm “điểu vương”. Từ đó, chim ưng được cả họ chim kính nể vì đã bảo vệ được giống loài. 

Đặt câu hỏi cho con

Sau khi kể chuyện, mẹ đừng quên đặt câu hỏi để xem con có lĩnh hội được nội dung và ý nghĩa câu chuyện hay không. Đồng thời khi nghe con trả lời, mẹ sẽ phát hiện ra con có tư chất gì đặc biệt, từ đó thuận đà phát triển những điểm mạnh cho con và giúp con khắc phục điểm yếu.

Bằng các từ để hỏi: là gì, là ai, ở đâu, khi nào, như thế nào và vì sao, mẹ dễ dàng đặt cho con muôn vàn câu hỏi khác nhau. Không những thế, em bé còn “vô tình” học được cách đặt câu hỏi, cũng chính là hình thành tư duy phản biện, một kỹ năng thiết yếu sẽ hữu ích cho em suốt đời. Dưới đây là một số câu hỏi gợi ý cho mẹ:

Câu hỏi 1: Con vật đầu tiên mà chuột con nhìn thấy là con gì? Trông nó như thế nào hả con?

Câu hỏi 2: Con vật thứ hai mà chuột con nhìn thấy là con gì? Nó khác gì so với con vật thứ nhất con nhỉ?

Câu hỏi 3: Vì sao nghe chuột con kể chuyện về 2 con vật xong thì chuột mẹ lại giật mình thon thót thế?

Câu hỏi 4: Chuột mẹ và chuột con đang nói chuyện ở đâu? Vì sao mà con biết?

Câu hỏi 5: Chuột mẹ đã dặn chuột con những gì vậy?

Câu hỏi 6: Trong câu chuyện về bầu chọn vua chim, con chim có ngoại hình đẹp là con chim gì? 

Câu hỏi 7: Con chim có ngoại hình đẹp đó có được bầu chọn là vua chim không? Con chim nào được bầu là vua chim? Tại sao?

Câu hỏi 8: Con thích con chim nào? Giải thích cho mẹ vì sao nhé?

Ảnh: Sassymamasg.

Cần giáo dục con 

Trong thời đại ngày nay, trẻ con tiếp nhận rất nhiều hình ảnh lộng lẫy từ ti vi hoặc quan sát trực tiếp từ những người xung quanh, đồng thời lại “lọt tai” những lời bình phẩm khen chê của người lớn. Vì vậy trẻ có thể hiểu nhầm rằng ngoại hình là quan trọng, có xu hướng thích những thứ bề mặt đẹp đẽ và chê bai ngay khi nhìn thấy sự xấu xí. Ngoại hình trở thành yếu tố khiến con trẻ đánh giá sai lệch cả về người khác và chính mình. Quá chú trọng về ngoại hình nhiều khi khiến con sao nhãng học hành.

Thói quen đánh giá mọi thứ ở bề mặt còn là nguyên nhân giải thích tại sao trẻ vị thành niên dễ rơi vào một trong hai thái cực: hâm mộ thần tượng quá mức hoặc bất mãn với điều mắt thấy tai nghe. Con càng lớn, sự tác động của cha mẹ càng khó khăn… 

Giá như ngay từ khi còn nhỏ, con đã hiểu ngoại hình không nhất định phản ánh đúng bản chất và ngoại hình không phải quá quan trọng. Hiểu được điều đó rồi, con sẽ dần dần nhận ra và noi theo những tấm gương sáng ngời về trí tuệ và đạo đức, để tâm hồn con như một khu vườn luôn tăng trưởng với thật nhiều hoa tươi và quả ngọt! 

Video xem thêm: Từ cô gái gốc Hà Thành đến cán bộ nhà ở Liên Hợp Quốc: Không bao giờ là muộn để tìm thấy “ngôi nhà” của chính mình

Exit mobile version