Hơn bốn tháng không đồng lương, phụ cấp nhưng cô Ngô Thị Thanh, 25 tuổi cùng bảy giáo viên vẫn lên lớp mầm non giữ chân 300 học trò. Sau đợt thi, xét tuyển viên chức giáo dục vừa qua, 8 cô giáo đã trúng tuyển.

Trường mầm non Hoa Pơ Lang ở thôn Đăk Snao 1 nằm cách trung tâm xã khoảng 20km. Đó là ngôi trường tiểu học cũ có ba phòng, các giáo viên tự tay sơn sửa, trang trí làm nơi dạy cho 70 đứa trẻ nghèo người Mông.

Cạnh bên, dãy nhà công vụ của trường đã xuống cấp, thấm dột vào mùa mưa là nơi ở của gia đình ba cô giáo. Cô Thanh nói với báo VnExpress: “Lương giáo viên hợp đồng chỉ đủ trang trải sinh hoạt nên vợ chồng vẫn phải ở nhờ nhà công vụ chật chội, rộng 20m2“. Hiện cô đang sống với chồng, con và mẹ.

Tốt nghiệp Sư phạm năm 2015, nữ giáo viên trẻ đầy nhiệt huyết xin vào ngôi trường này để thực hiện ước mơ đứng lớp của mình. Khi mới đặt chân đến đây, thấy cuộc sống khó khăn, cảnh trường lớp tồi tàn, học sinh lèo tèo được vài đứa, những “mộng mơ tuổi trẻ” trong cô hầu như tan biến.

Bẵng đi một thời gian, học trò đến lớp ngày càng đông, nhiều cháu được bố mẹ đưa từ trong rừng ra đây ở trọ học, khiến nữ giáo viên trẻ động lòng, cô quyết định gắn bó và muốn bù đắp cho những đứa trẻ “kém may mắn”.

Cô Ngô Thị Thanh bên học trò của mình những ngày không lương (ảnh: Ngọc Oanh/VnEpress).

Trong suốt 5 năm là giáo viên hợp đồng tại trường, mỗi tháng cô nhận được trên ba triệu đồng tiền lương. Một năm được tham gia giảng dạy chín tháng, còn ba tháng hè phải đi làm thuê kiếm sống.

Tháng tám năm nay, huyện thông báo không tái ký hợp đồng để thi tuyển viên chức. Tám giáo viên hợp đồng trường Mầm non Hoa Pơ Lang tình nguyện dạy không lương, không phụ cấp cho 300 học sinh vì sợ các em thất học, thiệt thòi khi vào lớp 1.

Cô Phạm Thị Hồng Lĩnh, 23 tuổi, quê Nghệ An, cho biết, đó là quãng thời gian khó khăn nhất đối với mình. Cả gia đình bốn người phải ở nhà công vụ, mái tôn đã hư hỏng, do chưa có tiền mua tôn thay nên phải dùng một tấm bạt lớn để phủ toàn bộ mái nhà. Nếu lợp lại mái thì phải mất gần chục triệu đồng.

Trong bốn tháng đứng lớp không lương, không phụ cấp, áp lực kinh tế đè nặng, nhiều lần cô Lĩnh muốn bỏ nghề đi hái cà phê thuê, nhưng đêm đến, trằn trọc suy nghĩ lại “thấy thương học trò quá nên phải bám trụ”.

Theo cô Nguyễn Thị Oanh, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Pơ Lang, năm nay, cả hai điểm trường có 300 học trò nhưng chỉ có ba giáo viên biên chế, tám giáo viên hợp đồng. Giữa năm nay, huyện không cho tái ký, nhưng các cô vẫn tự nguyện lên lớp, giúp trường quản lý hàng trăm trẻ. 

“Nếu không có các cô chắc giờ các cháu đã lang thang ngoài đường hoặc theo bố mẹ lên nương, rẫy”, cô Oanh nói.

Sau hơn bốn tháng khổ sở giúp nhà trường “giữ chân” học sinh, mới đây các cô giáo viên tình nguyện đứng lớp không lương đã trúng tuyển trong đợt thi tuyển viên chức của huyện Đăk G’Long.

Cô Nguyễn Thị Dung cho biết rất vui mừng khi cả 8 cô giáo đều trúng tuyển (ảnh: Trung Tân/Tuổi Trẻ).

Ông Đoàn Trung Kiên, trưởng Phòng nội vụ huyện Đắk Glong cho biết trên báo Tuổi Trẻ, việc cả 8 cô giáo mầm non trúng tuyển biên chế đã giảm áp lực rất lớn cho tình trạng thiếu giáo viên nhiều năm nay, đặc biệt từ đầu năm học 2019-2020.

Theo ông Kiên, đầu năm học 2019-2020, tỉnh Đắk Nông giao cho huyện 125 chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non để đáp ứng phần nào nhu cầu dạy và học tại địa phương. Huyện đã tổ chức tuyển giáo viên mầm non thành hai đợt, thi tuyển và xét tuyển.

Theo đó, có 31 người trúng tuyển sau khi thi tuyển và có 96 cô giáo khác cũng vừa trúng tuyển sau đợt xét tuyển vừa qua. Hiện nay đã có kết quả, tuy nhiên huyện đang làm thêm một số thủ tục theo quy định. 

“Dự kiến tuần tới huyện sẽ ra quyết định tuyển dụng đối với các giáo viên để phân công về các trường, điểm trường chưa có hoặc thiếu giáo viên từ đầu năm học đến nay, đảm bảo sớm ổn định dạy và học”, ông Kiên nói.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết trong điều kiện thiếu giáo viên mầm non, việc các cô giáo tình nguyện ở lại dạy không lương cũng như tấm lòng các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí là rất đáng trân quý. 

Video xem thêm: Thiếu tướng nguyên tổng biên tập báo quân đội nói gì về Pháp Luân Công

videoinfo__video3.dkn.tv||c3c6c3388__