Đại Kỷ Nguyên

Tình yêu thương, sự nghiêm khắc và sự chịu đựng của mẹ

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Đồng ý với yêu cầu của con kèm thêm điều kiện là một phương pháp giáo dục giúp cân bằng tình yêu và sự nghiêm khắc. Đặc biệt, nếu trẻ cảm động trước sự chịu đựng của mẹ thì hiệu quả càng thêm mạnh mẽ.

Yêu thương và nghiêm khắc là hai nền tảng quan trọng trong việc giáo dục con cái. Tuy nhiên có người quá yêu thương trẻ, đòi hỏi gì đáp ứng nấy, cho rằng miễn sao trẻ thuận tâm vừa ý, chỉ cần nhìn thấy con vui vẻ thoải mái là được. Trong khi đó, một số người lại vô cùng nghiêm khắc, luôn đòi hỏi trẻ phải đáp ứng các quy tắc, nhất nhất không suy chuyển. Thực ra, đạo trung dung cho rằng con người làm gì thái quá cũng không tốt, không nên đi đến cực đoan. Giáo dục trẻ nhỏ cũng như vậy, cần yêu thương và nghiêm khắc ở một giới hạn nhất định.  

Suy nghĩ về đòi hỏi của trẻ

Con gái tôi đang học lớp ba, rất thích dùng hộp giấy thủ công để tự chế đồ chơi. Mùa hè năm nay, cháu vẫn làm đồ chơi, nhưng cũng muốn mua thêm một chiếc máy bán hàng đồ chơi tự động giá 800 Yên Nhật. Lý do là vì cháu muốn lấy chiếc hộp nhựa nhỏ hình bầu dục trong món đồ chơi đó để sáng tạo món đồ chơi riêng của cháu. Tôi nghe xong cảm thấy có phần lưỡng lự.

Trước đây tôi vẫn luôn ủng hộ cháu, nhưng gần đây tôi phát hiện ra mình đã phạm sai lầm khi chiều cháu quá mức. Làm một người mẹ, tôi luôn hi vọng con cái vui vẻ, không ưu phiền, hi vọng cháu có một tuổi thơ vui tươi, đầy đủ nhất. Cháu cũng thích nói chuyện với tôi, không có biểu hiện cô độc, hay thái độ chống đối do bị áp lực.

Tuy nhiên, tôi phát hiện ra hai năm nay cháu luôn đưa ra các yêu cầu tốn kém, ví dụ muốn mua búp bê kèm theo các loại đồ hàng nấu ăn. Những đồ chơi sản xuất tại Nhật Bản này đều rất đắt, nhưng vì muốn cháu có một tuổi thơ tốt đẹp, vui vẻ, vô tư, tôi vẫn cố gắng đáp ứng các yêu cầu của cháu. Mặc dù vậy, tôi phát hiện ra cháu ngày càng nhanh chán chơi những món đồ chơi cũ. Gần đây mua cho cháu một con búp bê thì chỉ mấy ngày là cháu bỏ nó qua một bên không chơi nữa.

Tôi bắt đầu suy ngẫm, cách làm này của tôi có phải hơi quá chiều con không? Trẻ con nếu có được thứ mà nó muốn quá dễ dàng thì sẽ không biết trân quý, cũng sẽ không biết hàm ơn. Cho rằng mọi thứ có được đều là đương nhiên cũng có nghĩa là đứa trẻ không cảm giác được tình yêu thương của cha mẹ dành cho mình.

Trẻ cần phải chịu khổ và bỏ công sức một cách thích đáng để đạt được điều nó muốn, như vậy sẽ giúp nó hiểu được sự trân quý và biết ơn công sức của cha mẹ. Khi lớn lên nó mới trở thành người hiểu biết, lương thiện và sống có trách nhiệm. Như vậy, không thể đáp ứng quá nhiều nhu cầu của trẻ.

Điều chỉnh lại cách đáp ứng yêu cầu của trẻ

Cha mẹ không nên nuông chiều nhưng cũng không nên quá nghiêm khắc mà hoàn toàn không quan tâm gì đến cảm nhận của con. Nghĩ đến đây, tôi quyết định vẫn đáp ứng yêu cầu của con, và tôi kèm thêm điều kiện. Phải để trẻ bỏ chút công sức thì nó mới biết trân quý!

Do vậy, tôi suy nghĩ xem có cách nào có thể khiến con vừa thực hiện được nguyện vọng của mình, vừa không tiêu phí quá nhiều tiền. Không dựa vào tiền mà vẫn khiến trẻ hiểu được công sức cha mẹ dành cho mình, hiểu được tình yêu của cha mẹ đối với mình. Làm cách nào có thể vừa không làm tổn thương trẻ, lại phải có tác dụng giáo dục để trẻ hiểu được sự vất vả của cha mẹ, biết bày tỏ sự cảm ơn?

Tôi nghĩ đến các cửa hàng ăn ở Nhật Bản, mỗi lần cả nhà ra ngoài ăn, dù là cửa hàng ăn bình thường thì đều có suất ăn trẻ em, trong mỗi suất ăn đều tặng thêm một đồng xu để trẻ tự mình ra máy bán hàng tự động chọn mua một món đồ chơi. Thường mỗi năm vào dịp lễ tết, các gia đình đều đưa trẻ ra ngoài ăn.

Nghĩ xong, tôi liền đồng ý với con, nhưng cháu nói với tôi rằng muốn có ngay. Tôi nói: “Cửa hàng bán mỳ ở gần đây rất rẻ, mẹ con mình đi ăn liên tục ba ngày sẽ có đủ tiền xu để con mua món đồ chơi đó, con thấy thế nào?”

Cháu nghe xong hỏi: “Mẹ ơi, chẳng phải mẹ không thích cửa hàng đó sao? Lần trước mẹ còn nói món ăn ở đó rất khó ăn”.

Tôi trả lời cháu: “Vì mẹ hi vọng con có thể mau chóng có đủ số lượng xu để mua đồ chơi, nên mẹ chịu đựng vài lần vậy, miễn con thích là được rồi”.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Đứa trẻ nghe xong vô cùng vui mừng, bộ dạng rất cảm động, tôi lại đưa ra điều kiện là phải đi bộ, không được đi xe. Không ngờ cô bé vốn dĩ không thích đi bộ, suốt ngày kêu ca mệt mỏi, lần này lại đồng ý đi bộ, vui vẻ đáp ứng yêu cầu của tôi.

Phản ứng của con khiến tôi bắt đầu hiểu ra giáo dục trẻ thực sự không thể đi đến cực đoan, cần phải lý trí. Nếu cha mẹ cứ cho đi thì trẻ sẽ không hiểu sự trân quý và cũng không biết cảm ơn cha mẹ. Lần này tôi vẫn bày tỏ thái độ ủng hộ con, nhưng chú ý để trẻ cảm nhận được một cách chân thực công sức của mình, vậy nên tôi đã tự nhiên nghĩ ra biện pháp. Tôi đã nói riêng với cháu rằng vì cháu mà tôi chấp nhận ăn một món mỳ mà tôi không thích trong ba ngày liên tiếp. Nếu bạn chỉ cho không thì dù cho trẻ bao nhiêu nó cũng không có cảm giác, thậm chí cho rằng đó là lẽ đương nhiên.

Cha mẹ không nên chỉ chú trọng cảm nhận chủ quan của bản thân, dù kiên quyết phản đối hay hết mực ủng hộ vô điều kiện đối với đòi hỏi của con đều không phải thượng sách. Dạy con nhất định không thể cực đoan. Chỉ có cân bằng giữa sự chiều chuộng, vốn là biểu hiện của tình yêu, và sự nghiêm khắc, tác động cần thiết để con quy chính bản thân, thì cha mẹ mới mang đến cho con sự giáo dục lành mạnh. 

Đồng ý với yêu cầu của con và tạo điều kiện cho con không dễ có được mọi thứ, có lẽ đó chính là một cách làm cân bằng giữa tình yêu và sự nghiêm khắc. Đặc biệt, người mẹ cũng nên lưu lại cho con ấn tượng về công sức mà mình bỏ ra, để bản thân trẻ cảm nhận được sự vất vả, chịu đựng của mẹ thì trẻ sẽ cảm động, nhờ vậy tác dụng giáo dục càng nhân lên.

Gợi ý từ một câu chuyện giáo dục của Nhật Bản

Chuyện kể rằng, nước Nhật sau Thế chiến thứ hai rất nghèo, người dân thiếu thốn, hầu như trên mâm cơm không có thịt để ăn. Gia đình của cậu bé Kadokura Kiyojiro cũng như vậy. Trên lớp, cậu thường nghe bạn bè kể về loại bánh thơm ngon nhân thịt mà bản thân chưa từng được ăn bao giờ, trong tâm luôn thèm muốn và xấu hổ. 

Một lần đi cùng người mẹ, vô tình cậu nghe thấy tiếng rao bán bánh nhân thịt cùng mùi bánh thơm phức hết sức hấp dẫn. Thế là cậu nói với mẹ thật to rằng mình muốn ăn bánh nhân thịt, muốn mẹ mua cho bằng được. 

Mặc dù người mẹ nhẹ nhàng giải thích rằng gia đình không có điều kiện mua bánh, nếu mua mang về, bố sẽ rất giận và sẽ mắng mọi người, nhưng lúc đó, cậu bé lại trách móc mẹ, năn nỉ mẹ cho ăn dù một lần thôi cũng được. Người mẹ sau đó đã hạ quyết tâm, bước thẳng vào tiệm bánh mua 6 chiếc mang về.

Quả nhiên, khi bố về nhà và phát hiện trên bàn, ngoài món rau mặn như thường ngày còn có thêm một đĩa bánh nhân thịt, anh đã lập tức nổi trận lôi đình với vợ. Lúc này, cậu bé mới biết sự việc thực sự đáng sợ cỡ nào và lo lắng rằng mẹ sẽ nói ra mọi chuyện. Tuy nhiên, người mẹ chỉ lặng lẽ lắng nghe và mắt cúi nhìn xuống đầu gối. Sau đó, bà vẫn dành nụ cười ấm áp cho con, không một lời oán trách, và còn khen bánh rất ngon. 

Kể từ lần ấy, cậu học sinh lớp 4 đã khắc ghi suốt đời về tình yêu thương và sự chịu đựng của mẹ. Hình ảnh người mẹ bị bố mắng mà không than vãn trách móc con đã gieo vào lòng cậu một bài học sâu sắc không quên. Sau này, đứa trẻ trở thành một người chủ doanh nghiệp nổi tiếng ở Nhật Bản.

Trong trái tim người mẹ luôn có sẵn sức mạnh của tình yêu và sự chịu đựng vì con. Chỉ cần mẹ hiểu rằng giáo dục cần lý trí, trong mọi tình huống đều không nên hành động cực đoan, thì nhất định sẽ dạy con thành công.

Đan Tâm

Tham khảo Chánh Kiến

Video: Đức Phật giảng về 7 kiểu vợ: Thế nào là “làm vợ như một người hầu”?

Exit mobile version