Đại Kỷ Nguyên

Trì hoãn sự hưởng thụ: Cốt lõi sự giàu sang của người Do Thái

Người Do Thái nổi tiếng là những người khôn ngoan, trong số họ có rất nhiều người là những nhà buôn nổi tiếng và giàu có. Ngoài sự nỗ lực về ý chí và sự cố gắng không ngừng của bản thân, thì phương pháp giáo dục gia đình cũng có vai trò quan trọng làm nên sự thành công của họ.

Người Do Thái chú trọng giáo dục tài chính cho con từ khi chúng còn nhỏ, nhất là cách đầu tư thế nào cho hiệu quả nhất. Họ mua tặng cổ phiếu cho những đứa bé vừa mới tròn một tuần tuổi, việc làm này dường như đã trở thành thông lệ. Ngày nay, những người Do Thái tập trung sinh sống ở khu vực Bắc Mỹ vẫn thường xuyên làm thế.

Bồi dưỡng khái niệm “trì hoãn sự hưởng thụ” cho trẻ là một điểm rất quan trọng trong việc giáo dục tài chính của người Do Thái. “Trì hoãn sự hưởng thụ” chính là kiềm chế việc thỏa mãn dục vọng của bản thân, để theo đuổi những hoài bão lớn trong tương lai. Quan điểm này có thể được coi là cốt lõi trong việc giáo dục tài chính cho con cái và cũng là một bí mật lớn đem đến sự thành công của người Do Thái.

Vậy họ đã giáo dục tài chính cho con cháu mình như thế nào?

Thông qua quan niệm và lối sống, dùng những “hành động thực tế” đổi lấy hạnh phúc thực sự trong cuộc sống

Người Do Thái quan niệm rằng: Nếu bạn muốn nghỉ ngơi, vui chơi, bạn cần phải dành lấy thời gian tự do cho mình. Điều đó đòi hỏi bạn phải cố gắng đạt được thành tích nhất định trong học tập hay công việc. Sau đó, bạn mới có thể tìm được một công việc lý tưởng, kiếm được thật nhiều tiền, rồi mới có thời gian để nghỉ ngơi và hưởng thụ. Trong trường hợp ngược lại, có vẻ như nghỉ ngơi và hưởng thụ là những khái niệm không dành cho bạn.

Đây là ví dụ cơ bản nhất trong lý luận về “trì hoãn sự hưởng thụ” của người Do Thái. Khi đối mặt với vấn đề giáo dục tài chính liên quan đến cả cuộc đời của trẻ, ý thức của họ càng được nâng cao hơn. Từ khi trẻ con rất nhỏ, họ đã bắt đầu dạy cho con các khái niệm tài chính hiện đại.

Thông qua quan niệm và lối sống “trì hoãn sự hưởng thụ”, họ hy vọng con mình có thể học được cách lập kế hoạch cho tương lai một cách thực tế và khoa học, hướng tới theo đuổi những ước mơ lớn lao trong đời, vứt bỏ “giấc mơ hưởng thụ”, dùng những “hành động thực tế” đổi lấy hạnh phúc thực sự trong cuộc sống.

Thông qua quan niệm và lối sống “trì hoãn sự hưởng thụ”, họ hy vọng con mình có thể vứt bỏ “giấc mơ hưởng thụ”, dùng những “hành động thực tế” đổi lấy hạnh phúc thực sự… (Ảnh: jdn.co)

Điều chỉnh, khống chế một cách hợp lý những nhu cầu vật chất của con

Không giống với những ước mơ hưởng thụ của người lớn như muốn sở hữu chiếc siêu xe, muốn mua những căn biệt thự bên bờ biển… cái gọi là sự hưởng thụ của trẻ con chỉ đơn giản là có đồ chơi mới, đẹp hơn của bạn bè. Có lẽ, với điều kiện kinh tế của các gia đình như hiện nay, việc đáp ứng “sự hưởng thụ” như thế của con không quá khó. Tuy nhiên, chúng ta cần phải điều chỉnh, khống chế một cách hợp lý với những nhu cầu đó của con, không nên cho con ngập sâu trong hưởng thụ từ khi quá nhỏ, nếu không, bạn sẽ phải trả giá bằng chính hạnh phúc sau này của con mình.

Edson Cholbi Nascimento (còn gọi là Edinho) có một người cha vĩ đại, ông chính là cầu thủ bóng đá tài giỏi nhất thế giới – vua bóng đá Pele.

Năm 1970, khi Pele đón chào cậu con trai đầu lòng, mọi người đã gửi đến ông hàng ngàn lời chúc may mắn. Những người hâm mộ Pele hân hoan dự đoán rằng: “Đây chính là vua bóng đá tương lai”. Nghe những lời như thế, Pele chỉ nói: “Con trai tôi mãi mãi không thể trở thành vua bóng đá được, vì nó chưa từng nếm trải mùi vị khó khăn, gian khổ, mà chỉ biết hưởng thụ một cuộc sống đầy đủ”.

Trong quan niệm của Pele, con trai ông được sinh ra khi bố đang là người có tiền, có danh tiếng, còn đa số các cầu thủ bóng đá nổi tiếng đều lớn lên trong những gia đình nghèo nàn, túng thiếu. Do đó mà con trai ông khó có thể trở thành “ngôi sao bóng đá”, chứ đừng nói gì đến “vua bóng đá”.

Quả đúng như vậy, con trai của cầu thủ tài ba này, sau này có tham gia vào đội bóng Santos danh tiếng mà cha mình đã từng thi đấu, nhưng chỉ chơi ở vị trí thủ môn dự bị, hơn nữa tài năng không có gì đặc biệt. Vì quen cuộc sống hưởng thụ, Edinho đã không biết cố gắng vươn lên nên sự nghiệp cầu thủ cũng không đạt được thành tựu như cha mình. Ngược lại, còn bị cảnh sát bắt giữ vì bị nghi có liên quan đến ma túy.

Pele là cầu thủ bóng đá nổi tiếng bậc nhất thế giới, ông đã để lại nhiều kỷ lục mà người sau khó có thể vượt qua được. Câu nói “hổ phụ sinh hổ tử” dường như không đúng với trường hợp của Pele. Khi so sánh ông với con trai của mình, thì thấy nguyên nhân cậu con trai không đạt được thành tích trong sự nghiệp cầu thủ là do quen với cuộc sống giàu có dư dả, nên bị rơi vào vực sâu của sự hưởng lạc.

Cầu thủ bóng đá nổi tiếng bậc nhất thế giới Pele. (Ảnh: youtube.com)

Hướng dẫn con cách khống chế dục vọng, cách sử dụng của cải hợp lý và có kế hoạch

Câu nói của Pele đã cho chúng ta thấy: Hoàn cảnh gia đình có ảnh hưởng đến sự trưởng thành của con cái. Khi cuộc sống dư dả, cha mẹ chu cấp cho con những điều kiện tốt nhất nhưng nếu không hướng dẫn con cách khống chế dục vọng, cách sử dụng của cải hợp lý và có kế hoạch, nên đã biến tất cả trở thành sự “sa đọa”, coi sự phấn đấu, nỗ lực là việc không cần thiết, mất thời gian.

Cuộc sống thiếu thốn có thể gây ra những khó khăn trở ngại nhất định, nhưng chính cuộc sống ấy lại tạo động lực thúc đẩy con người đạt đến thành công. Người Do Thái đề cao việc “trì hoãn sự hưởng thụ” thực chất là hy vọng kìm hãm ham muốn, dục vọng của con cái, tạo ra môi trường sống tương đối “gian nan”, hướng dẫn con cái tuân theo những quan niệm giá trị tiền bạc đúng đắn, thúc đẩy khả năng sáng tạo và hình thành tâm lý lành mạnh.

Có lẽ, điều kiện vật chất của các gia đình hiện nay tương đối tốt, để trẻ có một cuộc sống sung sướng không có gì là quá khó. Nhưng nếu để con đắm chìm trong cuộc sống hưởng thụ quá sớm, sẽ khiến trẻ trở thành người có tầm nhìn thiển cận, không trân quý công sức của cha mẹ, sớm muộn cũng có ngày trẻ phải chịu khổ và trả giá cho sự hưởng thụ đó. “Trì hoãn sự hưởng thụ” chính là để trẻ không bị rơi vào đam mê hưởng thụ, mà phải có chí lớn, nỗ lực chiến thắng bản thân để nắm quyền tự chủ tài chính tương lai.

“Trì hoãn sự hưởng thụ” chính là để trẻ không bị rơi vào đam mê hưởng thụ, mà phải có chí lớn, nỗ lực chiến thắng bản thân… (Ảnh: timesofisrael.com)

Trong cuộc sống hiện thực, rất nhiều người tự cho mình là người có tiền nên chi tiêu hoang phí, không biết cân bằng giữa việc thu chi, dẫn đến bi kịch. Vì vậy, trẻ học cách trì hoãn sự hưởng thụ, để trẻ hiểu rằng tiền không được tiêu thì tuyệt đối không tiêu, đây là cách quản lý tài chính đúng đắn và đơn giản nhất.

Tuy nhiên, nếu vì tương lai mà nghiêm cấm toàn bộ sự hưởng thụ chính đáng của con cũng chưa hẳn là một việc tốt. Ngược lại, nếu sa vào cuộc sống hưởng thụ mà “chiều hư” trẻ thì lại là một sai lầm lớn. Cho nên, ngay từ bây giờ, cha mẹ hãy giúp con tìm được một điểm tựa cân bằng trong lĩnh vực tài chính, giảm những khoản chi tiêu không cần thiết, để con tự lên kế hoạch cho tương lai của chính mình. Đồng thời, cũng phải để con hiểu rằng, trì hoãn hưởng thụ không phải là không được hưởng thụ, mà chỉ là không sa vào hưởng thụ để đạt được sự hưởng thụ, mà phải làm sao để hạnh phúc nhiều hơn, lâu dài hơn.

Bạn đang đọc bài viết: “Trì hoãn sự hưởng thụ: Cốt lõi sự giàu sang của người Do Thái” tại chuyên mục Giáo Dục của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!

 

Exit mobile version