Nói chung, chi phí chơi games không quá cao, thường dao động từ 3000-8000 VNĐ/giờ. Nhưng tiền giấy khăn gói ra đi không đáng lo bằng những cái “mất” khác đâu dễ đong đếm. Theo người viết, lỗi không phải ở các em, mà vấn đề ở chính bản thân việc chơi games.
1. Ngôn ngữ liệu có còn văn hóa?
Bước chân vào một quán games online, dòng người chật chội trong đó sẽ không khỏi làm các bậc phụ huynh bàng hoàng. Ở đó, ngôn ngữ cũng thật khác lạ đến giật mình! Đập vào tai phụ huynh là những tiếng “mày, tao” qua Voice Chat, những tiếng chửi rủa mà người có văn hóa nghe sẽ thấy ngượng ngùng. Và sẽ càng nhói đau xé lòng khi tiếng chửi rủa ấy là từ đứa con yêu dấu của mình.
Là những game thủ, các em cùng nhau hoàn thành các nhiệm vụ trong games, nhưng khi thua trận hoặc đồng đội không đạt “kỳ vọng”, cơn nóng giận sẽ khiến các em văng tục, chửi bậy. Kỳ lạ hơn, nhiều em còn cho đó là sự thoải mái, là thể hiện của cái “tôi” mà đâu biết rằng mình vô tình tạo thêm oán hờn, khẩu nghiệp.
2. Nơi khởi đầu của tệ nạn xã hội
Không thể phủ nhận, nhiều quán games phục vụ game thủ khá chu đáo, từ máy lạnh đến đồ ăn, nước uống cả ngày. Nhưng cùng với đó là mùi khói thuốc, là sự cám dỗ “thử một lần cho biết” mà tuổi mới lớn chưa có đủ bản lĩnh để kiềm chế.
Trên Internet, những bộ phim không phù hợp với lứa tuổi sẽ đầu độc tâm hồn non nớt của các em. Nơi đó, liệu có ai cản cấm được các thiên thần nhỏ mất đi vẻ trong sáng?
3. Là bạn hay bè?
Cổ nhân có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Cũng có người nói: “Chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà ở”.
Trong cuộc sống, “bạn” thì ít nhưng “bè” thì ai cũng có nhiều. Nếu như “bạn” là người ta có thể tin tưởng, thì “bè” là những người chỉ theo ta trong những cuộc vui.
Ở tuổi này, bạn bè là người có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý các em vì các em dành phần lớn thời gian tiếp xúc với những người đồng trang lứa. Liệu những bạn bè ảo trong games và những người bạn thật trong quán có thể giúp con em bạn có ý chí học hành, cùng giúp nhau tiến bộ?
4. Đau lòng khi bố mẹ đưa về
Và cảnh thương tâm nhất là khi bố mẹ đưa con cái về. Tìm kiếm con mình giữa những quán games dưới cái nắng cháy bỏng của mùa hè, để rồi khi đến nơi, nhiều bố mẹ nổi giận quát mắng con. Đó là sự mất bình tĩnh không cần thiết. Phải chăng lúc đó bố nói với con: “Bây giờ mình đi công viên nước chơi nhé?”, hay: “Cả nhà mình cùng đi bơi nhé!”. Đó sẽ là một lời mời nhẹ nhàng, các em cũng dễ dàng chấp thuận, vui vẻ cùng cha mẹ đi chơi!
Theo tôi lỗi không phải ở các em, mà lỗi ở chính bản thân việc chơi games.
Nếu không chơi games, các em vẫn có thể là những đứa trẻ biết điều, lễ phép và có phẩm chất đạo đức tốt. Các em có thể tham gia những thú vui giải trí vừa lành mạnh, lại vừa có lợi cho sức khỏe biết bao!
Vậy nên, người viết tin rằng, muốn con em thay đổi, thì người làm cha mẹ cần phải làm gương và nên có thái độ nhẹ nhàng, giúp con giảm dần giờ chơi thay vì cấm đoán hay cáu giận, đánh đòn khiến con em sinh ra tâm lý buồn rầu, hận thù.
Thanh Tâm