Dạy trẻ yêu thiên nhiên, hình thành những thói quen thân thiện với môi trường như trồng cây, đi bộ nhặt rác, sử dụng đồ tái chế… ngay từ khi còn nhỏ là điều mỗi bậc phụ huynh đều nên làm.
Không gian sống của chúng ta đang bị tàn phá và xuống cấp, chủ yếu là do sự thiếu hiểu biết của con người. Vì vậy, biện pháp hay nhất và cần thiết nhất chúng ta cần làm là giáo dục thế hệ trẻ cách chăm sóc hành tinh này để họ có thể trở thành “quản gia” tốt nhất của thế giới.
Những thay đổi nhỏ được thực hiện trong một khoảng thời gian dài bởi những người có ý thức bảo vệ sinh thái sẽ giúp tạo ra những thay đổi lớn về tổng thể cho hành tinh. Dưới đây là 10 lời khuyên – hành động thân thiện với môi trường với hy vọng rằng thế hệ trẻ sẽ phát triển và xây dựng một tương lai bền vững.
1. Trồng cây
Đối với nhiều người, trồng cây là một trong những kỷ niệm đẹp nhất từ thời thơ ấu, và đó cũng là điều chúng ta nên truyền lại cho thế hệ sau. Trồng cây sẽ mang lại cho con cái bạn thứ gì đó “hữu ích” mà chúng có thể kiểm tra, dạy chúng về giá trị của lao động, cũng như quá trình trồng trọt. Đây là cơ hội tuyệt vời để giải thích tầm quan trọng của cây trong việc chống biến đổi khí hậu.
2. Văn hóa “tái sử dụng”
Dạy trẻ kiến thức và sự tự tin để nói không với văn hóa “vứt bỏ sớm” bằng cách mang theo những vật dụng “tái sử dụng” mỗi khi bạn đến nhà hàng hoặc đi chơi, ví như những ống hút hay một chai nước có thể dùng nhiều lần. Hãy giải thích ý nghĩa của việc tái sử dụng và nhắc nhở trẻ mang theo những vật dụng dùng nhiều lần thú vị để giúp trẻ hình thói thói quen “không rác thải”.
3. Ngày thứ hai không thịt
Nếu bạn không phải là người theo chế độ ăn chay, bạn có thể áp dụng một phương pháp tuyệt vời để giúp con bạn tham gia vào quá trình giảm tác động khí hậu, đó là tham gia là “ngày thứ Hai không thịt”. Có hàng trăm món ăn thân thiện với trẻ em mà không có thịt, có thể giúp con bạn thoát khỏi tâm lý mỗi bữa ăn cần có thịt.
4. Đồ thủ công tái chế
Đồ thủ công, nghệ thuật là một trong những cách tốt nhất để gắn kết một đứa trẻ, vậy tại sao không biến nó thành bài học về văn hóa bền vững bằng cách tạo ra các sản phẩm thủ công tái chế?
Từ khủng long làm từ lõi cuộn giấy vệ sinh, đến những ngôi nhà cổ tích bằng hộp sữa, rất nhiều món đồ thủ công được chế tạo một cách tuyệt vời và rẻ tiền theo cách này, để dạy trẻ nhỏ biết trân trọng giá trị của những thứ gì đó bị loại bỏ.
5. Dự án sống Xanh
Bạn có dự định làm một số sản phẩm gia dụng thân thiện môi trường (có nguồn gốc thực vật hoặc bao bì bằng giấy) như các sản phẩm chất tẩy rửa hay tắm gội không? Cho con trẻ tham gia vào một dự án “không rác thải” có thể là cách hay để giúp con bạn sáng tạo ý tưởng về lối sống bền vững. Cho dù bạn đang làm kem đánh răng, chất khử mùi, hoặc bất cứ thứ gì xung quanh nhà, hãy tìm một thứ phù hợp lứa tuổi để thu hút bọn trẻ tham gia. Ví như làm hộp đựng, giúp trộn các thành phần trong hỗn hợp nào đó lại với nhau và giải thích cho trẻ lý do tại sao bạn làm nó.
6. Đi bộ nhặt rác
Dạy con trẻ giá trị của việc sống trong một hành tinh sạch bằng cách đưa bọn trẻ đi dạo. Đưa chúng đến một công viên địa phương hoặc đơn giản là xung quanh khu phố và tạo ra trò chơi tìm rác để nhặt. Nhặt rác là một trong những cách đơn giản và trực tiếp nhất để giúp môi trường, còn việc đi bộ vừa thân thiện với môi trường, vừa là một hình thức tập thể dục tuyệt vời. Khi bọn trẻ lớn hơn một chút, hãy để chúng thử plogging (trào lưu tập thể dục bảo vệ môi trường: vừa chạy bộ vừa nhặt rác).
7. Sức mạnh của loài giun
Có hai thứ mà mọi đứa trẻ đều yêu thích, chính là nghịch đất và những chú giun. Hãy sử dụng lợi thế này bằng cách bắt đầu một “trang trại” giun với một thùng nuôi giun là đủ. Làm phân giun là một cách dễ dàng, hiệu quả để tái chế chất thải thực phẩm có hữu cơ chất lượng cao (chất thải trái cây, rau quả…) cho cây trồng của bạn, đồng thời qua đó dạy cho trẻ em về vòng tròn của cuộc sống và phân bón. Ngoài ra, bọn trẻ chắc chắn sẽ thích cho giun ăn và kiểm tra những người bạn giun của chúng.
8. Đóng gói một bữa ăn trưa không rác thải
Khi trẻ đủ tuổi đến trường, đóng gói bữa trưa không có chất thải là một cách tuyệt vời để trẻ thực sự cảm thấy việc không có chất thải dễ dàng như thế nào ngay từ khi còn nhỏ. Thay vì dùng các vật dụng không lành mạnh như giấy gói ni lông, hộp ăn trưa làm bằng nhựa… bạn có thể dạy cho trẻ giá trị của việc tái sử dụng bằng cách dùng giấy gói bằng sáp ong, bằng bột, hộp đựng kim loại và các vật dụng tái sử dụng khác.
9. Học và đọc về tính bền vững
Có rất nhiều sách thiếu nhi vừa có tính giải trí, vừa chứa đựng những bài học quý giá về môi trường. Hãy tìm kiếm những cuốn sách tuyệt vời này để đảm bảo rằng những bài học quý giá về bảo vệ môi trường, hành tinh là một phần thường xuyên trong cuộc sống của bạn.
10. Đưa trẻ ra ngoài và khám phá
Cuối cùng, cách tuyệt vời nhất để khiến trẻ quan tâm đến môi trường là vui chơi trong môi trường. Dù đi chơi ở công viên địa phương, đi cắm trại, dã ngoại mùa hè hay đơn giản là ghé thăm một khu vườn cộng đồng, hãy tạo ra những ký ức ngoài trời thú vị cho con trẻ. Đó là cách tốt nhất để khiến trẻ quan tâm đến việc bảo tồn hành tinh chúng ta.
Chúng ta học về “khai thác” tất cả mọi thứ, nhưng lại quên bài học về chăm sóc, bảo tồn và tái tạo, đặc biệt đối với không gian, môi trường sống của chính chúng ta. Đó không phải chỉ là ngôi nhà, khu vườn, ao cá… của bạn, mà gồm cả cây cối, động thực vật, nước, đất đai, không khí… khi mà tất cả đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Bảo vệ môi trường là một lời kêu gọi cao quý và cấp bách, đòi hỏi tất cả mọi người phải tham gia, và trẻ nhỏ phải được giáo dục kiến thức cần thiết về vấn đề này như một loại kỹ năng sinh tồn căn bản nhất. Một môi trường được chăm sóc, bảo tồn sẽ mang đến cho con người không gian sống xanh, sạch, bình yên, hạnh phúc hơn, nâng giá trị thể chất và tinh thần con người lên tầm cao hơn.
Bạn đang đọc bài viết: “Trồng cây, đi bộ nhặt rác, nuôi giun… 10 cách đơn giản dạy trẻ lối sống bền vững tích cực” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |