Có người nói dạy con trai là gốc rễ của việc trị quốc bình thiên hạ, còn dạy con gái lại cực kỳ quan trọng. Có con gái hiền thì mới có người vợ hiền, người mẹ hiền. Do đó những người con trai con gái do người mẹ hiền sinh ra mới thành người hiền. Thế nên nói quyền trị quốc bình thiên hạ thì người phụ nữ nắm giữ một nửa lớn, đó là lấy giáo dục của người mẹ làm gốc.
Là người mẹ, chỉ có yêu thương thì chưa đủ, còn cần giỏi giáo dục con, nơi nào lúc nào cũng là tấm gương cho con, dùng những tư tưởng, phẩm chất, tác phong tốt để thấm nhuần và ảnh hưởng đến con cái. Tứ đại hiền mẫu cổ đại đều là mẫu mực về người mẹ khéo dạy dỗ con.
***
1. Mạnh Mẫu
Khắc khổ nuôi dạy con
Mạnh Mẫu tức là mẹ Mạnh Tử, bà là Chưởng thị, thời Chiến Quốc. Bà nổi tiếng bởi phương pháp hay giáo dục con. Mạnh Tử 3 tuổi thì cha mất, được mẹ nuôi dạy trưởng thành nên người, đồng thời trở thành Á Thánh của Nho gia được hậu thế tôn kính. Mạnh Mẫu cũng để lại những giai thoại đẹp về giáo dục con như “Mạnh Mẫu 3 lần chuyển nhà” (Mạnh Mẫu tam thiên), “Chặt khung cửi dạy con” (Đoạn trữ giáo tử).
Mạnh Tử trở thành Á Thánh, trở thành nhà tư tưởng chính thống trong xã hội Á Đông cổ đại, địa vị chỉ sau Khổng Tử, phần nhiều nhờ công sức người mẹ của ông. Mẹ Mạnh Tử là một người phụ nữ vĩ đại, bà cần kiệm chịu gian khổ đắng cay kiên trì giữ chí hướng nuôi dạy con trai. Từ cẩn thận lúc ban đầu, khích lệ chí hướng, đôn đốc nhân cách, khuyến học cho đến ước thúc lễ và trở thành vàng ròng, mấy chục năm ngày nào cũng như ngày nào, từng ly từng tý, không hề buông lơi, đã thành tựu nên Mạnh Tử và để lại cho những người mẹ các đời sau một phương án giáo dục con hoàn chỉnh . Bản thân bà cũng trở thành người mẹ mẫu mực lưu danh thiên cổ.
Cha Mạnh Tử tên là Mạnh Kích, tên chữ là Công Nghi, là người đọc sách có tài nhưng không gặp thời. Để phát triển lớn hơn và để vẻ vang môn tộc, ông đã từ biệt vợ trẻ con thơ, đi xa đến nước Tống để du học tìm con đường quan lộ. Ba năm sau đem đến cho Mạnh Mẫu là tin dữ như tiếng sét giữa trời quang. Từ đó Mạnh Mẫu cô độc không người trợ giúp phải bắt đầu đường đời gập ghềnh của mình. Bà quyết tâm dựa vào đôi bàn tay để đảm bảo nhu cầu ăn mặc, và dựa vào sức mình nuôi dạy đứa con trai độc nhất Mạnh Kha trở thành một người hữu dụng.
Mạnh Mẫu không chỉ cẩn thận từng ly từng chút chú ý đến sinh hoạt nóng lạnh của con, bà còn nhẫn nại không mệt mỏi dùng ngôn giáo (dạy bằng lời nói) và thân giáo (lấy bản thân làm gương) để hoàn thiện nhân cách con trai.
Về tổng thể thì nhân cách cơ bản của một người được hình thành ở độ tuổi lên 6 trở về trước, từ đó rễ sâu gốc bền.
Từ 6 tuổi trở đi thì phạm vi hoạt động dần dần mở rộng, tự nhiên sẽ chịu ảnh hưởng của môi trường xung quanh, khiến cho kiểu nhân cách mới sơ bộ hình thành ban đầu chịu thử thách và khảo nghiệm mạnh mẽ. Đây chính là thời kỳ “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, “nhuộm xanh thì xanh, nhuộm vàng thì vàng”, lúc này hoàn cảnh xung quanh vô cùng quan trọng. Để tìm cho con hoàn cảnh sống và học tập tốt, Mạnh Mẫu bắt đầu những lần thay đổi chỗ ở kéo dài, đến nay vẫn còn lưu lại câu chuyện đẹp “Mạnh Mẫu 3 lần chuyển nhà”.
Ba lần chuyển nhà
Nhà Mạnh Kha ban đầu ở thôn Phù dưới chân núi Mã Yên. Dưới chân núi này mồ mả khắp nơi, trẻ con trong thôn đuổi nhau chơi đùa, thường gặp cảnh đưa tang an táng. Bọn trẻ cũng tụ tập dăm bảy đứa bắt chước các lễ nghi của người lớn, diễn quá trình tang lễ. Mạnh Mẫu trông thấy vậy cảm thấy đau đớn trong lòng, không thể lúc nào cũng nhốt một đứa trẻ hoạt bát hiếu động trong nhà được, nên chỉ có cách duy nhất là thay đổi hoàn cảnh cư trú.
Trải qua một hồi trăn trở, mẹ con Mạnh Kha chuyển nhà từ thôn Phù đến thôn Miếu Hộ Doanh cách xa trên 10 dặm. Đây là một chợ phiên, những ngày lẻ như mồng 1, 3, 5, 7, người dân các nơi xa gần, tay xách vai gánh nông thổ sản đến chợ giao dịch, mặc cả trả giá, ồn ào huyên náo. Quang cảnh này đối với đứa trẻ mà nói thì rất hấp dẫn, tai nghe mắt thấy tiêm nhiễm. Mạnh Kha và một số đứa trẻ gần đó cũng học được dáng vẻ so đo cò kè. Mạnh Mẫu thấp thỏm không yên, ở được nửa năm lại chuyển chỗ ở.
Mạnh Mẫu không muốn con trở thành người lặng lẽ lầm lũi, cũng không muốn con bị ô nhiễm bởi thói chợ búa chỉ biết mưu đồ kiếm lợi. Bà nhất định chọn một hoàn cảnh thích hợp cho sự trưởng thành của con. Lần thứ 3 bà chuyển nhà đến gần trường học ở thành Trâu, tuy nhà cửa nhỏ bé tồi tàn, nhưng Mạnh Mẫu vẫn cảm thấy rất yên tâm định cư ở đó. Gần trường học luôn có những học trò qua lại. Những Nho sinh khí tiết dáng vẻ cao nhã, phong thái chuẩn mực ung dung, cử chỉ trang nhã, hành vi thực hành theo lễ nghi đã bất tri bất giác ảnh hưởng đến người dân xung quanh, nhất là đối với trẻ em bắt đầu hiểu sự đời. Bọn trẻ thường túm tụm dưới gốc cây diễn luyện những lễ nghi chắp tay cúi chào, nhường nhịn, lùi bước trong trường học, rất ra dáng và cung kính, một cảnh tượng trang trọng nghiêm túc, khiến Mạnh Mẫu từ xa nhìn xem, trong sâu thẳm nội tâm rất vui mừng: “Đây mới là hoàn cảnh cư trú tốt nhất cho bọn trẻ”.
Nói phải làm
Làm người yêu cầu phải thành thật, “nói phải làm, làm phải có kết quả” (nguyên văn: “Ngôn tất hành, hành tất quả”).
Khi gia đình Mạnh Kha còn ở thôn Miếu Hộ Doanh, hàng xóm phía đông có người mổ lợn, Mạnh Kha không hiểu hỏi mẹ: “Hàng xóm mổ lợn để làm gì?”.
Mạnh Mẫu lúc đó đang bận liền buộc miệng nói: “Để cho con ăn”.
Mạnh Kha vô cùng vui mừng chờ đợi được ăn thịt. Mạnh Mẫu ân hận: “Ta lỡ miệng rồi, con ta thơ dại, ý thức còn mới mở mang mà ta lại nói đùa với nó thì chẳng khác nào dạy nó nói dối hay sao?”
Thế là vì để không thất tín với con, dù cuộc sống túng thiếu giật gấu vá vai, bà vẫn nén lòng lấy ra một món tiền mua miếng thịt lợn để con trai ăn thỏa thích.
Cắt lụa dạy con
Làm việc cần phải bền lòng, một khi đã nhận định rõ mục tiêu thì không để những thứ bên ngoài gây nhiễu. Mạnh Kha vốn có linh tính và huệ căn thiên bẩm, nhưng cũng có thói ham chơi lười biếng như bao đứa trẻ khác. Một hôm Mạnh Kha trốn học đi chơi nửa ngày. Khi con trai trở về nhà, Mạnh Mẫu chẳng nói chẳng rằng cầm kéo xoẹt một cái cắt đứt tấm lụa đang dệt làm hai mảnh. Mạnh Kha kinh ngạc hỏi mẹ: “Sao mẹ lại cắt ngang bỏ tấm vải như thế?”
Mạnh Mẫu nói: “Con bỏ học thì giống như tấm lụa mẹ đang dệt đây. Một người quân tử học để thành danh, học vấn uyên bác, do đó họ ở thì yên vui, họ hành động thì tránh xa cái hại, cái xấu. Hôm nay con không học thì không thể rời xa họa hoạn được, từ nay về sau mãi mãi chỉ làm những việc nhỏ nhặt quẩn quanh tạm bợ mà thôi. Bỏ dở giữa chừng không làm, như người phụ nữ dệt lụa cắt lụa phá khung cửi, thì lấy gì cho chồng con ăn và mặc đây?”
Mạnh Mẫu dùng việc “Cắt lụa” để ví với “Bỏ học”, chỉ ra bỏ dở giữa chừng thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. “Cắt lụa khuyên học” đã lưu lại ấn tượng rõ ràng vừa kinh lại vừa sợ trong tâm hồn cậu bé Mạnh Kha, từ đó cậu siêng năng gắng sức, ngày đêm không mệt mỏi chuyên cần học tập.
Dốc lòng hướng con theo Nho gia
Thời Xuân Thu Chiến Quốc, phong khí học thuật phát triển mạnh mẽ, Chư tử Bách gia đua nhau xuất hiện khiến người ta hoa mắt rối loạn. Nhưng Mạnh Mẫu chỉ say mê Đạo trung thứ của Khổng Tử, đích thân tìm kiếm, cuối cùng đã tìm được người thầy vỡ lòng cho Mạnh Kha trong số các chư tử của Khổng môn.
Đương thời cháu trai của Khổng Tử là Khổng Cấp, tên chữ là Tử Tư mở trường dạy Lục nghệ (6 bộ môn cơ bản là: lễ (lễ nghĩa), nhạc (âm nhạc), xạ (bắn cung), ngự (điểu khiển xe ngựa), thư (thư pháp) và số (Toán học) ở Khúc Phụ. Học trò khắp nơi xa gần tấp nập đến học. Năm Mạnh Kha 15 tuổi, được sự khích lệ của mẹ, đã từ biệt thành Trâu đến Khúc Phụ. Từ đó Mạnh Kha đã chính thức tiếp thụ tinh túy của Nho học. Tử Tư đặc biệt đánh giá cao Mạnh Kha, ông nói với mọi người rằng: “Mạnh Kha nhỏ tuổi nhưng bản tính lại vui thích nhân nghĩa, luôn nói chuyện Nghiêu Thuấn, quả là hiếm có trên đời”.
Từ đó Mạnh Kha dùi mài học tập với thầy Tử Tư 5 năm, học vấn đức hạnh đều tăng tiến như vũ bão, cuối cùng đã kế thừa y bát của Khổng Tử, được mọi người tôn kính gọi là Mạnh Tử.
Con trưởng thành vẫn ân cần dạy bảo
Mạnh Mẫu giáo dục con tỉ mỉ chu đáo, thậm chí sau khi Mạnh Kha đã thành thân, đạo vợ chồng ở với nhau cũng được mẹ già quan tâm chỉ bảo.
Sách “Liệt nữ truyện” có chép rằng:
Vợ Mạnh Kha là Do thị thân trần đi trong phòng ngủ, Mạnh Kha rất không bằng lòng. Do thị cho rằng chồng quá khách khí, bèn xin mẹ chồng nói giúp. Cứ như vậy trong thời gian dài, Mạnh Kha rất không hài lòng với vợ, cho rằng cô ta quá ngạo nghễ hỗn láo nên có ý bỏ vợ.
Mạnh Mẫu dùng đại nghĩa nói với con trai rằng: “Lễ là khi sắp vào nhà phải hỏi có ai trong đó không, đó là bày tỏ sự kính trọng. Sắp vào phòng thì phải lên tiếng, đó là để báo trước cho người khác biết. Sắp vào nhà thì ánh mắt phải nhìn xuống, là để tránh nhìn người khác đang ở trạng thái thất lễ. Hôm nay con vào chỗ riêng tư, vào phòng không lên tiếng khiến người ta đang ở trần trong phòng, lại đứng đó nhìn, là con trái lễ rồi, không phải vợ con vô lễ”.
Mạnh Kha cảm nhận sâu sắc sự lỗ mãng của mình, thế là những bế tắc trong lòng đã được trừ bỏ hết, lại sống vui vẻ với vợ như thuở ban đầu.
Mẹ hiền thì có con hiếu
Mạnh Mẫu cả đời vất vả cực nhọc nhưng sức khỏe rất tốt, chăm sóc dạy bảo Mạnh Tử không lúc nào buông lơi. Trừ thời gian Mạnh Tử chu du các nước ra, đa số thời gian Mạnh Tử đều vì để phụng dưỡng mẹ già, ông đảm nhận chức giáo thụ nhỏ bé ở nước Tề chứ không lỡ rời xa mẹ đi xa mưu cầu phát triển sự nghiệp. Ở nước Tề, Mạnh Tử đã nhiều lần luận thuật về chủ trương chính trị của mình với những người nắm quyền triều chính. Tề Tuyên Vương tuy dùng bổng lộc 10 vạn chung để tạ ơn Mạnh Tử nhưng lại không tích cực thực hiện chủ trương chính trị của ông, thế là Mạnh Tử liền nói: “Người quân tử ở vị trí hợp với thân phận, không nhận thưởng tùy tiện”.
Mạnh Tử không tham bổng lộc vinh hoa, ông mong muốn thực hiện hoài bão chính trị của mình.
Nơi lý tưởng để thực thi chủ trương của Mạnh Tử là nước Tống, nhưng vì để phụng dưỡng mẹ già nên ông cứ trì hoãn mãi. Thời gian thấm thoát trôi, thoắt chốc đã 30 năm qua đi, Mạnh Mẫu đã vượt tuổi cổ lai hy (trên 70 tuổi), còn Mạnh Tử cũng đã tri thiên mệnh (50 tuổi). Mạnh Tử thường thở ngắn than dài, buồn bã không vui.
Mạnh Mẫu hỏi rõ nguyên do, rồi nói với con trai một câu danh ngôn thiên cổ: “Cái lễ của người phụ nữ là tinh thông ngũ vị, khéo làm rượu, tương, nuôi các em chồng, may vá quần áo. Do đó có tu dưỡng trong phòng khuê mà không có chí ở ngoài bờ cõi. Nói về người phụ nữ, không có nghĩa lý tự tiện chuyên quyền, có đạo lý tam tòng. Do đó tuổi nhỏ thì theo cha mẹ, lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con trai. Đó lã lễ vậy. Hôm nay con đã nên người, mà ta cũng đã già rồi. Con thực hiện nghĩa của con, ta thực hiện lễ của ta”.
Chỉ hai, ba câu nói của Mạnh Mẫu đã khiến bao lo nghĩ tích tụ bấy lâu trong tâm Mạnh Tử được quét sạch, thế là Mạnh Tử lại đi chu du các nước một lần nữa, được tôn kính và nghênh tiếp long trọng chưa từng có. Đáng tiếc là vào đúng lúc con trai đang nở mày mở mặt thì Mạnh Mẫu ra đi và hai mẹ con không được nhìn nhau. Bà được an táng ở cố hương – núi Mã Yên, những nơi tang lễ đi qua, người dân xóm làng tranh nhau ra hai bên đường lễ tiễn biệt, vô cùng đau buồn.
Ngày nay ở chân núi Mã Yên cách huyện Trâu Thành tỉnh Sơn Đông 20 dặm vẫn còn có mộ Mạnh Mẫu với những cây bách cổ xanh tốt rậm rạp. Các triều đại trong lịch sử đều có lập bia đá ca tụng bà kiên trinh chí tiếp và là mẫu mực của người mẹ nhân từ, và có xây dựng đền Mạnh Mẫu.
Là một phụ nữ, sự vĩ đại của Mạnh Mẫu đâu chỉ có “Tinh thông ngũ vị, khéo làm rượu, tương, nuôi các em chồng, may vá quần áo” và “đạo tam tòng”, quan trọng hơn là bà kịp thời giáo dục con ở các mức độ khác nhau, ở các giai đoạn khác nhau trong toàn bộ quá trình trưởng thành của con trai. Bà là một ngọn đuốc đốt cháy mình để chiếu sáng con đường phía trước cho con trai.
Theo NTDTV
Kiến Thiện biên dịch