Cha mẹ có thể bao dung cho con cái nhưng xã hội thì không, đừng để sự nuông chiều ngày hôm nay thành nỗi bất hạnh ngày sau.
Năm ngoái con trai của dì Tâm tốt nghiệp đại học, trong mắt mọi người trong gia đình, Đông là cậu con trai có tiền đồ tốt. Mỗi khi nhắc đến Đông đều là nhắc đến thành tích học tập loại giỏi đứng đầu khoa đầu lớp, bao nhiêu năm đi học Đông toàn học trường điểm, trường có danh tiếng. Tuy nhiên giờ đây tốt nghiệp đã được một năm nhưng đi làm ba nơi đều chưa qua nổi thời gian thử việc đã bị cho nghỉ. Cuối cùng Đông ở nhà không chịu đi tìm việc nữa, hiện nay cũng đã ở nhà ba tháng rồi không làm ăn gì cả, suốt ngày ôm cái điện thoại đến đêm khuya mới chịu đi ngủ, sáng ra thì trưa chặt mới chịu dậy.
Nuôi dạy con cái chỉ chú trọng thành tích của con chứ không chú trọng tu dưỡng
Gần đây dì Tâm dựa vào mối quan hệ của mình đã gặp được người quản lý cũ của Đông, hỏi rõ đầu đuôi sự việc ra sao, cứ gì làm được vài hôm đã nghỉ. Người sếp cũ này đáp: “Năng lực làm việc chưa cần nói đến, con trai cô cơ bản không phải người đến để đi làm. Giao việc cho cậu ấy, cậu ấy không thích thì không làm, cho dù có làm rồi cũng không báo cáo cấp trên tiến độ công việc thế nào, phê bình cậu ấy vài câu là sáng hôm sau không đi làm nữa, thật là không hiểu chuyện. Đã vậy trong cuộc họp còn cãi nhau cả với cấp trên, quan hệ với đồng nghiệp cũng chẳng ra sao, thực sự không dám để cậu ấy ở lại làm việc”.
Những lời này của người sếp cũ này khiến cho dì Tâm phải giật mình kinh ngạc. Cô thừa nhận là con trai mình là người có cái tôi khá cao với một chút kiêu ngạo nhưng không ngờ vấn đề nó lại nghiêm trọng như vậy?
Có câu: “Băng dày ba thước chẳng bởi lạnh một ngày”, con trai dì Tâm chẳng thể một sớm một chiều mà hình thành tính cách đó được.
Nuôi dạy con cái nhân cách tốt còn hơn thành tích tốt
Ngày nay có không ít những bậc cha mẹ dạy con cái chỉ nhìn vào thành tích học tập, chỉ cần con học hành có thành thích tốt là được, còn vấn đề cốt lõi nhất đó là nhân cách để làm người thì lại bị xem nhẹ, tự mình hạ thấp tiêu chuẩn giáo dưỡng con cái.
Nuôi dưỡng con lấy thành tích làm trọng, điều này không chỉ khiến cho tiêu chuẩn đạo đức bị xuống cấp mà còn khiến cho con cái bị áp lực vô cùng. Không chỉ có vậy, thi đua thành tích cũng lại chính là căn nguyên của rất nhiều tính xấu, so sánh hơn thua chính là cội nguồn của sự bất hạnh, đau khổ.
Dạy con không nên vì còn nhỏ mà nuông chiều
Trên chuyến xe đường dài, một cặp vợ chồng cùng cậu con trai lên xe, vừa ổn định chỗ ngồi thì hai cha con liền chơi điện tử, mỗi khi thắng thì cười to nói lớn, hơn nữa còn không có ý muốn dừng lại. Hàng ghế phía trước có một bác trai lớn tuổi muốn chợp mắt một lúc cho đỡ mệt nhưng tới lúc chuẩn bị ngủ thì lại bị làm ồn. Năm lần bảy lượt, bác trai nhịn không được nữa bèn quay lại nhìn hai cha con nọ, nói: “Bảo cháu nó yên lặng được không? Đây đâu phải nhà riêng mà ồn ào”.
Đứa trẻ thấy người lạ nói vậy nên yên lặng một chút rồi ngồi nép vào lòng cha mình. Tưởng rằng như vậy là xong, ai ngờ ngồi được một lúc cậu con trai bắt đầu khóc lớn. Thấy con mình khóc, cha đứa trẻ bất mãn nói: “Trẻ con còn nhỏ, đùa một chút thì có làm sao? Người lớn ai lại đi chấp với đứa trẻ”.
Đây chỉ là một câu chuyện điển hình của cách nuôi dạy con cái ngày nay, nó cũng là một trong những sai phạm trong cách giáo dục con mà rất nhiều bậc phụ huynh đang mắc phải. Cha mẹ không thể lấy lý do con cái còn nhỏ mà để chúng sai trái không giáo dục. Nếu như trẻ con không được giáo dục lễ nghĩa làm người ngay từ khi còn nhỏ, sau này bước chân ra ngoài xã hội ắt sẽ vì thái độ không chuẩn mực của mình làm cho thất bại.
Cha mẹ có thể bao dung cho con cái nhưng xã hội thì không, đừng để sự nuông chiều ngày hôm nay thành nỗi bất hạnh ngày sau.
Con cái là tấm gương của cha mẹ
Chúng ta chỉ cần nhìn vào biểu hiện của con cái là có thể hiểu được sự tu dưỡng của cha mẹ. Cho dù con trẻ lớn hay nhỏ cũng cần phải giáo dục, tuỳ vào độ tuổi mà có sự dạy bảo khác nhau, không nên có suy nghĩ như: Đợi chúng lớn rồi mới dạy bảo, không nên chấp nhặt với trẻ con, quậy phá là thiên bẩm của trẻ nhỏ…
Trẻ con càng được nuông chiều thì càng dễ đi sai đường, vậy nên đối với con trẻ cần phải dạy bảo càng sớm càng tốt. Mà cách dạy bảo con hữu dụng nhất lại là ‘thân giáo’. Cha mẹ phải là tấm gương cho cái nhìn vào. Có câu nói, ‘trẻ em như tờ giấy trắng’. Thái độ và hành vi của con cái hoàn toàn là bản sao của cha mẹ; cha mẹ sống có chừng mực thì con cái cũng có phép tắc. Trong sinh hoạt gia đình, dẫu chỉ là một việc nhỏ cũng không thể xem thường.
Một gia đình nọ có ba thế hệ cùng sống chung, vì bà nội thương con đi làm vất vả và cũng vì quý cháu nên mỗi khi ăn cơm tối, bà thường dành trách nhiệm bế cháu cho vợ chồng con cái ăn cơm trước, đợi các con ăn cơm xong rồi bế cháu thay thì bà mới ăn sau. Thời gian qua đi, việc này đã thành thông lệ trong gia đình, nó cũng đã ăn sâu vào tiềm thức của đứa trẻ. Sau này đứa trẻ lớn lên cũng lại hành xử như cha mẹ mình trước đây, xem bố mẹ như người giúp việc, phải chăm sóc nhà cửa con cái cho mình.
Cha mẹ chính là ánh mặt trời soi sáng con đường tương lai của con trẻ, hành vi của cha mẹ chính là chuẩn mực để các con nhìn vào. Sống có giáo dưỡng chính là cách giáo dục con cái tốt nhất.
Minh Vũ
Theo Cmoney