Tiên học lễ, hậu học văn”, cuốn sách đầu đời của trẻ không phải để học tri thức, mà chính là học làm người. Chúng ta, những bậc làm cha làm mẹ, ai cũng mong muốn trang sách đầu tiên đi vào tâm hồn trẻ sẽ là những bài học thấm đẫm lòng nhân. Đó không chỉ là tiếng Việt, văn Việt, mà chính là tâm hồn Việt. Với tâm nguyện ấy, Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu tiểu mục “Tủ sách bé yêu” với những bài thơ, những mẩu chuyện nhỏ, vừa là ‘văn’, cũng vừa là cái ‘lễ’ làm người.
Bài đọc: Cày cấy
Ơn trời mưa nắng phải thì,
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu
Công lênh chẳng quản bao lâu
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng.
Xin ai chớ bỏ ruộng hoang,
Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu.
Giải nghĩa:
– Bừa cạn, cày sâu: bừa chỗ cạn, cày chỗ sâu.
– Nước bạc: nước ngập cả ruộng, trắng xóa, nghĩa là ruộng chưa cấy, chỉ có nước thôi.
– Cơm vàng: ý nói có gạo thóc quý như vàng, cũng có ý nói thóc lúa chín đỏ như vàng.
– Tấc đất tấc vàng: ý nói mỗi tấc đất thật quý như vàng. Hễ ai có ruộng đất mà chăm chỉ làm lụng thì là tiền của ở đó.
Học tiếng: Phải thì — công lênh — ruộng hoang — bao nhiêu… bấy nhiêu.
Bé đặt câu:
- Ai đã đi làm ruộng thì không quản ………
- Năm nào mưa nắng ………. là năm ấy được mùa.
- Ruộng bỏ không cày cấy là ………
- Người đi học mất ……… công là lợi………
Đáp án gợi ý:
- Công lênh
- Phải thì
- Ruộng hoang
- Bao nhiêu ; bấy nhiêu
Bé trả lời:
– Người đi cày làm thế nào mà cày?
– Ruộng bỏ không thì gọi là ruộng gì?
– Bé đã nhìn thấy bác nông dân cày ruộng chưa? Lưỡi cày và cái bừa trông như thế nào?
Bản in:
Nội dung: “Quốc Văn Giáo Khoa Thư”, lớp Dự Bị, 1935
Trình Bày: Tâm Minh