Tiên học lễ, hậu học văn”, cuốn sách đầu đời của trẻ không phải để học tri thức, mà chính là học làm người. Chúng ta, những bậc làm cha làm mẹ, ai cũng mong muốn trang sách đầu tiên đi vào tâm hồn trẻ sẽ là những bài học thấm đẫm lòng nhân. Đó không chỉ là tiếng Việt, văn Việt, mà chính là tâm hồn Việt. Với tâm nguyện ấy, Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu tiểu mục “Tủ sách bé yêu” với những bài thơ, những mẩu chuyện nhỏ, vừa là ‘văn’, cũng vừa là cái ‘lễ’ làm người.
Bài đọc: Chỗ quê hương đẹp hơn cả
Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm, láng giềng đến chơi đông lắm.
Một người bạn hỏi: “Ông đi du sơn du thủy, thế tất đã trông thấy nhiều cảnh đẹp. Vậy ông cho ở đâu là thú hơn cả?”.
Người du lịch đáp lại rằng: “Cảnh đẹp mắt tôi trông thấy đã nhiều, nhưng không đâu làm cho tôi cảm động, vui thú bằng lúc trở về chốn quê hương, trông thấy cái hàng rào, cái tường đất cũ kỹ của nhà cha mẹ tôi. Từ cái bụi tre ở xó vườn, cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi ra cho tôi những mối cảm tình chứa chan, kể không sao xiết được”.
Giải nghĩa:
– Du lịch: du là chơi, lịch là trải, du lịch là người đi chơi trải nhiều nơi.
– Du sơn du thủy: chơi chỗ sông, chỗ núi, những chỗ phong cảnh đẹp.
– Chứa chan: nhiều, bề bộn.
Bé đặt câu:
1, Người ta đi dẫu xa về thì ………. đến thăm hỏi đông lắm.
2, Cái nhà tôi đã ba đời nay rồi, cho nên trông nó ……… lắm.
3, Có đi ra ngoài mới biết nhớ ………. nhà mình.
Đáp án gợi ý:
1, kẻ quen người thuộc, làng xóm, láng giềng
2, cũ kỹ
3, hàng rào / tường đất / sân gạch / con trâu / …
Bé trả lời:
– Quê hương bé ở đâu?
– Nhà quê bé có cái gì đẹp hơn cả?
– Bé đã được đi những nơi nào?
Bản in:
Nội dung: “Quốc Văn Giáo Khoa Thư”, lớp Dự Bị, 1935
Trình Bày: Tâm Minh