Tiên học lễ, hậu học văn”, cuốn sách đầu đời của trẻ không phải để học tri thức, mà chính là học làm người. Chúng ta, những bậc làm cha làm mẹ, ai cũng mong muốn trang sách đầu tiên đi vào tâm hồn trẻ sẽ là những bài học thấm đẫm lòng nhân. Đó không chỉ là tiếng Việt, văn Việt, mà chính là tâm hồn Việt. Với tâm nguyện ấy, Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu tiểu mục “Tủ sách bé yêu” với những bài thơ, những mẩu chuyện nhỏ, vừa là ‘văn’, cũng vừa là cái ‘lễ’ làm người.
Bài đọc: Con cò mà đi ăn đêm
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi, ông vớt tôi nao!
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.
Ghi nhớ: Phải giữ tấm lòng trong sạch.
Đại ý:
Bài này mượn chuyện con cò mà ngụ ý luân lý rất cao. Con cò sa xuống nước, người ta bắt được sắp đem làm thịt, mà nó vẫn xin nấu bằng nước trong, để cho chết cũng được trong sạch. Cũng như người ta nghèo khó đi làm ăn lỡ sa cơ thất thế, bị phải tai nạn, nhưng bao giờ cũng giữ lấy tấm lòng trong sạch, không làm điều gì ô uế.
Giải nghĩa:
– Lộn cổ: rơi đâm đầu xuống.
– Vớt: lôi ở dưới nước lên.
– Xáo măng: nấu lẫn với măng để làm món đồ ăn.
Bé đặt câu:
1, Con vạc thì thường hay ……….
2, Đừng uống ……… mà độc.
3, Con chim đậu trên ………. tiếng hót véo von.
4, Con gà rơi vào bể phải ……… nó lên.
Đáp án gợi ý:
1, đi ăn đêm
2, nước đục
3, cành
4, vớt
Bản in:
Nội dung: “Quốc Văn Giáo Khoa Thư”, lớp Dự Bị, 1935