“Tiên học lễ, hậu học văn”, cuốn sách đầu đời của trẻ không phải để học tri thức, mà chính là học làm người. Chúng ta, những bậc làm cha làm mẹ, ai cũng mong muốn trang sách đầu tiên đi vào tâm hồn trẻ sẽ là những bài học thấm đẫm lòng nhân. Đó không chỉ là tiếng Việt, văn Việt, mà chính là tâm hồn Việt. Với tâm nguyện ấy, Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu tiểu mục “Tủ sách bé yêu” với những bài thơ, những mẩu chuyện nhỏ, vừa là ‘văn’, cũng vừa là cái ‘lễ’ làm người.
Bài đọc:
Khuân tảng đá
Trời nhá nhem (chạng vạng) tối. Tôi thấy một ông cụ già hì hục khuân một tảng đá, nhấc lên, để xuống đến bốn năm lần, mới đem được từ giữa đường đến chỗ bụi cây mà bỏ đấy. Tôi lấy làm lạ, chạy lại hỏi, thì ông cụ vừa thở vừa nói rằng: “Lão đi lỡ vấp phải tảng đá này, sầy cả chân, đau lắm. Nên lão khuân bỏ vào đây, sợ cứ để đấy, lại có người vấp nữa chăng”.
Tôi thấy nói, lấy làm nghĩ. Ông cụ già chịu nhọc mình một chút, để đỡ cho người đi đêm trên con đường không vấp phải tảng đá, cũng là một việc làm phúc đáng khen vậy.
Tục ngữ: “Thương người như thể thương thân”.
Giải nghĩa:
– Lão: tiếng người già tự xưng.
– Sầy: rách da.
Bé đặt câu:
1. Lúc trời tranh tối tranh sáng là lúc ………
2. Khuân vác một cái gì ra dáng nặng nhọc là ………
3. ……… là đang đi, chân đụng phải cái gì.
4. Khi vấp mà rách da thì gọi là ………
Đáp án:
1: nhá nhem / chạng vạng
2: hì hục
3: vấp
4: sầy
Bé trả lời:
– Trời nhá nhem tối, một ông cụ già đang làm gì?
– Ông cụ già làm thế, là có ý gì vậy?
– Các em nghĩ ông cụ già làm việc ấy thế nào?
Bản in:
Nội dung: “Quốc Văn Giáo Khoa Thư”, lớp Dự bị, 1935
Trình Bày: Tâm Minh