Tiên học lễ, hậu học văn”, cuốn sách đầu đời của trẻ không phải để học tri thức, mà chính là học làm người. Chúng ta, những bậc làm cha làm mẹ, ai cũng mong muốn trang sách đầu tiên đi vào tâm hồn trẻ sẽ là những bài học thấm đẫm lòng nhân. Đó không chỉ là tiếng Việt, văn Việt, mà chính là tâm hồn Việt. Với tâm nguyện ấy, Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu tiểu mục “Tủ sách bé yêu” với những bài thơ, những mẩu chuyện nhỏ, vừa là ‘văn’, cũng vừa là cái ‘lễ’ làm người.
Bài đọc: Kiến tha lâu cũng đầy tổ
Nước mềm, đá rắn (cứng), thế mà nước chảy mãi, đá cũng phải mòn. Sợi dây nhỏ, cây gỗ lớn, vậy mà dây cưa mãi gỗ cũng phải đứt. Con kiến nhỏ, cái tổ to, thế mà kiến tha lâu cũng đầy tổ.
Người ta cũng vậy, phàm làm việc gì dẫu thấy khó cũng đừng nên ngã lòng. Gặp việc gì khó, ta cũng cứ vững lòng mà làm, cứ cố vào, cố nữa, cố luôn mãi, thì việc dẫu khó đến đâu, cũng có ngày ta làm nên được. Những kẻ hay ngã lòng chẳng bao giờ làm được việc gì cả.
Ghi nhớ: Gặp việc khó ta chớ nên ngã lòng.
Giải nghĩa:
– Tha: cắn vào miệng mà mang đi.
– Phàm: gồm tất cả.
Học tiếng: Mềm — rắn — mòn — cứa — đứt — vững lòng — bền chí.
Bé trả lời:
1, Gặp việc khó ta phải làm thế nào?
2, Những kẻ hay ngã lòng thì thế nào?
3, Tại sao nước làm cho đá phải mòn?
4, “Kiến tha lâu có ngày đầy tổ” nghĩa là gì?
Bản in:
Nội dung: “Quốc Văn Giáo Khoa Thư”, lớp Dự Bị, 1935
Trình bày: Tâm Minh