Tiên học lễ, hậu học văn”, cuốn sách đầu đời của trẻ không phải để học tri thức, mà chính là học làm người. Chúng ta, những bậc làm cha làm mẹ, ai cũng mong muốn trang sách đầu tiên đi vào tâm hồn trẻ sẽ là những bài học thấm đẫm lòng nhân. Đó không chỉ là tiếng Việt, văn Việt, mà chính là tâm hồn Việt. Với tâm nguyện ấy, Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu tiểu mục “Tủ sách bé yêu” với những bài thơ, những mẩu chuyện nhỏ, vừa là ‘văn’, cũng vừa là cái ‘lễ’ làm người.
Bài đọc: Lễ phép với người tàn tật
Anh Trung, nhân ngày chủ nhật, cùng với lũ trẻ rủ nhau ra cổng xóm chơi. Lũ trẻ đang nô đùa với nhau, bỗng trông thấy một người ở đàng xa chống gậy đi đến. Người ấy què một chân, đi khập khễnh. Lũ trẻ cười ầm cả lên.
Anh Trung mắng lũ trẻ mà bảo rằng: “Người ta là một người tàn tật, thì chúng ta lại càng phải giữ lễ phép lắm; sao các anh trông thấy lại cười ầm lên như vậy, chẳng hóa ra là vô hạnh lắm ru”.
Lũ trẻ nghe nói, không dám cười nữa. Khi người tàn tật đến, anh Trung đứng nép ra bên đường để cho người ấy đi, cả lũ trẻ cũng bắt chước như vậy.
Nhắc bé: Không nên nhạo báng những người tàn tật.
Giải nghĩa:
– Nô đùa: chơi nghịch với nhau, có nơi gọi là trửng dởn hay là chơi dởn
– Vô hạnh: không có nết na, không biết giữ lễ phép
Bé đặt câu:
- Làng nào cũng có ……… đến đêm thì đóng lại.
- Người ta ngã, què mất một chân, bây giờ đi ……….
- Khi gặp người già yếu hay tàn tật, thì ta phải ……… cho người ta đi.
- Những đứa trẻ hay cười chế những người tàn tật, là đứa ………
Đáp án gợi ý:
- cổng
- khập khễnh
- đứng nép ra bên đường
- vô hạnh
Bé trả lời:
– Thế nào gọi là người tàn tật?
– Tại làm sao ta phải giữ lễ phép với người tàn tật?
– Người không giữ lễ phép với người tàn tật là người thế nào?
Bản in:
Nội dung: “Quốc Văn Giáo Khoa Thư”, lớp Dự Bị, 1935
Trình Bày: Tâm Minh