“Tiên học lễ, hậu học văn”, cuốn sách đầu đời của trẻ không phải để học tri thức, mà chính là học làm người. Chúng ta, những bậc làm cha làm mẹ, ai cũng mong muốn trang sách đầu tiên đi vào tâm hồn trẻ sẽ là những bài học thấm đẫm lòng nhân. Đó không chỉ là tiếng Việt, văn Việt, mà chính là tâm hồn Việt. Với tâm nguyện ấy, Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu tiểu mục “Tủ sách bé yêu” với những bài thơ, những mẩu chuyện nhỏ, vừa là ‘văn’, cũng vừa là cái ‘lễ’ làm người.
Bài đọc: Chuyện Thừa Cung
Thừa Cung nhà nghèo, mồ côi cha từ lúc hãy còn nhỏ. Khi mới lên tám, làm nghề chăn lợn (heo) để nuôi thân.
Trong làng có ông Từ Tử Thịnh mở trường dạy học, học trò xa gần đến học đông lắm. Thừa Cung cứ mỗi khi chăn lợn qua trường, thấy tiếng giảng sách, thì đứng lại nghe, trong lòng lấy làm vui thích lắm, muốn đi học.
Sau anh ta xin đến ở nhà học để dọn dẹp, quét tước. Từ Tử Thịnh thấy Thừa Cung mặt mũi khôi ngô, thuận cho ở. Lúc rảnh việc, anh ta chỉ chăm chăm chúi chúi học hành. Được vài ba năm Thừa Cung thành một người học trò giỏi, có tiếng thời bấy giờ.
Nghèo mà chịu học như vậy, chẳng đáng khen lắm ru.
Giải nghĩa:
– Nuôi thân: kiếm ăn cho khỏi đói
– Rảnh việc: không có việc gì làm
Bé đặt câu:
1. Con mà cha mẹ mất sớm cả gọi là con ………
2. Thầy đồ dạy học thì phải ……….
3. Công việc kẻ tôi tớ ở trong nhà là phải ………
4. Ai có ……… thì mới thành người học trò giỏi.
Đáp án gợi ý:
1. mồ côi
2. mở trường
3. dọn dẹp ; quét tước
4. chịu học
Bé trả lời:
– Tại sao Thừa Cung phải đi chăn lợn?
– Khi Thừa Cung đi qua trường học thì làm thế nào?
– Thừa Cung làm thế nào mà sau này thành được người học trò giỏi?
Bản in:
Nội dung: “Quốc Văn Giáo Khoa Thư”, lớp Dự Bị, 1935
Trình Bày: Tâm Minh