Có rất nhiều điều cần phải giáo dục con cái, một trong số đó chính là tôn trọng ông bà của mình. Đây có lẽ là trách nhiệm quan trọng nhất của bố mẹ cần dạy cho con mình. Bởi mối quan hệ này rất quan trọng và có giá trị đối với tất cả thành viên trong gia đình, thể hiện nhân cách, đạo đức của từng người.
Nói trẻ hiểu mối quan hệ giữa cha mẹ – ông bà – con cháu
Trong gia đình, ngoài các mối quan hệ vợ – chồng, cha mẹ – con cái, còn có mối quan hệ giữa ông bà và các cháu, anh – chị – các em. Đặc biệt, mối quan hệ ông bà – con cháu càng bền chặt thì càng làm phong phú thêm đời sống tinh thần các cá nhân trong gia đình. Cha mẹ cần nói trẻ hiểu bổn phận và trách nhiệm của người làm con cháu cần hiếu thuận với ông bà, bố mẹ.
Một nguyên tắc bất di bất dịch trong giáo dục con trẻ đó là cha mẹ làm gương
Người xưa có câu: “Cầu trước bắc đâu, cầu sau bắc đấy” đại ý nói là một người đối xử với cha mẹ ra sao, sau này con cái của họ cũng đối xử với họ như cách mà họ đối xử với cha mẹ mình. Câu nói đến nay còn nguyên giá trị. Trẻ con rất dễ bắt chước người lớn và dễ dàng tiếp nhận cảm xúc, lặp lại các hành vi từ người lớn. Nếu bạn thực sự muốn dạy con tôn trọng ông bà (bố mẹ mình), đầu tiên bạn cần thật tâm đối xử tốt, có cách cư xử và hành vi mẫu mực trước mặt con cái trong sinh hoạt cuộc sống hàng ngày.
Trong sinh hoạt hàng ngày, bố mẹ nên dạy trẻ: Cách xưng hô lễ phép với ông bà : dạ vâng, ạ, thưa,… Giúp đỡ ông bà một số việc vặt hoặc khi họ gặp khó khăn. Nói chuyện với ông bà khi họ buồn hoặc khi họ cần người nói chuyện. Thể hiện sự quan tâm, yêu thương: tặng quà, xoa bóp đấm lưng, biếu thức ăn ngon cho ông bà, lấy tăm cho ông bà sau bữa ăn, biết hỏi han quan tâm đến ông bà khi họ mệt, ốm đau, thông cảm với tuổi già và yêu thương ông bà vô điều kiện.
Nếu nhìn thấy con cư xử thiếu tôn trọng ông bà, bạn không nên bỏ qua hoặc im lặng. Khi bạn làm ngơ trong thời gian dài, hành động này có thể trở thành thói quen không tốt ở trẻ. Nhiệm vụ của bố mẹ là làm cầu nối giữa con cái và ông bà. Ngay khi con còn nhỏ, hãy thường xuyên dạy con cách tôn trọng và giúp đỡ người cao tuổi. Dù rất bận rộn, bạn cần dành nhiều thời gian để cho con làm quen với các quy tắc về cách đối xử với mọi người.
Bầu không khí tâm lý – đạo đức của gia đình tác động trực tiếp đến nếp nghĩ, lối sống của trẻ. Mọi xung khắc của các cá nhân trong gia đình, nhất là giữa bố và mẹ, đều ảnh hưởng đến con cái. Trong nếp nghĩ của trẻ nhỏ luôn lưu giữ hình dáng, lời ăn tiếng nói của cha mẹ đối với tất cả mọi người.
Trẻ trở thành một người có nhân cách tốt khi trưởng thành hoàn toàn không dễ nhưng vẫn có thể làm được khi bố mẹ biết cách dạy dỗ, không thể chủ quan khi cho rằng “cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Giáo dục con cái không thể chỉ bằng lời nói mà phải bằng những công việc cụ thể, mọi hành vi, thái độ, lối sống của người lớn có có tác động trực tiếp tới việc hình thành, phát triển nhân cách của trẻ. Trẻ em sẽ không tôn trọng người lớn nếu thấy cha mẹ mình thể hiện sự thiếu tôn trọng lẫn nhau.
Dạy trẻ cách thể hiện cảm xúc
Bố mẹ là những người đồng hành trong suốt chặng đường trưởng thành của con. Bạn nên tâm sự, chia sẻ cùng con, giúp con bày tỏ tình cảm của mình một cách thoải mái, cởi mở nhất.
Nếu muốn tạo ra mối quan hệ tình cảm giữa con cái và ông bà, bạn đừng ngại thể hiện cảm xúc với bố mẹ trước mặt con trẻ, ví dụ như: “Con yêu bố/mẹ”… Quan trọng và khó nhất đối với người già đó là giữ được sắc mặt, thái độ trong bất kỳ tình huống nào. Khi không hài lòng chuyện gì đó cũng vẫn nên giữ thái độ đúng đắn, không nói những lời tổn thương và luôn giữ nụ cười trên khuôn mặt để bố mẹ không buồn.
Chia sẻ những câu chuyện của người thân trong gia đình
Hiện nay, nhiều trẻ em hầu như ít quan tâm đến ông bà và các thành viên khác trong gia đình, do bố mẹ bận công việc không có thời gian quan tâm đến trẻ cũng thành người vô tâm. Để bù đắp lại, bạn hãy dành thời gian cho gia đình kể cho con nghe về cuộc đời của ông bà với những thăng trầm, khó khăn trong cuộc sống để chúng biết tôn trọng những giá trị hiện tại.
Bạn cũng có thể hâm nóng tình cảm bằng cách làm một cuốn album về hình ảnh gia đình để cùng nhau xem khi rảnh rỗi. Tận dụng lợi thế của công nghệ : chụp ảnh gia đình, chat video, gửi mail, quay video làm kỉ niệm,…Nếu ông bà bị bệnh tuổi già, bạn có thể dạy con cách trò chuyện với ông bà. Chỉ một nụ cười của con trẻ cũng giúp ông bà cảm thấy vui hơn rất nhiều. Nếu ông bà ở xa, nên có những buổi gặp mặt ăn tối hoặc đi dã ngoại cùng nhau.
Khuyến khích con có những hành động tốt
Thỉnh thoảng bạn có thể dạy con biết giúp đỡ ông bà bằng nhiều cách như cùng bà làm bánh, nhổ tóc sâu, phụ ông tưới cây, quét nhà, lau nhà hoặc làm nhiều công việc nhỏ khác. Những công việc ấy khi được làm cùng con cháu sẽ giúp ông bà vui hơn, cảm thấy mình được yêu thương, chiều chuộng, tôn trọng nhiều hơn. Bất kể việc làm tử tế nào của con, bạn cũng nên quan tâm và động viên để chúng tiếp tục thực hiện điều đó.
Gửi lời chúc mừng, tặng quà những dịp đặc biệt của ông bà
Bạn luôn ghi nhớ những ngày lễ và các sự kiện quan trọng khác trong cuộc sống của ông bà như ngày sinh nhật, dịp lễ Giáng sinh, hay ngày cưới của ông bà. Bạn nhắc nhở con và cùng chuẩn bị quà, viết thiệp chúc mừng hay tổ chức tiệc cho ngày sinh nhật của ông bà. Hành động này về lâu dài sẽ trở thành thói quen để con có những kỷ niệm đẹp và đáng nhớ về những ngày lễ trọng đại của ông bà.
Thật khó để hài hòa mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Trẻ em sống trong các thành phố lớn đang dành nhiều thời gian cho việc học và chơi game thay vì quan tâm, chăm sóc ông bà. Hãy bắt đầu ngay bây giờ và giúp con có những hành động hay kỷ niệm đẹp với ông bà nhé!
Xử lý mâu thuẫn với ông bà trong cách dạy con cháu
Gia đình nào cũng vậy, không ít thì nhiều, sẽ luôn có mâu thuẫn trong việc giáo dục con trẻ. Ông bà cho rằng thế này, bố mẹ cho rằng thế kia. Điều này có thể làm rạn nứt mối quan hệ thân thuộc, để tránh rơi vào tình huống này, bố mẹ nên ghi nhớ những điều sau: Đứng từ góc độ của ông bà để hiểu rằng ông bà cũng có ý tốt, ai cũng có quan điểm và thế mạnh riêng. Luôn tôn trọng, ghi nhận ý kiến và đóng góp của ông bà nhưng biết cha mẹ mới là người dạy chính. Tránh tranh luận trước mặt con trẻ.
Thảo luận với ông bà về cách giáo dục con cái. Tìm tiếng nói chung, xin lời khuyên từ họ và cũng nhận sự giúp đỡ của họ, đồng thời hỗ trợ họ bằng những cuốn sách, video giáo dục trẻ. Thể hiện lòng biết ơn với sự giúp đỡ của ông bà, hãy cố nói mềm mỏng, giải thích vì sao bạn lại có quan điểm khác. Hãy xin lỗi (cho dù vô ý hoặc không) vì bạn đã làm tổn thương bố mẹ mình. Cân bằng giữa vai trò của bố mẹ và ông bà trong việc giáo dục trẻ: ông bà vẫn sẽ giúp đỡ giáo dục trẻ nhưng chỉ trong một phạm vi, một vài lĩnh vực nào đó mà họ có lợi thế.
(Ảnh minh hoạ: Shutterstock).
Video xem thêm: Trong dịch bệnh đi tìm phương cách, nhiều người muốn hiểu hơn về Pháp Luân Công?