Coi trọng không khí bữa cơm gia đình và lịch thiệp trên bàn ăn là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Do Thái. Đối với họ, hành động trên bàn ăn của một người sẽ thể hiện tố chất và sự tu dưỡng của người đó…
Charles là một cậu bé được rất nhiều người yêu mến, vì cậu luôn mang niềm vui đến cho mọi người. Nhưng hôm nay, tâm trạng của cậu không vui vì tiết học thủ công ở lớp không như ý.
Bữa cơm tối, Charles tỏ ra vô cùng uể oải và không nói câu nào với ai. Mẹ cậu bé lại rất tôn trọng phép tắc của dân tộc mình, không cho phép ai nói chuyện liên quan đến công việc và học hành trên bàn ăn. Charles không dám làm trái quy định của mẹ nhưng vẫn không thể giấu nổi nỗi buồn.
Mẹ thấy Charles buồn rầu liền nói: “Charles, lúc ăn cơm không nên nghĩ đến chuyện khác. Khi ăn con nên tập trung, nhai kỹ nuốt chậm, luôn giữ tâm trạng vui vẻ, như vậy mới tốt cho việc hấp thụ và tiêu hóa thức ăn, có lợi cho sức khỏe. Con có biết, sức khỏe vô cùng quan trọng không? Nếu không có sức khỏe thì con sẽ không làm được bất cứ việc gì. Vì thế, mẹ nghĩ con nên tập trung ăn cơm. Sau khi ăn, con có thể nói cho mẹ biết chuyện gì đã xảy ra, được không? Cho dù có chuyện gì thì mẹ cũng sẽ giúp con”.
Charles nghe mẹ nói vậy, cậu bé cố gắng tập trung ăn cơm. Sau khi ăn xong, mẹ biết khó khăn của con ở trường nên đã hướng dẫn con làm một chiếc thuyền giấy rất đẹp. Nỗi buồn tan biến, Charles vui vẻ hoạt bát trở lại.
Coi trọng không khí bữa cơm gia đình và văn hóa trên bàn ăn là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Do Thái. Cho dù là gia đình giàu có hay nghèo khổ, họ cũng rất tôn trọng truyền thống này. Văn hóa bên bàn ăn là một phần quan trọng trong văn hóa ăn uống của người Do Thái, họ cho rằng ăn uống cùng nhau sẽ bồi dưỡng tình cảm gia đình. Cha mẹ Do Thái luôn dạy con lễ nghĩa ăn uống từ khi còn nhỏ. Đối với họ, hành động trên bàn ăn của một người sẽ thể hiện tố chất và sự tu dưỡng của người đó.
Vì thế, khi trẻ đến tuổi nhất định sẽ được ngồi cùng bàn ăn với bố mẹ, không được chạy lung tung đùa nghịch khi ăn cơm nữa. Đồng thời khi trẻ bắt đầu ăn cơm, cần tuân thủ tất cả các quy tắc được đề ra, cho dù trong nhà có vị khách quan trọng như thế nào, cha mẹ cũng dành một ghế cho bé, để con cùng ngồi ăn với gia đình. Nhờ đó mà ngay từ nhỏ, các bé đã có thái độ lịch sự và lễ phép. Cách dạy dỗ của cha mẹ Do Thái đối với con cái khi ngồi vào bàn ăn thể hiện qua những phương diện:
Bồi dưỡng lễ nghĩa trên bàn ăn cho trẻ
Trên bàn ăn của người Do Thái, điều đầu tiên là trẻ cần biết phân biệt trên dưới, trước sau. Trẻ cần có thái độ lễ phép và cung kính với người lớn, lúc bắt đầu ăn và kết thúc bữa ăn đều phải mời người lớn.
Thứ hai, trẻ cần thực hiện nghiêm túc những quy tắc trên bàn ăn mà cha mẹ đặt ra, không gây ồn ào, hò hét làm hỏng đồ dùng ăn uống.
Cuối cùng, một phần không nhỏ trong văn hóa trên bàn ăn chính là giao lưu ngôn ngữ, đặc biệt khi nhà có khách. Việc giao lưu này là cách thức quan trọng để tăng cường tình cảm. Qua văn hóa trên bàn ăn, cha mẹ sẽ dạy trẻ thái độ và nguyên tắc giao tiếp, bồi dưỡng các kỹ năng, nâng cao khả năng giao tiếp của trẻ.
Không bàn chuyện công việc và học hành trên bàn ăn
Cha mẹ Do Thái giáo dục con cái, khi làm việc không được lười biếng, khi nghỉ ngơi không nên làm việc. Công việc có quan trọng thế nào cũng không nên bàn trên bàn ăn. Mọi người làm việc là để hưởng thụ cuộc sống, nếu trên bàn ăn trao đổi chuyện công việc hoặc những chuyện không vui khác sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng và không khí ăn uống và tất nhiên nó cũng làm ảnh hưởng đến việc thưởng thức hương vị của món ăn, lại còn không tốt cho việc hấp thụ và tiêu hóa thức ăn gây bất lợi cho sức khỏe.
Do vậy, trong gia đình người Do Thái, khi ăn mọi người luôn giữ tinh thần, bỏ công việc sang một bên, chỉ tập trung thưởng thức món ăn và niềm vui của cuộc sống. Vì thế, trong quan niệm của trẻ em người Do Thái, ăn uống là việc rất vui vẻ và tuyệt vời. Quan niệm này sẽ theo trẻ suốt đời, giúp chúng hình thành thói quen ăn uống tốt và sống khỏe mạnh.
Không cho phép ai vắng mặt trên bàn ăn
Người Do Thái rất coi trọng cuộc sống gia đình. Đa số hoạt động của họ đều lấy gia đình làm trung tâm. Vì thế, phần lớn họ cùng ở nhà dùng bữa bên gia đình. Họ cho rằng, cả gia đình cùng ăn cơm có thể bồi dưỡng tình cảm gia đình, tăng cường sự đoàn kết, thân thiết giữa các thành viên. Từ đó, giúp trẻ tôn trọng bố mẹ, tuân thủ truyền thống, phát huy tinh thần dân tộc của người Do Thái.
Văn hóa trên bàn ăn của người Do Thái đã giúp trẻ em của dân tộc này cảm nhận được sự thân thuộc của gia đình, nên dù đi đâu chúng cũng luôn hướng về gia đình mình, dân tộc mình. Tình cảm này giúp dân tộc Do Thái có tinh thần đoàn kết, giúp họ vượt qua những gian nan trong lịch sử để có được vị thế và thành công như ngày hôm nay. Văn hóa bữa ăn đặc biệt này còn bồi dưỡng khả năng giao tiếp cho người Do Thái, giúp họ có khả năng phán đoán và đàm phán trong kinh doanh. Từ đó, họ thực hiện được mục tiêu và tạo nên một dân tộc Do Thái đặc biệt theo cách riêng của họ.
Hồng Ân