Tôi là một bác sỹ tâm lý. Lần nọ, có một bà mẹ trẻ là bệnh nhân dẫn theo một cậu con trai 5 tuổi đến phòng khám của tôi. Cô ấy nói với con trai mình: “Cục cưng, mẹ cùng bác sĩ trao đổi vài câu, con có thể ra bên ngoài chơi chờ mẹ nhé”. Tôi nghe vậy liền khuyên cô ấy đừng nên gọi cậu bé là “cục cưng”.
Cô ấy ngạc nhiên nhìn tôi rồi hỏi: “Vì sao lại không nên, trẻ nhỏ vốn là cục cưng mà!”.
“Cứ gọi là cục cưng, bảo bối rồi đến khi nó trưởng thành, đi học xa nhà, rồi đi làm, lúc ấy ai sẽ xem nó là cục cưng, là bảo bối nữa? Đến lúc đó thì “cục cưng” làm thế nào để thích ứng với môi trường xã hội?”
Có lẽ các bà mẹ sẽ cảm thấy tôi thật là khắc nghiệt, đứa trẻ ấy mới 5 tuổi, cách thời gian nó đi làm còn những 20 năm, phải nhân lúc nó còn nhỏ mà cưng chiều chứ.
Tôi xin kể ra đây một câu chuyện về một đứa trẻ được gọi là “cục cưng”, được xem như “bảo bối” mà nuôi nấng đối đãi. Đây là một câu chuyện về một “bảo bối” đích thực:
“Bảo bối, dậy mau nào, dậy đi học nào!”
Cậu bé 5 tuổi ậm ừ, duỗi người rồi quay lưng ngủ tiếp. Lúc này mới 7h sáng, nhà trẻ nằm ngay dưới lầu một, mẹ cậu bé lo cậu ngủ không đủ cho nên để cho cậu ngủ thêm nửa giờ nữa.
Đến 7h30, “Cục cưng, dậy thôi, dậy đi học, đã trễ rồi đấy!”. Thực tế là đã muộn giờ đi học rồi.
8h30, mẹ lại thúc giục: “Cục cưng, dậy thôi. Dậy đi học, trễ lắm rồi, các bạn trong lớp đang học múa hát đấy”.
Khi “bảo bối” xuống đến lớp học thì đã là 10h. Tiết mục rời giường của vị “bảo bối” ấy ngày nào cũng diễn ra như thế, diễn ra suốt trong hai năm trời. Lên bậc tiểu học, trường học cách nhà cũng rất gần, ngoại trừ có mấy bận cãi nhau với các bạn học, có mấy bận do không chuẩn bị bài vở cho tốt bị thầy cô giáo trách phạt, thì tổng thể xem như bình an mà qua.
Đến bậc trung học cơ sở, “bảo bối” đáng yêu năm nào giờ đã nặng tới 90kg, nhưng chiều cao chưa tới 1.7m. Nguyên nhân là từ nhỏ, “bảo bối” rất thích ăn và ăn cũng nhiều, lúc nào tay cũng cầm đồ ăn và miệng lúc nào cũng ăn nhóp nhép. Hơn nữa, mẹ của “bảo bối” thật quá lợi hại, bất chấp dáng người của “bảo bối” to bự cỡ nào, mỗi ngày mẹ đều phải hoàn thành 5 bữa ăn chính cho “bảo bối”: bữa sáng, bữa trưa, bữa chiều, bữa tối, còn lo sợ “bảo bối” của mình đói bụng cho nên thêm bữa ăn khuya. Mấy năm trở lại đây, ba của “bảo bối” luôn cảm thán: “Ôi trời! Cả đời mình chưa bao giờ nghĩ sẽ có một ngày nuôi được một đứa trẻ 100kg”.
Ba của “bảo bối” đành bất lực, bởi vì ông chỉ tỏ ra nghiêm khắc trong công việc, còn ở nhà, ông khuyên không được, “bảo bối” sẽ không nghe, mắng không được, vì mẹ của “bảo bối” xót con nên sẽ không để cho ba mắng, trách phạt lại càng không được. Cho nên đành nhìn người mẹ nuôi “bảo bối” sắp thành 100kg.
Mà “bảo bối” học tập không được nghiêm túc, nộp bài tập thường quá hạn, thành tích không có gì tốt, lại vì thường xuyên đi học muộn, cho nên phụ huynh thường hay nhận được những lời nhắc nhở, khiển trách của thầy cô giáo.
Sau đó, “bảo bối” mơ hồ mà thi qua trung học, rồi lại quyết định đến Mỹ tiếp tục việc học. Thật ra “bảo bối” đã tính toán tốt, bởi vì ở Mỹ có anh trai, có ông bà ngoại, cho nên mục đích của “bảo bối” là nhập quốc tịch ở Mỹ chứ không phải vì mục đích học hành.
Đến Mỹ đi học, “bảo bối” mới đối mặt với hiện thực, mới dần chui ra khỏi cái kén “cục cưng”
Sau khi đến Mỹ đi học, “bảo bối” không có lấy một ngày đi học muộn. Bởi vì nếu như trễ chuyến xe buýt đến trường thì học sinh phải tự đi bộ đến trường một quãng đường khá xa, hơn nữa nếu gặp hôm thời tiết xấu, mưa gió, tuyết rơi mà đi bộ đến trường thì quả thật cực khổ thê thảm. Có một lần, theo thói quen từ trước, “bảo bối” lại không nộp bài luận đúng hạn, bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành tích học tập, cho nên từ đó về sau, “bảo bối” không dám chậm trễ trong việc học nữa.
“Bảo bối” vẫn có cân nặng như trước, lại không thích vận động, ít khi ra ngoài, cứ ở lỳ trong nhà ngồi máy tính, cho nên kết bạn để giao thiệp lại càng không dễ dàng, như vậy “bảo bối” lại càng có lý do trốn ở trong nhà không ra ngoài vận động.
Cho tới năm thứ 3 đại học, trường học yêu cầu sinh viên phải thực tập xong mới có thể tốt nghiệp, nhưng mà “bảo bối” mấy năm học qua không hề tham gia các hoạt động ngoại khóa, cũng không hề đi làm thêm ở đâu, cho nên khi hồ sơ được gửi đi các nơi xin thực tập đều bị từ chối. Lúc này “bảo bối” mới phát hiện vấn đề không hề đơn giản, không thể tiếp tục cuộc sống tùy ý như trước nữa. Bèn vội vàng chạy đi xin phụ việc ở các nhà hàng, bắt đầu công việc đầu tiên trong cuộc đời của mình. Thế nhưng như thế còn chưa đủ, còn phải xin ba nhờ vào các mối quan hệ để tìm nơi xin thực tập, cuối cùng cũng xin được nơi nhận thực tập.
Thời gian gần đây, “bảo bối” rất để ý đến hình dáng bề ngoài của mình, đã cố gắng giảm 20kg, trước khi về nước nghỉ phép còn tìm hiểu các phòng tập thể thao.
Trước khi tốt nghiệp vài tháng, có một lần, “bảo bối” nói với ba, có một người bạn rủ “bảo bối” mở một tiệm cafe, vừa kinh doanh kiếm tiền, vừa có nơi để giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng, nếu kinh doanh tốt còn có thể mở rộng thêm.
Ba “bảo bối” nghe xong liền nổi giận, mắng cho một trận, nếu như chỉ để mở cái tiệm cafe như vậy thì đâu cần phải tốn nhiều tiền cho đi học Đại học ở Mỹ làm gì? Còn “bảo bối”, hẳn đây là lần đầu tiên bị ba lớn tiếng mắng, cho nên ủy khuất giải thích trình bày. Ba mắng xong còn kêu “bảo bối” viết một cái đề án phân tích các chi phí và lợi nhuận cũng như kế hoạch phát triển và phương thức tính toán khi gia nhập cổ phần. Ngay hôm sau, “bảo bối” mang bản đề án phân tích tỉ mỉ tới, rồi nói: “Ba, con biết con sai rồi, với lợi nhuận như vậy thì không thể tiến hành kinh doanh được, nhưng mà ba cũng đừng có mắng con là đồ ngốc nữa được không?”
Đến đây, ba của “bảo bối” mới thực sự yên tâm, bởi vì, “bảo bối” năm nào nay mới thực sự trưởng thành, không còn sống trong “thế giới bảo bối” của chính mình nữa.
Câu chuyện kể đến đây là kết thúc. Cũng không giấu mọi người, ba của “bảo bối” trong câu chuyện chính là tôi, và “bảo bối” kể trên chính là con trai của tôi.
Khi nó còn sống trong vòng tay yêu thương cưng chiều, quả thực như được sống trong thế giới của những bảo bối, được bao bọc chặt chẽ trong một vòng bảo vệ che chắn vững chắc. Tôi chỉ có thể chờ đợi, chờ thời điểm trong sinh mệnh “bảo bối” có những sự kiện phát sinh, chờ đến thời khắc “bảo bối” không thể tiếp tục sống trong “thế giới bảo bối” nữa, phải lựa chọn, phải đột phá ra bên ngoài. Chờ đợi, chờ suốt 18 năm, cuối cùng ngày này cũng đến.
Xã hội ngày càng có nhiều “bảo bối”, “cục cưng”
Trên thực tế, tại phòng khám của tôi, tôi đã chứng kiến nhiều trẻ mắc phải “bệnh bảo bối”, đặc biệt có một trường hợp có thể nói là kỳ quái nhất Cậu bé ước chừng cũng đã học lớp 3 khỏe mạnh đáng yêu, thế nhưng mỗi ngày mẹ và bà phải đút cơm ăn, hỗ trợ mặc áo quần, thậm chí còn giúp tắm rửa. Thông qua tin tức báo chí, chúng ta không khỏi cảm thán xã hội ngày nay tỉ lệ mắc bệnh cục cưng quả thật nhiều lắm, bệnh này không chỉ riêng trẻ nhỏ mắc phải mà ngay cả người lớn cũng mắc nghiêm trọng. Có nhiều trường hợp các cục cưng được sinh ra trong gia đình giàu có, vì mắc phải “bệnh cục cưng” mà sinh ra đổ đốn, hư hỏng, nào là cờ bạc, nghiện hút, ăn chơi đàng điếm, gây tai nạn hại người… Nhưng đáng thương thay, các bậc cha mẹ của các “cục cưng”, “bảo bối” tai họa này lại chỉ một mực đổ lỗi cho người khác, vì người khác sai chứ “bảo bối” của họ tuyệt đối không sai. Như vậy, một đời “bảo bối” lại sinh ra một đời họa, còn nỗi khổ tâm nào hơn.
Các “bảo bối” thường có biểu hiện chung là “tự kỷ quá mức”, không chịu được vất vả, không có năng lực tự xét lại bản thân
Ngẫm lại, nếu bản thân chúng ta từ nhỏ đã được kêu “cục cưng, bảo bối”, được đối xử như một “bảo bối” thực sự, thì bản thân chúng ta sẽ nghĩ gì về chính mình? Chẳng phải “bảo bối” là trung tâm của cả thế giới sao? Vậy thì cần gì phải biết đến người khác đây? Suy nghĩ như vậy chẳng phải là đáng e ngại sao.
Từ nhỏ trẻ được xem như “bảo bối”, “cục cưng”, thì trong quá trình trưởng thành sẽ dễ dàng mất dần khả năng tự suy xét bản thân. Hơn nữa nếu gia đình có hoàn cảnh kinh tế khá giả giàu có, ngoại hình lại dễ nhìn, thì tự nhiên sẽ sinh ra ảo tưởng vào tương lai sẽ thành công vô hạn, có quyền lực, mỹ mạo, nuôi ảo tưởng vào tình yêu, sự nghiệp. Người như vậy đương nhiên là ích kỷ, thiếu sự đồng cảm với người khác, không công nhận người khác, cũng là người luôn tự cao tự đại, dễ dàng trở nên ngạo mạn.
Chẳng lẽ các bậc cha mẹ lại mong muốn “bảo bối” của mình trong tương lai sẽ là người như vậy?
Đối với cha mẹ, nên làm như thế nào để giúp con cái trưởng thành mới thực sự là vấn đề quan trọng nhất
1. Nên suy xét khi gọi con là “cục cưng”, “bảo bối”
Ở trong xã hội hiện tại, người có đạo đức và năng lực mới có thể thực sự đứng vững. Để có được năng lực thực sự, thì phải có nhiều cố gắng học tập rèn luyện, chịu nhiều thử thách, vượt qua khó khăn mới có được kinh nghiệm phong phú và ý chí kiên định. Từ nhỏ đã được xem là “bảo bối”, lớn lên trong thế giới “bảo bối” thì làm sao có thể trải qua mưa gió? Tất nhiên là không thể chịu khó, chịu khổ. Từ nhỏ đến lớn được cưng chiều nâng niu thì làm sao có thể chịu được áp lực khó khăn.
Cho nên, cha mẹ có nên xem con mình là “cục cưng” là “bảo bối”? Có chăng hãy xem con như một sinh mệnh, chuẩn bị cho con những kiến thức, khả năng để con có thể hoàn thành chặng đường sinh mệnh của mình một cách vững vàng nhất, tốt đẹp nhất.
2. Từ nhỏ, tập cho con biết chia sẻ công việc, tự chăm sóc bản thân
Tính chất đặc biệt của bệnh “bảo bối” là được cưng chiều, chăm sóc quá mức. Giống như tôi đã nhắc đến trường hợp ở trên, một cậu bé khoảng chừng đã 10 tuổi rồi nhưng vẫn được mẹ đút cơm ăn, thật là không nói nên lời. Tình huống thường gặp là kiểu cưng chiều “cơm đưa tận miệng, áo đưa tận tay”. Nhất là các bà mẹ, thường không muốn cho con gái là các “tiểu công chúa” xuống bếp, làm việc nhà, chỉ lo con mệt, dính mùi dầu khói khó chịu, cầm dao, chỉnh lửa lại sợ nguy hiểm, huống chi là đối với các “tiểu vương tử”, càng khỏi phải làm việc vặt trong nhà. Dù sao không nấu ăn thì đã có thức ăn ở ngoài quán, các cửa hàng tiện lợi loại thực phẩm nào mà không có.
Nhưng, nếu không làm việc nhà thì trẻ nhỏ sẽ không học được nhiều kỹ năng sinh tồn trong cuộc sống, hơn nữa ăn bên ngoài và những thức ăn nhanh về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe rất nghiêm trọng.
Từ nhỏ, cha mẹ tập dần cho con tham gia vào việc nhà, từ việc nhỏ rồi đến việc lớn, như vậy sẽ giúp trẻ học hỏi được nhiều kỹ năng, kinh nghiệm, đồng thời cũng có thể bồi dưỡng nhân cách tốt, có thể giúp trẻ phát triển hoàn thiện hơn.
3. Dạy con biết chia sẻ công việc, giúp đỡ, quan tâm với người khác
Nhắc đến việc chia sẻ công việc ở đây thật ra là bắt đầu làm quen với việc phân công công việc. Thực hiện việc phân công công việc, thực chất cũng là giúp đỡ, chia sẻ công việc với người khác, đồng thời gia tăng hoạt động giao tiếp giữa nhiều người với nhau.
Thông qua việc này, trẻ sẽ hiểu được thế nào là tinh thần đồng đội, học được nhiều kỹ năng giao tiếp trong xã hội, học hỏi được nhiều kinh nghiệm và biết nên giúp đỡ lẫn nhau. Cũng thông qua quá trình này có thể bồi dưỡng cho trẻ tấm lòng phóng khoáng, quan tâm, cảm thông với người khác. Trong các mối quan hệ thân mật thì sự quan tâm là trụ cột cũng là ngọn lửa sưởi ấm giúp các mối quan hệ bền vững khăng khít.
4. Cho con hiểu biết về năng lực thực sự của bản thân, không để con sống trong nhung lụa và tình thương quá đà mà sinh ra ảo tưởng
Hiện thực là, sự cưng chiều và tiền tài của cha mẹ cũng không thể nào mua được một tương lai thuận lợi và thành công. Tưởng tượng và sự thật chênh lệch nhau quá lớn, lúc gặp khó khăn sẽ trở thành bi kịch
Vậy nên, là một người cha mẹ sáng suốt, tất nhiên là cần khen ngợi cổ vũ con, cho con sự tự tin vào bản thân để vươn lên, nhưng tự tin chứ không phải tự cao, khích lệ động viên chứ không phải là tâng bốc tự hào quá lố. Con biểu hiện tốt thì nên khen, con phạm phải sai lầm hoặc còn chưa tốt thì nên chỉ ra cho con biết cái đúng cái sai, cái nào chưa tốt thì nên sửa. Có như vậy, trẻ mới xác định được khả năng của bản thân mình, đồng thời không mất đi niềm tin của bản thân.
Theo epochtimes.com
Minh Phúc biên dịch