Có nhiều tấm gương lịch sử cho thấy: sự giáo dưỡng của người mẹ là nền tảng để tạo nên nhân cách và tài trí của của các bậc hiền đức…
Nếu trong gia đình, cha là người dạy con về chí hướng, nghị lực và sự nghiệp; thì thiên chức của người mẹ chính là bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm và nhân cách cho con sau này.
Bởi ngay từ lúc chỉ là một mầm sống cho đến khi đón chào thế giới, mẹ chính là người đầu tiên mà đứa trẻ được gần gũi tiếp xúc. Và mẹ là người có công lớn nhất trong việc sinh thành và dưỡng dục con trẻ trong những năm tháng đầu đời. Cảm xúc, tình cảm của trẻ bao giờ cũng được hình thành và phát triển mạnh mẽ trong những năm tháng đầu đời như vậy.
Dân gian còn có câu rằng “Phúc đức tại Mẫu”, càng nhấn mạnh thêm rằng người mẹ luôn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách đức hạnh của con cái, là người thầy đầu tiên và đồng hành suốt đời cùng con.
Một văn hào từng nói rằng: “Không có phụ nữ thì không có người mẹ. Không có người mẹ thì không có những anh hùng”. Nhờ công lao sinh thành, dưỡng dục của những người mẹ hiền đức, mà nhiều người con đã trở thành những anh hùng, thậm chí là thiên tài. Biết bao câu chuyện lịch sử sau đây có thể minh chứng được điều đó.
Sự hy sinh của mẹ Nhạc Phi
Nhạc Phi lớn lên trong cảnh quốc gia loạn lạc, mục nát. Khi người Khiết Đan mang quân đến xâm lược phía Bắc Trung Quốc, Nhạc Phi nhận được lệnh ra ngoài biên cương đánh giặc. Nhưng cùng lúc đó, mẹ già ở nhà cũng rất cần đến sự chăm sóc của ông.
Trong khi Nhạc Phi đang đắn đo lựa chọn giữa nghĩa vụ trung với nước hoặc bổn phận làm tròn chữ hiếu, mẹ Nhạc Phi đã khắc 4 chữ ‘Tận trung báo quốc’ vào lưng con. Đối với bà, ước nguyện của con trai cũng chính là mong muốn của bà. Bà muốn con trai ra chiến trường mà không phải lo lắng chuyện ở nhà.
Nhờ sự hy sinh và cách dạy con của người mẹ mà lịch sử Trung Hoa đã có một vị tướng vĩ đại. Sự tận trung của ông đối với đất nước đã trở thành tấm gương mẫu mực cho người đời sau noi theo.
Mẹ Mạnh Tử ba lần chuyển nhà vì con
Mạnh Tử mồ côi cha từ nhỏ. Ông được mẹ là Trương Thị nuôi dưỡng, giáo dục. Bà đã nuôi dạy con với những khuôn phép lễ nghi rất khắt khe và rất coi trọng việc chọn môi trường sống thích hợp với con để tránh những ảnh hưởng xấu từ bên ngoài.
Để con có môi trường học tập tốt, bà đã chuyển nhà tới 3 lần.
Ngôi nhà đầu tiên họ chuyển đến gần một nghĩa địa. Thấy con trai mình thường hay lẻn ra bãi tha ma để nghịch ngợm, lúc đó bà nghĩ: “Nơi u ám như vậy không phải chỗ con ta ở được” và liền rời đi.
Lần thứ hai, bà chuyển đến gần chợ. Ở đây Mạnh Tử lại học thep lối buôn bán lừa dối của dân buôn ở chợ. Trương Thị đã phiền lòng mà nghĩ: “Nơi thị phi này cũng không phải chỗ con ta ở được” và tiếp tục chuyển nhà.
Lần cuối, họ chuyển đến ở gần trường học. Tại đây bà thấy con trai đua nhau học lễ nghĩa nhân cách với bạn học. Lúc này bà quyết định định cư ở đây vì nhận thấy rằng: “Đây mới thực sự là nơi cho con ta nên người!”
Ngoài ra, người mẹ này còn dạy con biết cần cù, chăm chỉ, siêng năng và luôn phải giữ thái độ kiên trì nhẫn nại khi gặp khó khăn, gian khổ. Một lần, Mạnh Tử bỏ học về nhà chơi. Bà đang ngồi dệt cửi, trông thấy liền cầm dao cắt đứt ngang tấm vải đang dệt trên khung, xúc động mà nói rằng: “Con đang đi học mà bỏ học thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi như vậy!”
Cảm kích trước lời mẹ dạy, Mạnh Tử đã chuyên tâm học hành, sau này trở thành một bậc hiền nhân nổi tiếng.
Mẹ Khấu Chuẩn dạy con “Tu thân vì nhân dân”
Khấu Chuẩn từ nhỏ đã mồ côi cha, gia cảnh nghèo khó, hoàn toàn dựa vào nghề dệt vải của mẹ mà sống qua ngày. Đêm đêm, mẹ Khấu Chuẩn thường vừa dệt vải vừa dạy con đọc sách và đôn đốc học tập.
Sau này Khấu Chuẩn về kinh thành dự thi, đậu tiến sỹ. Đúng lúc có tin vui thì mẹ của Khấu Chuẩn bị bệnh nặng. Phút lâm chung bà giao bức họa tự vẽ cho người nhà họ Lưu, nói rằng: “Khấu Chuẩn ngày sau nhất định sẽ làm quan, nếu nó phạm lỗi lầm, thì bà hãy trao bức họa này cho nó!”
Sau này Khấu Chuẩn làm Tể tướng. Một lần ông mời mấy người bạn tới nhà chúc mừng sinh nhật bản thân, chuẩn bị mở tiệc chiêu đãi đồng liêu. Bà Lưu cho rằng đã đúng lúc rồi, bèn lấy bức họa của bà Khấu đưa cho ông. Khấu Chuẩn xem qua, nhìn thấy một tấm “Hàn song khóa tử đồ”, trên bức vẽ là một bài thơ:
Cô độc dưới ánh đèn đọc sách bao khổ nhọc,
Mong con tu thân thành tài dốc sức vì nhân dân.
Mẹ hiền dạy dỗ gia phong cần kiệm,
Ngày phú quý giàu sang chớ quên cảnh bần hàn.
Sau khi nhận được lời di huấn của mẹ, Khấu Chuẩn đọc đi đọc lại rất nhiều lần, bất giác lệ tràn như suối. Ông lập tức giải tán tiệc mừng thọ. Từ đó về sau luôn luôn giữ mình trong sạch, thương yêu nhân dân, luôn theo lẽ công bằng, không vụ lợi cho bản thân và trở thành vị Tể tướng tài đức danh tiếng thời nhà Tống.
Mẹ Điền Tắc từ chối nhận vàng
Khi đảm trách cương vị Tể tướng nước Tề, Điền Tắc làm việc rất cần cù cẩn thận và công chính. Có một lần, thuộc hạ biếu ông trăm lạng vàng ròng. Ban đầu Tể tướng từ chối không nhận, cuối cùng ngại làm tổn hại đến tình cảm và thể diện của người ta nên ông đã nhận.
Khi Điền Tắc đem toàn bộ số vàng dâng cho mẹ, mẹ ông giận dữ nói: “Con làm Tể tướng 3 năm, bổng lộc chưa bao giờ nhiều như thế, không hiểu là lấy bớt của dân, hay là nhận hối lộ đây?”. Điền Tắc cúi kể lại đầu đuôi mọi sự cho mẹ nghe.
Mẹ ông nghiêm khắc dạy rằng:
“Mẹ nghe nói người trí thức luôn nghiêm khắc tu dưỡng bản thân, tự trọng và giữ mình trong sạch, không tùy tiện lấy của cải của người khác. Họ trong sáng vô tư, không làm những chuyện lừa dối. Tâm không bao giờ nghĩ tới những việc bất nghĩa, trong nhà không bao giờ có những thứ của cải bất nhân bất nghĩa.
Con gánh vác trọng trách của quốc gia, cần phải là một tấm gương sáng cho khắp nơi noi theo. Thế mà con lại tiếp nhận hối lộ của kẻ dưới, ấy là tội lừa dối nhà vua, đồng thời là phụ lòng trăm họ, thật làm cho mẹ đau lòng quá! Hãy mau trả vàng lại, rồi thỉnh xin triều đình xử lý đi!”.
Nghe mẹ nói thế, ông vô cùng xấu hổ, liền đem trả lại toàn bộ số vàng ấy. Tề Tuyên Vương biết chuyện, hết sức tán thưởng khí phách và đạo đức của mẹ Điền Tắc. Nhà vua còn hạ chiếu ra lệnh cho cả nước học tập đức hạnh liêm chính và phương cách dạy con của mẹ Điền Tắc. Từ đó trở đi Điền Tắc nghiêm khắc tu dưỡng bản thân, về sau trở thành một vị tướng quốc tài đức của nước Tề.
Một người thành tựu thật sự thì ngoài tài năng ra, đức hạnh là yếu tố vô cùng quan trọng. Con cái có giáo dưỡng, có phẩm hạnh cao thượng phần lớn là nhờ được thừa hưởng sự dạy dỗ của người mẹ. Do đó, một người mẹ thông thái, có nội hàm giáo dưỡng sâu sắc luôn có thể nuôi dạy nên những đứa con tài đức vẹn toàn.
Nhã Thanh