Đại Kỷ Nguyên

Học hành ai cũng muốn học giỏi, nhưng rốt cuộc đi học để làm gì?

Ảnh: Pixabay.

Thương tặng những người bạn nhỏ đang cắp sách tới trường, và cả những người bạn còn duyên nợ với mái trường dù tuổi đời không còn nhỏ nữa.

Năm học mới đã bắt đầu. Để lại sau lưng những câu chuyện buồn về giáo dục, tạm lắng lòng sau những xôn xao, chúng ta dường như đang đứng trên một triền đê dài mênh mông, tiếng sáo diều vi vu như vọng về từ một ký ức xa xôi, nơi có cậu bé nhà nghèo đi học lỏm bên khung cửa thầy đồ rồi một ngày vinh quy bái tổ.

Cái ước mơ được đi học, học giỏi, đỗ đạt hiển vinh dường như đã ngấm vào tâm hồn dân tộc – một dân tộc từ ngàn đời nay “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” và rất quý, rất trọng những người hay chữ. Trong thời đại mới, khi con trẻ đều được đến trường, thì cái khát khao con em mình học giỏi, học hay vẫn chưa bao giờ vơi giảm.  

Khát khao bao nhiêu, kỳ vọng bấy nhiêu. Và chỉ một sự thất vọng thôi cũng như con tằm ăn lá, làm bất bình, bi quan cả một lớp người. Khi số trường chuyên lớp chọn là có hạn, khi cánh cửa đại học không rộng mở cho tất cả chúng ta, thì mồ hôi và nước mắt đã chảy trong những đêm ngày phấn đấu, cạnh tranh dường như vắt kiệt tuổi thơ và cũng vắt kiệt tấm thân gầy của cha mẹ.

Đứng trên triền đê dài mênh mông của quá khứ, ta thử nhìn về xa xăm, nơi những cánh đồng bát ngát xanh ôm ấp lấy con sông quê hương nghìn năm vẫn chảy. Ta thử tự hỏi mình xem: Tiếng sáo diều vi vu đang nói với ta điều gì? Ước mơ của ta là gì? Ta đi học để làm gì?

Tiếng sáo diều vi vu đang nói với ta điều gì? Ước mơ của ta là gì? Ta đi học để làm gì? (Ảnh Internet)

Sài Thế Viễn, thuở bé đi học, không chuộng nghề văn chương mấy, chỉ chuyên chú tu thân, tu tâm dưỡng tính, cư xử sao cho có đạo. Có người thấy thế, bảo ông rằng: “Đi học cốt là để cầu cho được văn hay chữ tốt, thi đỗ làm quan, chớ tâm tính học tưởng không cần gì cho lắm”. Ông Sài Thế Viễn đáp:

“Học hành ai cũng muốn cầu cho giỏi, nhưng học giỏi mà lại giữ được phẩm hạnh mới thật là đáng quý. Có học mà không có hạnh cũng chẳng làm gì. Phẩm hạnh tức là danh giá của con người ở đời vậy”.

Nhiều người nghe nói, cười ông Sài Thế Viễn là viển vông không thực tế.

Sau, ông thi đỗ tiến sỹ, làm quan đến bậc thượng thư, nổi tiếng là một người có phẩm hạnh.

Nếu trong đời mình, bạn gặp được một Sài Thế Viễn như thế, thì hãy kết bạn với người ấy. Nếu bạn có thể làm một Sài Thế Viễn, bạn sẽ thấy con đường đi học của mình thênh thang lồng lộng và vinh diệu biết bao.

Chu Dụng Thuần (1627 – 1698), nhà giáo dục nổi tiếng cuối đời Minh đầu đời Thanh có viết:

“Đọc sách noi chí Thánh hiền, chẳng cầu khoa cử.
Làm quan tâm tồn dân nước, đâu tính gia tông”.

Người xưa vì hoàn thiện nhân cách vì dân vì nước mà đi học, điều đó thật đáng quý biết bao. (Ảnh minh họa từ sách “Phép tắc người con”, DKN)

Tôi cũng chỉ là một người từng đi học, và đã vắt kiệt tuổi thanh xuân của mình bên trang sách để cầu khoa cử, làm rạng rỡ tổ tông. Dù ước mơ của tôi đã thành, những vinh quang trong sự nghiệp không thể khoả lấp trong tôi khoảng không dài mênh mông trước mắt cậu bé chăn trâu trên triền đê thuở ấy. Chỉ khi tôi tìm thấy Đạo, nhận ra ý nghĩa của đời người là tu dưỡng đức hạnh, thăng hoa cảnh giới tinh thần, bầu trời của tôi mới ngập tràn ánh quang huy và hạnh phúc.

Thanh Bình

Exit mobile version