Đại Kỷ Nguyên

Xót xa chuyện bé gái 12 tuổi tự tử, có lẽ sẽ có nhiều cha mẹ phải hối hận vì cách dạy con

Ở độ tuổi 12 hồn nhiên, vui tươi, cô bé Bảo Bảo ở Nam Kinh (Trung Quốc) đã chọn cách tìm đến cái chết để kết thúc cuộc đời. Câu chuyện đau lòng ấy không chỉ khiến bố mẹ em phải ân hận cả đời mà còn khiến bao người bàng hoàng, xót xa.

Bất cứ người cha, người mẹ nào cũng đều cố gắng làm những điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình. Họ luôn kì vọng con sẽ trở thành một người ưu tú, thành đạt, giỏi giang, ngoan ngoãn… Nhưng đằng sau cách nuôi dạy con đó, có những tấn bi kịch xảy ra để rồi mọi bậc làm cha, làm mẹ đều phải giật mình hối hận.

Được biết, bé Bảo Bảo đã bỏ nhà đi sau khi cãi nhau với bố mẹ. Vài ngày sau đó, thi thể em được tìm thấy. Cảnh sát đã tiến hành điều tra và đưa ra kết luận cuối cùng: Cô bé đã tự tử.

Ở lớp, Bảo Bảo bị các bạn bắt nạt, một số đe dọa và bắt cô bé phải nộp tiền, gọi là “phí bảo vệ”. Cô bé rất sợ hãi nhưng không dám nói với bố mẹ và đã lén ăn cắp tiền trong nhà để mang đi nộp cho các bạn. Sau 2 ngày trộm tiền, cô bé bị bố phát hiện. Ông vô cùng tức giận trước hành động của con gái, cho rằng Bảo Bảo hư hỏng và đã đánh cô bé một trận. Kết quả, Bảo Bảo bỏ nhà đi rồi tìm đến cái chết.

Câu chuyện có thể đã có một kết thúc khác nếu như Bảo Bảo chia sẻ về khó khăn của mình với bố mẹ, hoặc người cha của em không nổi trận lôi đình mà bình tĩnh tìm hiểu xem cô bé đang gặp vấn đề gì. Nhưng điều đáng buồn hơn cả, hầu hết các gia đình Á Đông đều có cách hành xử như vậy trong những trường hợp tương tự, đây có lẽ là hệ lụy của cách giáo dục sai lầm mà nhiều cha mẹ mắc phải.

Cha mẹ không tin tưởng con

Rất nhiều cha mẹ không nhận ra họ đang mắc phải sai lầm này. Họ luôn cho rằng các con còn nhỏ và những suy nghĩ, hành động của chúng cần phải tuân theo những gì mình yêu cầu mới là đúng đắn nhất. Bất cứ hành động nào của con đi lệch với tiêu chuẩn của bố mẹ đều bị quy kết là sai trái, hư hỏng.

Ảnh minh hoạ: twitter

Khi một sự việc rắc rối xảy đến, nhiều bậc phụ huynh không bao giờ hỏi con lý do, không lắng nghe con nói mà ngay lập tức kết luận hành động đó là sai lầm. Bố mẹ chỉ quan tâm tới kết quả mà  thường không tìm hiểu quá trình, ngay cả khi lỗi lầm đó không phải do con.

Khi những đứa trẻ “thường xuyên” không được lắng nghe và bị phán xét theo quan điểm của bố mẹ, chúng bắt đầu co mình lại và không có nhu cầu chia sẻ với bố mẹ. Kết quả chúng không còn tin tưởng vào bố mẹ nữa. Thậm chí, nhiều đứa trẻ còn quyết im bặt, không nói chuyện với bố mẹ sau quá nhiều lần bất mãn bởi bố mẹ đã xem thường lời trẻ nói.

Bố mẹ có lẽ không cảm nhận được sự nguy hiểm của tình huống này cho đến lúc bi kịch xảy ra, khi những đứa trẻ gặp khó khăn và không thể cầu cứu bất cứ ai. Câu chuyện của bé Bảo Bảo cũng giống như vậy. Cô bé đã mất niềm tin vào cha mẹ trong suốt một thời gian dài và luôn có cảm giác bất an, cô độc. Cuối cùng, cô bé đã chọn cách tự kết liễu cuộc đời mình thay vì chia sẻ với bố mẹ.

Cha mẹ khiến con phải “chịu đựng”

Cách dạy con của các bậc cha mẹ Á Đông thường dẫn đến sự “chịu đựng” một cách khiên cưỡng của những đứa trẻ. Ví dụ như họ thường không cho phép các con “nổi loạn”, bất cứ hành động nào không tuân theo chuẩn tắc cha mẹ đặt ra đều được xem là nổi loạn. Tất nhiên, dạy con ngoan ngoãn, khiêm tốn và hiền lành là điều cần thiết, nhưng các cha mẹ không nên đi đến cực đoan, khiến cho trẻ không còn chút tiếng nói nào cả, và phải im lặng nhẫn chịu.

Ví dụ điển hình chính là bi kịch của bé Bảo Bảo. Khi bị bạn bè bắt nạt, cô bé đã nghĩ thà ăn cắp tiền còn hơn là chống cự lại với đám bạn. Cô bé không dám nói cho bố mẹ, không dám báo với các thầy cô hay xin sự trợ giúp mà quyết định tự chịu đựng, với hy vọng giải quyết mọi chuyện trong yên lặng. Và rồi, mọi thứ đã vượt qua ngưỡng chịu đựng của một đứa trẻ 12 tuổi.

Ảnh minh hoạ: geekbuying

Có lẽ đã tới lúc các bậc cha mẹ cần nhìn lại cách nuôi dạy con của mình. Trong quá trình trưởng thành của trẻ, chúng chắc chắn sẽ có những hành vi không đủ tốt, và điều chúng cần nhất ở cha mẹ là hãy tin tưởng con mình, để trẻ cảm thấy an toàn, có chỗ dựa. Khi trẻ cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu, chúng sẽ muốn chia sẻ và nghe lời cha mẹ hơn. 

Đồng thời, cha mẹ cũng phải dạy con cách cư xử đúng đắn khi đối diện với áp lực từ bên ngoài. Cha mẹ cần dạy con thành một đứa trẻ ngoan ngoãn, đồng thời có chính kiến của mình, không nên im lặng chịu đựng những bất công đến với mình.

Bạn đang đọc bài viết: “Xót xa chuyện bé gái 12 tuổi tự tử, có lẽ sẽ có nhiều cha mẹ phải hối hận vì cách dạy con” tại chuyên mục Giáo Dục của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!

Exit mobile version