Nữ sinh Lê Phương Thảo viết những dòng tâm sự về cô giáo dạy bộ môn Lịch Sử, coi cô giáo là người mẹ thứ hai của mình, khiến ai nấy cũng rưng rưng…

Phương Thảo (Sinh năm 2000, học sinh trường THPT Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) chia sẻ với báo Người đưa tin: “Em viết lá thư này trong vòng 2 tiếng, từ 23h đến 1h sáng hôm sau. Em không giỏi văn, cũng chưa bao giờ biết nói lời yêu thương, nhưng chắc tại vì là đêm khuya, yên tĩnh nên cảm xúc đến dạt dào hơn nên em mới có thể viết được bức thư này”.

Phương Thảo cũng chia sẻ thêm, lý do mà mình viết lá thư đăng tải trên mạng xã hội là bởi năm nay là năm cuối cấp nhưng cô Hằng không trực tiếp dạy lớp Thảo nữa. Thế nhưng, trong trái tim Thảo, cô giáo Hằng vẫn luôn là chỗ dựa an toàn nhất. Cũng chính cô giáo Hằng đã truyền cảm hứng, truyền lửa cho Thảo theo học ngành Sư phạm Lịch sử.

Phương Thảo bộc bạch thêm: “Em không có đủ mạnh mẽ để đứng trước cô mà nói thật to lời cảm ơn sâu sắc, cũng không có đủ bản lĩnh để nói cho cả thế giới biết cô của em tuyệt với như thế nào và em yêu cô nhiều đến đâu. Em chỉ có thể nhờ bức thư này nói hộ tiếng lòng em với cô”.

Cô Hằng là người mà Phương Thảo luôn coi là người mẹ thứ hai của mình (ảnh: Người Đưa Tin).

Sau đây là nguyên văn những dòng tâm sự của nữ sinh 10X gửi cô giáo.

***

“Chữ “Nhân duyên” con tin là có thật

“Duyên” nhờ trời và “Nhân” ở tại tâm

Mẹ hai à!

Có ai đó đã từng nói, trên đời này gặp gỡ được nhau đã là một cái duyên rất hiếm và sâu nặng.

Đúng vậy, mẹ à! Hai năm – một chặng đường không quá dài nhưng cũng chẳng phải là ngắn. Con đã quá đỗi quen thuộc với dáng người nhỏ nhắn của mẹ trên bục giảng, với những lời phê ngắn gọn và sâu sắc của mẹ trong các bài kiểm tra, với những hôm thức khuya vẽ bản đồ hay chuẩn bị bài thuyết trình cho tiết Sử ngày hôm sau…

Còn nhiều, rất nhiều những điều quen thuộc đã trở nên thân thương, gắn bó với con trong suốt chặng đường đến với môn Sử hai năm qua.

Gắn bó như thế, thân thuộc như vậy cho nên khi nghe tin mẹ sẽ không trực tiếp bên cạnh con trong chặng đường cuối cùng này, con cảm thấy buồn lắm. Cảm giác bất lực giống như cả thế giới quay lưng, chống lại mình vậy. Con khóc lóc, vật vã cả tháng trời.

Con còn ngu ngốc cho rằng rốt cuộc rồi mẹ cũng đã quay lưng lại với con, bỏ con mà đi giống như những người khác đã từng… Con sợ lắm. Sợ đến động lực cuối cùng là mẹ rồi cũng buông con ra. Sợ sẽ chẳng còn ai chịu đựng được con, chẳng còn ai chịu lắng nghe tâm sự, chẳng còn ai cho con dựa vào những lúc yếu mềm hay gục ngã… và sẽ chẳng còn ai đối xử thật lòng với con như mẹ cả.

Con cứ suy nghĩ như thế mãi trong khi mẹ thì vẫn luôn quan tâm con, vẫn cứ từ xa nhìn con vững vàng cất bước, vẫn là chỗ dựa an toàn nhất, bình yên nhất mỗi khi con cảm thấy cuộc đời quá sóng gió.

Mẹ vẫn thế, vẫn cứ âm thầm mà dõi theo từng bước chân con đi, chỉ có con là nông nổi cho rằng hoàn cảnh thay đổi thì con người cũng sẽ đổi thay. Con thật đáng trách, phải không mẹ?

Từ nhỏ đến lớn, con luôn là một đứa nhạy cảm, bất kỳ một lời nói hay hành động nào dù nhỏ của những người xung quanh cũng khiến cho con trăn trở, suy nghĩ mãi. Bởi vậy, con rất sợ người khác biết quá nhiều thứ về con, hiểu quá rõ về con nên rất hiếm khi con mở lòng ra tâm sự.

Có vui buồn hay uất ức cũng chỉ biết giấu nhẹm vào trong, chỉ có mẹ mới khiến con an tâm mà đặt niềm tin tuyệt đối. Mẹ đã dắt con đi qua nhiều sóng gió, đã cùng con vượt qua nhiều khó khăn, có những lúc con tuyệt vọng, muốn buông bỏ mọi thứ thì mẹ lại là người tiếp thêm động lực, kéo con đứng dậy mà bước tiếp. Chẳng có ai khiến con khóc, cười nhiều đến thế và cũng chẳng có ai khiến con an tâm mà trưởng thành đến vậy.

Lớp 12, đứa trẻ ngạo mạn này thất bại ngay trong những bước đi đầu. Dù đã cố tình lảng tránh những câu hỏi, lảng tránh ánh mắt của mẹ nhưng con biết mẹ đã thất vọng đến nhường nào. Trước khi thi mẹ đã luôn dặn con phải học kỹ kiến thức cơ bản vào, phải làm bài cho thật cẩn thận… nhưng, con lại cao ngạo cho rằng những lời mẹ nói là thừa. Để đến khi thất bại mới cảm thấy buồn, cảm thấy có lỗi.

Chẳng có ai chịu thức đến tận 12 giờ đêm chỉ để giảng bài cho con, cũng chẳng có ai chịu kiên nhẫn đến mức tối nào cũng gọi điện kiểm tra con học bài. Đã có những lúc con bướng bỉnh, than rằng mẹ khắt khe với con quá, để đến bây giờ, khi thất bại lớn trong bước đi đầu tiên con mới cảm thấy thấm thía lời mẹ dạy đến nhường nào.

Con đã tự nhủ với bản thân rằng phải chăm chỉ học Sử để có thể đạt được kết quả như mong muốn trong kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời để mẹ nhớ, để mẹ tự hào. Nhưng… con lại sợ. Con sợ rằng rồi mẹ cũng sẽ có hàng trăm, hàng nghìn học sinh ngày trước và sau này, ai cũng có thể đạt được điểm cao, ai cũng có thể đạt được kết quả tốt để mẹ vui. Họ sẽ còn giỏi giang và xuất chúng hơn con rất nhiều. Vậy nên, con có tư cách gì mà đòi mẹ phải nhớ, phải tự hào… Tự dưng, nghĩ đến đó con lại cảm thấy sợ hãi, hoang mang, con muốn từ bỏ tất cả nhưng những lời nói bao dung, ánh mắt dịu dàng đó của mẹ lại an ủi con, khích lệ con tiếp tục cố gắng.

Mẹ ơi, đứa trẻ yếu đuối như con cũng đang trưởng thành và mạnh mẽ. Vì con, vì những người con yêu và vì mẹ nữa. Thanh xuân của con đã trở nên đáng nhớ hơn rất nhiều vì có mẹ. Đã rất nhiều lần, con thầm cảm ơn ông trời đã ban cho con một đặc ân là được gặp mẹ, được mẹ dạy dỗ, chở che. Con biết tình yêu mẹ dành cho con có lẽ không hoàn mỹ nhưng với con nó luôn là đẹp nhất, con luôn trân trọng nó nhất trên đời.

Con chẳng mong có nhiều học sinh yêu quý mẹ đâu vì con ích kỷ lắm, chỉ muốn mẹ là của riêng con thôi. Lời yêu con cũng chẳng biết nói đâu nhưng con thật lòng biết ơn mẹ, thật lòng thương mẹ bởi vì con biết những điều con làm được hôm nay và theo đuổi trong tương lai đều bắt đầu từ mẹ. Con cũng sẽ không nói cảm ơn hay xin lỗi đâu vì chúng ta đều bướng bỉnh biết rằng chỉ có hành động và thành công mới là chân thật. Phải không mẹ?

20/11 đang đến rất gần rồi, con mong mẹ phải luôn thật vui vẻ, hạnh phúc, xinh đẹp và thành công. Ở một góc nào đó trong trái tim, con vẫn luôn mong có một phép màu kỳ diệu sẽ xảy ra và mẹ sẽ quay trở lại với con như trước…

Con nuôi

Lê Phương Thảo”

***

Đọc những dòng tâm sự, tình cảm chân thành, thân thiết của cô học trò dành cho cô giáo của mình chắc hẳn mỗi người cũng thầm nghĩ về thời đi học của mình, nhớ về người thầy, người cô để lại ấn tượng sâu sắc như em nữ sinh này. 

Trong xã hội vật chất ngày nay, khi những mối liên hệ tình cảm đang dần bị vật chất hoá, vẫn còn có những tình cảm sâu nặng như thế! Bởi phải yêu thương, cảm kích như thế nào mới gọi một người là Mẹ! Quả đúng là, trao đi yêu thương sẽ nhận lại yêu thương.

Video xem thêm: Cậu học trò bê bối trở thành bác sỹ hạng ưu nhờ lòng bao dung của cô giáo

videoinfo__video3.dkn.tv||6b3bde188__