Nếu trẻ không tập trung vào bữa ăn, vừa ăn vừa chơi, bố mẹ người Đức sẽ thu dọn bàn ăn ngay khi ăn xong. Không ăn thì sẽ bị đói, không giống như bố mẹ một số nước Châu Á, vừa cầm bát theo con, vừa dỗ dành đút cho con ăn. Quan niệm và phương pháp nuôi dạy con của người Đức là dạy trẻ tính tự lập ngay từ khi còn nhỏ.

Tính độc lập cần tập luyện ngay từ nhỏ

Bố mẹ người Đức luyện cho con thói quen ngủ độc lập và ngủ đúng giờ theo cách cho bé ngủ một mình ngay từ khi mới sinh, buổi tối cho con ăn no, thay tã cẩn thận rồi tắt đèn ra khỏi phòng. Khi bé lớn hơn một chút, trước khi đi ngủ, bố mẹ sẽ đọc cho con nghe một vài câu chuyện, khi đọc xong, không quên chúc con ngủ ngon và sau đó để con một mình yên lặng đi vào giấc ngủ.

Các bà mẹ Đức không ở cữ sau khi sinh. Khi sinh xong, sản phụ được chuyển về phòng nghỉ dưỡng, hộ lý sẽ đến trợ giúp tắm rửa bằng vòi sen sạch sẽ. Đối với trẻ sơ sinh cũng không kiêng cữ, các bé thường được bố mẹ đẩy xe ra ngoài tắm nắng ngay khi chưa đầy tháng tuổi.

Khi con té ngã, bố mẹ sẽ không nâng không đỡ mà chờ và quan sát cho đến khi con tự đứng dậy, cũng không bằng lòng nếu ai đó chạy lại giúp đỡ.

Người mẹ Đài Loan đã định cư ở Đức 25 năm chia sẻ, cô đã từng có kinh nghiệm sâu sắc về việc không nên chiều theo ý trẻ.

Cô chia sẻ:

Cần tự đứng lên khi vấp ngã

Mấy năm trước, tôi sống ở tầng 4 tại một khu căn hộ, cùng tầng với cặp vợ chồng trẻ người Đức có một cô con gái 4 tuổi. Bé có mái tóc vàng, đôi mắt xanh, dễ thương như búp bê. Cô bé thường chơi đùa ở sân chơi khép kín phía sau bên dưới tòa nhà. Hôm đó, chơi đùa xem chừng đã mệt và không muốn tự mình lên cầu thang, cô bé ngồi dưới bậc thềm tầng một khóc. Mẹ ở trên lầu gọi và yêu cầu con tự đi lên, còn con thì lại cứ ngồi dưới khóc nức nở. Hai mẹ con không ai chịu ai một lúc khá lâu.

Tôi không thể chứng kiến thêm bèn mở cửa đi xuống lầu. Xuống tới nơi, tôi thấy cô bé thật tội và đáng thương đang ngồi khóc với khuôn mặt đẫm nước mắt, liền lại gần và ngồi xuống hỏi thăm. Cô bé quàng tay ôm cổ tôi thật chặt như chẳng thể buông. Tôi ẵm bé lên lầu và gửi trả lại cho mẹ bé đang đợi ở bên trên. Cứ nghĩ rằng mẹ cô bé sẽ tỏ lòng biết ơn bởi việc làm của tôi, nhưng chẳng ngờ… Cô ấy chỉ nói một câu cảm ơn duy nhất với một thái độ rất không hài lòng, khiến tôi thấy thật xấu hổ.

Thêm một tình huống nữa, hôm đó ở công viên, một cậu bé vừa bước ngang qua tôi đột nhiên ngã xuống đất và òa khóc, trong khi mẹ cậu vừa chậm rãi đi đằng trước, vừa mỉm cười vẫy tay bảo con trai tự đứng lên. Khi đó, tôi hiểu rằng, tôi không thể đỡ cậu bé lên, chỉ có thể đứng quan sát. Cậu bé càng khóc càng thấy mình khó coi, cũng không có hy vọng nhận được sự trợ giúp của tôi, đành tự mình đứng dậy và chạy lên phía trước cùng mẹ. Tôi nghĩ, lần sau có ngã, cậu bé sẽ không khóc nữa mà đứng ngay dậy tiếp tục bước đi.

Đừng mất thời gian vào việc dỗ dành trẻ

Nếu trẻ không tập trung vào bữa ăn, vừa ăn vừa chơi, bố mẹ người Đức sẽ thu dọn bàn ăn ngay khi ăn xong. Không ăn thì sẽ bị đói, không giống như bố mẹ một số nước Châu Á, vừa cầm bát theo con, vừa dỗ dành đút cho con ăn.

Ở Đức rất hiếm thấy trẻ con mè nheo hay la khóc ầm ĩ, bởi tính tự lập không dựa dẫm vào người khác của trẻ đã được rèn luyện từ khi còn nhỏ tuổi.

Tâm Kính
Theo CMoney

videoinfo__video2.dkn.tv||edbff7e85__