Đại Kỷ Nguyên

Yêu thương không nhất định là quan tâm hết mực

Ở Đức, pháp luật còn quy định, trẻ khi đến 14 tuổi thì phải chịu trách nhiệm làm một số việc trong nhà như: đánh giày cho cả nhà, dọn dẹp nhà cửa… Làm như vậy, không những thúc đẩy năng lực làm việc của trẻ em mà còn hình thành cho chúng ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ.

Hè năm nay, bé Minh 7 tuổi đã tham gia vào lớp bồi dưỡng hè xa nhà, cậu bé rất vui, nhưng mẹ lại rất lo. Vì ở ngoài sống cùng thầy cô, bạn bè, ăn uống khổ sở thì làm sao? Có chịu nổi không? Mẹ chuẩn bị cho Minh rất nhiều thứ, mẹ còn để thức ăn trong cặp vì lo cậu bé đói bụng. Mẹ còn lo lắng cho sự an toàn của Minh nên luôn miệng dặn con phải thế này, con phải thế kia và không được thế này không được thế kia, làm cậu bé thấy khá phiền phức. “Một đứa trẻ sao có thể tự chăm sóc mình?”, mẹ băn khoăn nói. Kết quả là hai ngày sau, mẹ cậu bé vì lo lắng mà bắt xe đến chỗ con học để thăm con.

Đây quả là một người mẹ rất thương con nhưng lại không phải là người mẹ biết nghĩ cho con. Sự bảo vệ quá mức và chiều con thái quá đã cản trở việc sống tự lập và tự lo liệu cho mình, mẹ đã tước đi những trải nghiệm thực tế vô cùng bổ ích của con.

Cho dù thế nào thì cuối cùng đứa trẻ cũng phải sống độc lập. Để trẻ có thể thích ứng với cuộc sống tương lai một cách thuận lợi thì cha mẹ phải mạnh dạn để con tự chăm sóc bản thân, không được để con sống mãi trong sự bao bọc của cha mẹ.

Ngược lại với sự bao bọc con thái quá chính là coi trọng việc rèn luyện khả năng tự lo liệu và tinh thần tự cường của trẻ. Trưởng thành từ những trải nghiệm thực tế là cách mà các bậc cha mẹ ở các nước tiên tiến áp dụng và rất đáng để chúng ta tham khảo.

Người xưa có câu:”con hư tại mẹ”, có hàm ý rằng không nên nuông chiều con thái quá như vậy sẽ làm hư con. (Ảnh: pixabay.com)

Tại Mỹ: Dù là con cái của một gia đình giàu có cũng phải học cách tự lực cánh sinh

Tại Mỹ, giáo dục gia đình lấy việc giúp trẻ hình thành tính cách độc lập để trở thành một người biết tự làm tự hưởng làm điểm xuất phát. Ngay từ lúc con còn nhỏ, cha mẹ Mỹ đã để con cái nhận thức được giá trị của lao động, thường xuyên tham gia các hoạt động ở bên ngoài. Dù là con cái của một gia đình giàu có cũng phải học cách tự lực cánh sinh. Học sinh Mỹ có một câu cửa miệng là “Phải tiêu tiền do chính mình kiếm được”. Các gia đình ở nông thôn nước Mỹ thì con cái phải chia nhau làm các việc trong nhà như: Mùa hè thì đi xén cỏ, mùa thu thì quét dọn lá rụng, mùa đông thì xúc tuyết.

Cha mẹ Thụy Sỹ: Không biến con cái thành những kẻ dựa dẫm

Ở đất nước Thụy Sĩ giàu có, để không biến con cái thành những kẻ dựa dẫm, các bậc cha mẹ đã ra sức rèn luyện tính độc lập cho con.

Các thiếu nữ mới 16, 17 tuổi nhưng ngay sau khi tốt nghiệp trung học đã đến nhà người ta làm người giúp việc, sáng làm chiều lại lên lớp học. Những người cha người mẹ ở Thụy Sĩ cho rằng việc làm đó rất có ích. Làm như vậy một mặt có thể rèn luyện khả năng lao động của con, giúp chúng tìm thấy được cách sống độc lập, mặt khác còn có lợi cho việc học ngôn ngữ. Vì ở Thụy Sĩ có nơi nói tiếng Đức, cũng có nơi nói tiếng Thụy Sĩ. Vì vậy, người ở nơi nói tiếng Đức thường đến nhà người dùng tiếng Thụy Sĩ làm giúp việc và ngược lại.

Tuy nhiên, cũng có người phải đến Anh quốc để học tiếng Anh, họ vừa làm giúp việc vừa học ngôn ngữ. Chờ đến khi thành thục ba ngôn ngữ ấy thì sẽ đến các công ty, ngân hàng hoặc cửa hàng để làm việc. Còn những người sống dựa vào cha mẹ trong cả một thời gian dài, thì bị xem là người không có tiền đồ và không được coi trọng.

Cách giáo dục của người Thuỵ Sĩ: Không phải là “giữ chặt”, mà là “buông tay”. (Ảnh: pixabay.com)

Các bậc phụ huynh ở Đức: Ngay từ lúc con còn nhỏ đã dạy cho con biết tự giải quyết việc của mình chứ không thay trẻ làm tất cả

Các bậc phụ huynh ở Đức thì ngay từ lúc con còn nhỏ đã dạy cho con biết tự mình giải quyết chứ không thay trẻ làm tất cả. Thậm chí, pháp luật còn quy định trẻ khi đến 14 tuổi thì phải chịu trách nhiệm làm một số việc trong nhà như: đánh giày cho cả nhà, dọn dẹp nhà cửa… Làm như vậy không những thúc đẩy năng lực làm việc của con mà còn hình thành cho chúng ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ.

Cha mẹ ở Nhật Bản, ngay từ lúc còn rất nhỏ dạy con: Không gây phiền phức cho người khác

Trong khi ở Nhật Bản, ngay từ lúc còn rất nhỏ, cha mẹ đã truyền đạt đến trẻ tư tưởng: Không gây phiền phức cho người khác. Đồng thời trong cuộc sống hằng ngày chú ý hình thành cho con khả năng tự lo liệu và tính cách độc lập.

Ở Nhật, hình ảnh các em nhỏ tự khoác ba lô trong đó đựng những đồ dùng cá nhân của mình khi đi du lịch cùng cha mẹ là rất phổ biến. Bởi cha mẹ muốn các con hình thành thói quen tự lập, không gây phiền phức cho  người khác. Đồ của mình thì tự mình mang, việc của mình thì tự mình làm, khi quá bế tắc thì xin sự chỉ dẫn của cha mẹ. Đó là cách người Nhật giáo dục các em nhỏ.

Sau giờ học ở trường, rất nhiều học sinh Nhật đều làm thêm các công việc ngoài giờ lên lớp để kiếm tiền. Việc sinh viên vừa học vừa làm là rất phổ biến, kể cả con của một gia đình giàu có cũng không phải ngoại lệ. Họ đã kiếm được tiền học phí bằng cách đi làm phục vụ bàn, rửa bát ở nhà hàng, bán hàng tại các cửa hàng, chăm sóc người già, làm gia sư.

So sánh một chút với cách dạy con của mẹ bé Minh, bà mẹ này từng nói: “Đứa trẻ còn quá nhỏ, chỉ có thể do tôi chăm sóc”. Không biết các bậc cha mẹ có suy nghĩ như thế nào đây? Nhưng chúng ta đều hiểu rằng, bản thân mình không thể chăm sóc cho đứa con cả đời được.

Điều mà một bà mẹ thực sự yêu thương con nên làm là giúp con trong tương lai có thể thích ứng với thế giới bên ngoài… (Ảnh: pinterest.com)

Điều mà một bà mẹ thực sự yêu thương con nên làm giúp con trong tương lai có thể thích ứng với thế giới bên ngoài. Trong sự bao bọc của người mẹ, đẩy một đứa trẻ không có khả năng kiếm sống vào cuộc sống trước mắt là việc làm tàn nhẫn nhất. Đây cũng là cái kết mà người mẹ yêu con không hề muốn thấy.  Những đứa trẻ lớn lên từ sự nuôi dưỡng như vậy, bề ngoài thì cao to khỏe mạnh nhưng bên trong lại sợ hãi rụt rè, thiếu dũng khí, luôn cảm thấy không an toàn. Bởi vì, cảm giác an toàn đó phải được xây dựng trên cơ sở có đầy đủ khả năng để đối phó, giải quyết các vấn đề khó khăn.

Tất cả những việc con có thể làm thì không được làm hộ con, cũng như dạy con tập đi, trước tiên bạn cần buông tay ra. Đương nhiên, một khi đã quyết định buông tay ra thì cũng phải tiếp tục kiên trì, đừng thấy con làm không tốt lại vội dang tay đỡ.

Tuy nhiên, cũng có một số bậc phụ huynh cho rằng, điều kiện sống bây giờ đã tốt rồi thì chẳng có lý do gì để bắt bọn trẻ phải chịu thiệt thòi, dù thế nào cũng không thể kém hơn con nhà người ta được. Với suy nghĩ này, cha mẹ hầu như đáp ứng mọi yêu cầu của con. Khi trẻ đã hình thành thói quen tiêu pha hoang phí thì rất khó sửa, điều quan trọng hơn là đứa trẻ kiêu căng hoang phí thì độ kiên trì bền bỉ cũng như dũng khí cũng đều không có. Thiết nghĩ, một người ngay cả việc ăn mặc cũng không phải lo thì còn có mục đích gì để phấn đấu ở đời?

Hồng Ân

 

Exit mobile version