Giao tiếp có thể được ví với cây cầu để nối liền những tâm hồn. Thông qua việc giải thích, làm rõ cách suy nghĩ của chúng ta với những người xung quanh, sự giao tiếp chân thành sẽ giúp giải quyết được rất nhiều những mâu thuẫn, hiểu nhầm không đáng có. Điều này đặc biệt cần thiết trong việc duy trì hài hòa những mối quan hệ quan trọng. Cuộc sống vợ chồng là một ví dụ điển hình.
Đã bao nhiêu lần chúng ta tự nhủ “nói ra sẽ chẳng giải quyết được gì”? khi xảy ra việc không vừa ý giữa hai bên… Suy nghĩ này rất nguy hại cho mối quan hệ. Nếu chúng ta không coi trọng giao tiếp trao đổi với bạn đời của mình, về lâu dài, quan hệ giữa hai vợ chồng bạn sẽ rất mệt mỏi, buồn tẻ. Sự đa nghi, ngờ vực, những lời nói dối, những cơn tức giận … không được giải quyết kịp thời sẽ biến thành một vấn đề lớn. Nếu để kệ mọi thứ trôi theo thời gian thì ta sẽ chỉ tạo ra những hối tiếc và những vết thương lòng.
Dưới đây là một vài gợi ý để bạn suy nghĩ và đối chiếu với cách giao tiếp hàng ngày của mình với bạn đời. Sự suy xét, nhìn nhận lại mình sẽ giúp bạn nhận ra những lỗi sai đã trở thành thói quen. Để rồi cố gắng sửa đổi chúng từng chút một mỗi ngày.
1. “Hai ta sẽ nói về vấn đề này sau”
Chiến lược đầu tiên để cải thiện giao tiếp trong cuộc sống vợ chồng là nên tránh, bằng mọi giá, nói ra điều nào đó khi đang tức giận, vì khi đó những lời thốt ra có thể làm đau lòng, tổn thương cho người mà chúng ta yêu thương nhất.
Điều cần làm trong trường hợp này là lấy giấy ghi lại những cảm nghĩ của mình, nó giúp ta dần bình tâm lại, để sắp xếp lại suy nghĩ, để biết những gì cần phải truyền tải trao đổi với bạn đời khi cả hai đã bình tĩnh hơn.
Nên tuân thủ lời khuyên “Tốt nhất hai ta sẽ nói về vấn đề này sau”, nhưng đừng dùng nó như một cái cớ để mọi thứ trôi đi và không bao giờ đối diện và giải quyết những mâu thuẫn đang tồn tại giữa hai người.
2. Đừng lôi quá khứ ra để dằn vặt nhau
Trong một số tình huống, người ta có ý muốn lôi quá khứ để dằn vặt bạn đời, nhưng đây là một sai lầm nghiêm trọng. Trong cuộc sống vợ chồng, ta phải luôn luôn giải quyết những vấn đề khúc mắc. Nếu đã giải quyết xong thì không có lý do gì để lại lôi chúng ra trong một cuộc khẩu chiến về sau, đừng biến quá khứ thành một thứ vũ khí để làm tổn thương nhau.
Để học cách cải thiện giao tiếp trong cuộc sống lứa đôi, chúng ta có thể ghi lại những câu đã thốt ra khi hai vợ chồng tranh cãi, ví như “Anh chỉ là người ích kỷ”, “Anh đã phạm điều đó một lần rồi đấy”, “Anh có nhớ anh đã…” để nhận ra cách ta nói với bạn đời khi tranh cãi. Bằng cách này, ta sẽ phát hiện tất cả những điều trong quá khứ mà ta đã vô thức thốt ra.
3. Anh đang lắng nghe em để hiểu em
Một cách khác để cải thiện giao tiếp trong cuộc sống vợ chồng là biết lắng nghe. Đã bao lần chúng ta tranh luận mà cả hai người cùng nói chẳng ai nghe ai?
Nếu không lắng nghe người khác, thì ta không thể hiểu quan điểm của người đó. Chỉ khi lắng nghe chúng ta mới có thể trao đổi thấu tình và đạt được đồng thuận. Trong trường hợp ngược lại, chúng ta sẽ không thể hiểu nhau và vấn đề sẽ tích tụ lại.
4. “Hãy rõ ràng thẳng thắn, không vòng vo”
Chúng ta nên ghi nhớ lời khuyên này, đừng bao giờ quên ý nghĩa của nó. Chúng ta thường không nói rõ ràng, hay mỉa mai, châm chọc, hoặc sử dụng các cụm từ như “anh cần phải biết điều gì đang xảy ra với tôi”. Liệu người khác có thể đọc được suy nghĩ của bạn?
Thẳng thắn và rõ ràng trong cuộc sống lứa đôi là điều cần thiết để tránh và giải quyết các xung đột. Nếu một việc nào đó không làm ta hài lòng, tốt nhất hãy tìm cách để nói nó ra một cách từ tốn. Hãy cố gắng phân tích điều ta cảm thấy khi ta im lặng hoặc không thẳng thắn với bạn đời của mình. Ta có thể cảm thấy xấu hổ, hoặc đòi hỏi rằng người kia phải biết ta cảm thấy thế nào. Phân tích rõ ràng hành vi và cảm xúc của ta sẽ giúp cải thiện giao tiếp trong cuộc sống vợ chồng.
5. Luôn tâm niệm chúng ta là một cặp
Lời khuyên cuối cùng để cải thiện giao tiếp trong cuộc sống lứa đôi đó là hãy suy nghĩ chúng ta là một nhà. Khi xung đột nảy sinh, ta có xu hướng đổ lỗi cho người kia, khiến ta quên rằng chúng ta không phải là đối thủ của nhau: Chúng ta là cùng phe. Hãy ghi nhớ điều này và bạn sẽ có thể đối mặt với các vấn đề theo cách lành mạnh hơn nhiều.
Bạn giao tiếp với bạn đời của mình như thế nào? Bạn có xu hướng chờ đợi người ta đoán ra suy nghĩ của bạn hay bạn nói nó ra một cách rõ ràng với người đó? Chúng ta vẫn mắc rất nhiều sai lầm trong giao tiếp, đó là điều không thể tránh. Tuy nhiên, mắc lỗi không đồng nghĩa với việc bạn có một bản chất không tốt. Mắc lỗi, nhận lỗi và sửa chữa lỗi lầm luôn là quá trình tự nhiên trong hành trình trưởng thành của mỗi con người. Xin tin chắc một điều, bạn hoàn toàn có thể thay đổi mình. Từ sự thay đổi đó, những mâu thuẫn, hiểu nhầm sẽ được hóa giải.
Với những lời khuyên này, nhiều xung đột sẽ biến mất. Chỉ cần bạn chân thành muốn thực hiện điều đó và nghiêm túc nhìn nhận lại và thay đổi bản thân, không điều gì là không thể.
“Điều quan trọng nhất không phải là bình đẳng mà là hình thành một cặp vợ chồng tốt. “
-Vô danh-
Xuân Hà