Lời nói là một con dao hai lưỡi. Một mặt, nó có thể giúp chúng ta xây dựng được những mối quan hệ sâu sắc. Mặt khác, nó có thể gây ra những tổn thương không thể vãn hồi. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta học cách giao tiếp từ trái tim? Hãy cùng tìm hiểu phương pháp “giao tiếp phi bạo lực” để thấy rằng lời nói có thể là cây cầu nối kết ta với những người xung quanh.
Marshall Rosenberg, một nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ đã tìm ra một phương pháp giao tiếp mới vào những năm 60 của thế kỷ trước. Phát hiện này đến từ nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng tới khả năng “thấu hiểu người khác” của con người.
Động lực thúc đẩy Rosenberg là tìm ra câu trả lời cho hai câu hỏi đã luôn hiện hữu trong tâm trí ông từ khi ông còn là một đứa trẻ. Câu hỏi đầu tiên: Điều gì đã ngắt kết nối của chúng ta với bản năng chăm sóc thiện lương, và khiến chúng ta hành xử với nhau bằng bạo lực và xúc phạm?
Và một câu hỏi khác: Tại sao lại có những người vẫn giữ được chắc chắn thái độ quan tâm, chăm sóc cho người khác ngay cả trong những hoàn cảnh bất lợi nhất?
Rosenberg đã trả lời được hai câu hỏi của mình thông qua việc phát triển “phương pháp giao tiếp phi bao lực” (tiếng anh: non-violent communication). Vậy hãy cùng xem xét cách thức giao tiếp mới này.
Giao tiếp đồng cảm hay giao tiếp phi bạo lực
“Điều tôi mong muốn nhất trong cuộc đời của mình là chạm tới sự từ bi, đó là một dòng chảy thông suốt giữa bản thân tôi và những người khác, nó dựa trên sự trao gửi lẫn nhau những điều xuất phát từ trái tim”.
-Marshall Rosenberg-
Chúng ta đã phá hủy rất nhiều mối quan hệ của mình vì không biết cách giao tiếp với người kia. Nói cách khác, sự giao tiếp thiếu hiệu quả sẽ dẫn đến những mâu thuẫn rất lớn. Chúng ta tin rằng lời nói là phương tiện duy nhất để giao tiếp và quên mất rằng một phần khác vô cùng quan trọng của quá trình này: Đó chính là sự lắng nghe.
Một trong những giải pháp cho vấn đề này chính là thực hành giao tiếp phi bạo lực. Nền tảng của phương pháp giao tiếp này chính là ý tưởng: nói ra những điều xuất phát từ trái tim bạn.
Với hình thức giao tiếp này, chúng ta sẽ vừa kết nối được với chính mình vừa kết nối được với những người xung quanh. Theo đó, sự thấu hiểu và mong muốn đối đãi một cách thiện lương với người kia sẽ hình thành một cách tự nhiên.
Khả năng giao tiếp bằng lời nói và những yếu tố khác ngoài lời nói đều đóng vai trò quan trọng trong phương pháp này. Chúng cho phép chúng ta ứng xử như những con người chân chính trong những điều kiện ngoại cảnh khắc nghiệt nhất.
Nói một cách khác, việc tập trung vào lời nói và ngôn ngữ cơ thể sẽ giúp bạn kiểm soát được những nóng giận hay mong muốn gây gổ bên trong. Khi bạn có thể sử dụng được những kỹ năng này, bạn có thể duy trì được một cuộc trò chuyện với sự trung thực và chân thành đến từ trái tim.
Một cách cụ thể hơn, giao tiếp bằng sự đồng cảm hay phi bao lực sẽ giúp chúng ta xây dựng lại cách diễn đạt những thông điệp của mình và lắng nghe những người xung quanh.
Bạn có thể thấy những điều này thật nhàm chán, bạn cũng có thể đang nghĩ rằng chúng ta đã biết đến việc lắng nghe hay diễn đạt bản thân cả thế kỉ nay. Nhưng chìa khóa cho giao tiếp thành công không chỉ nằm ở sự hiểu biết hai yếu tố này. Những điều chúng ta phải làm là: Nghiêm túc nhìn nhận chúng, xây dựng ý thức về hai yếu tố này trong tâm trí mình và áp dụng chúng mỗi từng ngày trong đời sống.
Những thành tố chính của “giao tiếp đồng cảm”
Giao tiếp theo hướng phi bạo lực sẽ vượt ra ngoài nhu cầu của cá nhân, khiến chúng ta lắng nghe nhu cầu của những người khác. Để làm được điều này bạn cần bứt khỏi những thói quen hành xử cũ đã trở thành tự động. Nhưng làm thế nào để xóa bỏ được những thói quen này?
Theo Rosenberg, để học được cách nói ra những lời tự đáy lòng, chúng ta cần sử dụng đến “ý thức” của chính mình. Ý thức ở đây được hiểu là trạng thái chúng ta biết mình đang nghĩ gì, đang hành động như thế nào. Nếu ví “ý thức” ấy với một ngọn đèn, để có thể giao tiếp phi bao lực, chúng ta cần dùng ngọn đèn đó soi tỏ 4 vùng khác biệt (cũng chính là 4 thành tố của giao tiếp phi bao lực):
- Quan sát: Quan sát những điều đang diễn ra trong những hoàn cảnh cụ thể là thành tố đầu tiên bạn cần lưu tâm. Những điều người khác nói và làm có khiến cuộc sống của bạn thêm phong phú? Điều này phụ thuộc vào khả năng nhận biết cách hành xử riêng của mỗi người như nó vốn thế, bất chấp việc bạn thích hay không thích những gì mà người đó làm. Bạn cần quan sát mà không để những phán xét của mình chạy loanh quanh trong tâm trí. Như J. Krishnamurti đã từng nói, quan sát mà không phán xét chính là dạng thức thông minh cao nhất của con người.
- Cảm nhận: Thành tố thứ hai chính là việc hiểu được bản thân bạn đang cảm thấy như thế nào. Bạn đang cảm nhận thấy bị tổn thương, hạnh phúc hay bực bội? Điểm chốt là bạn cần xác định được những cảm nhận và cảm xúc mà bạn đang có trong thời điểm của cuộc hội thoại.
- Nhu cầu: Điểm thứ ba chính là bạn cần xác định được nhu cầu của chính mình liên quan đến những cảm nhận mà bạn vừa làm rõ ở trên.
- Yêu cầu: Điểm cuối cùng trong bốn thành tố của giao tiếp phi bạo lực là tập trung vào những “yêu cầu”. Bạn cần làm rõ những điều mà bạn mong muốn người kia thực hiện để làm cho cuộc sống của cả hai bên trở nên dễ chịu và phong phú hơn. Để làm được điều đó, đừng ngại đưa ra một yêu cầu thẳng thắn.
Giao tiếp phi bạo lực cũng đồng nghĩa với sự lắng nghe
Hãy nhớ rằng sự giao tiếp chân thành luôn có hai chiều. Vậy nên, phương pháp giao tiếp phi bạo lực không chỉ là khả năng diễn đạt một cách trung thực bản thân. Nó còn bao hàm cả khả năng đón nhận những chia sẻ của người khác trong sự đồng cảm để thấu hiểu.
Vậy nên, khi bạn tập trung vào bốn thành tố kể trên và quan trọng hơn là giúp người kia làm được điều tương tự, một cuộc giao tiếp chân thành sẽ thật sự diễn ra. Hãy tưởng tượng đó là một con đường hai chiều nơi mà sự bày tỏ và lắng nghe cùng đồng thời có mặt.
Một mặt, bạn quan sát, cảm nhận, và xác định những nhu cầu để khiến bản thân được nuôi dưỡng. Mặt khác, bạn cũng thật sự quan tâm đến những gì mà người kia quan sát, cảm nhận và mong muốn.
Sức mạnh của trao đổi dựa trên sự đồng cảm
Giao tiếp phi bao lực là một dạng biểu hiện của sự thiện lương. Nó là cây cầu nói kết bạn với chính mình. Đồng thời, nó sẽ giúp bạn kết nối một cách trung thực và xây dựng niềm tin với những người xung quanh.
Giao tiếp phi bạo lực không đơn thuần là một loại hình giao tiếp. Nó thực sự là một thái độ sống cho phép chúng ta trở nên có trách nhiệm với những điều diễn ra bên trong mình.
“Cách thức chúng ta giao tiếp với người khác và với chính bản thân mình xét cho cùng chính là những nhân tố quyết định chất lượng cuộc sống của mỗi người”.
-Anthony Robbins-
Trước khi để những cảm xúc và mong muốn tiêu cực dẫn bạn đi quá xa, để rồi nói ra những lời sẽ khiến bạn hối hận về sau, hãy dừng lại vài giây và lắng nghe chính mình. Đó chính là khoảng hòa hoãn, giúp bạn hiểu được mình và có thời gian để tìm cách thấu hiểu những gì người khác đang trải qua.
La hét và tỏ thái độ khinh bỉ không giúp ích gì cho bạn trong những tình huống mâu thuẫn trong giao tiếp. Sự im lặng và bình tĩnh sẽ là công cụ đắc lực giúp bạn soi sáng những khoảnh khắc u tối của cuộc sống.
Đừng quên rằng cách bạn giao tiếp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của bạn. Vậy nên, nếu bạn biến “giao tiếp phi bạo lực” thành cách giao tiếp và thái độ sống của chính mình, rất có thể một ngày nào đó, những người xung quanh bạn cũng học được cách giao tiếp từ trái tim này một cách thật tự nhiên.
Theo Exploring your mind
Hy Văn