Rác thải đang là vấn nạn của toàn nhân loại và nó đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Thế nhưng, rất nhiều người trong chúng ta vẫn nghĩ rằng nó chưa ảnh hưởng trực tiếp đến mình, trong khi thực tế hoàn toàn ngược lại.

Theo thống kê, hàng năm có tới 5 triệu tấn rác thải nhựa được đổ ra các đại dương trên toàn thế giới, và các nhà khoa học cho hay, số rác thải nhựa này đang làm ô nhiễm cả lượng muối chúng ta ăn hàng ngày.  

Ảnh dẫn theo: tour.dulichvietnam.com.vn

Các nhà khoa học tại ĐH Đông Trung Quốc (Thượng Hải) đã thử kiểm tra các mẫu muối làm từ nhiều nguồn khác nhau: muối biển, muối từ hồ nước mặn, muối mỏ…

Kết quả cho thấy muối biển có chứa tới 550 – 681 hạt nhựa siêu vi/kg. Muối làm từ hồ nước mặn và muối mỏ có tỉ lệ thấp hơn – khoảng 204 hạt/kg. Một người bình thường ăn khoảng 5 – 12g muối một ngày, tức là trong một năm đã nuốt tới hàng ngàn hạt nhựa như vậy.

Các chuyên gia cho biết những hạt nhựa siêu vi này đến từ 2 nguồn: do rác thải nhựa phân hủy, và từ những hạt nhựa siêu nhỏ (microbeads) có trong mỹ phẩm như sữa rửa mặt hoặc kem đánh răng. Trong đó loại đến từ mỹ phẩm thường theo các đường ống đổ thẳng ra biển. 

Các microbeads thường có kích cỡ rất nhỏ, không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chế phẩm nhựa trong môi trường biển thông qua bức xạ mặt trời, suy thoái hoá học, tác động của sóng và sinh vật biển sẽ dần dần hoà vào nước. Các loài động vật có vỏ như nghêu, sò, ốc… ăn phải, và rồi lại đi vào cơ thể chúng ta khi… lên đĩa. Theo thống kê, những người thường xuyên ăn động vật có vỏ cũng đồng thời phải tiêu hóa 11.000 hạt nhựa mỗi năm.

Ảnh: yan.vn

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Science & Technology của Hội Hóa học Mỹ, các hạt nhựa có kích cỡ nano thậm chí có thể xâm nhập và phá hủy tế bào trong cơ thể nếu nuốt phải . Ngoài ra, chúng có thể làm tích tụ các loại hóa chất nguy hiểm, bao gồm thuốc trừ sâu DDT và Polychlorinated biphenyl (PCB – nhóm các hóa chất gây ung thư). Hơn thế nữa, chúng sẽ gây ra vấn đề rồi loạn nội tiết, hệ thống tự miễn dịch, các vấn đề về hành vi của trẻ em trong quá trình trưởng thành, các vấn đề phát triển của thai nhi.

Nhiều chất thải nhựa do con người sản xuất sẽ quay trở lại chính bàn ăn của con người. Chúng ta đang ném nhựa đi nhưng sau đó lại phải ăn nhựa vào. Không chỉ có vậy, việc ném rác thải nhựa ra biển cũng là nguyên nhân chính gây ra cái chết của một số lượng lớn các loài cá trên thế giới và phá huỷ môi trường sống của nhiều loài sinh vật biển.

Xác chim biển chứa đầy rác (Ảnh: hant.se)

Hàng năm, theo thống kê có khoảng hơn 20 triệu tấn chất thải nhựa đi vào đại dương thông qua con đường nước sông và sức gió. Những chất thải nhựa này đi vào cơ thể của các loài sinh vật biển, thậm chí khiến một số sinh vật bị dị dạng do cơ thể mắc vào các loại rác thải nhựa. Đau lòng hơn nữa, khi một số loài động vật biển và chim biển ăn nhầm phải nhựa và dần đi đến diệt chủng. 

Người ta dự đoán rằng đến năm 2050, số nhựa trong đại dương sẽ vượt qua tổng số lượng cá. Nếu điều này trở thành sự thật, đây chắc chắn sẽ là một thảm hoạ đối với nhân loại.
 
Còn nhớ, năm ngoái sau khi cơn bão số 12 đổ bộ, bãi biển Quy Nhơn bỗng chốc ngập trong rác. Hàng trăm tấn rác thải trôi dạt vào bờ biển trải dài gần 5 km từ mũi Tấn vào đến Ghềnh Ráng gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường sinh thái. 
 
Bãi biển Quy Nhơn sau trận bão số 12 (Ảnh: zing.vn)
 
Đến năm nay, siêu bão Mangkhut sau khi quét qua Quảng Đông, Hồng Kông, Macao và Philippines đã để lại một bãi rác khổng lồ. Trên mặt nước trôi nổi vô số vỏ chai nhựa, vỏ lon bia, bọt nhựa, tạo nên cảnh tượng khiến người nhìn cảm thấy khủng khiếp và  buồn nôn; còn những chiếc xe hơi sang trọng thì chìm trong nước đục ngàu vì bùn. Những thành phố từng tự hào về vẻ đẹp lộng lẫy, hiện đại giờ biến thành một bãi rác bốc mùi hôi thối.
 
Rác bay khắp nơi trong cơn bão tại Hong Kong
Rác tràn ngập trong thành phố ở HongKong (Ảnh: hongkongfp.com)
 
Người xưa dạy “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, thiên nhiên và con người vốn luôn chung sống hài hoà. Thiên nhiên cung cấp cho con người môi trường sống và con người cũng bảo vệ thiên nhiên như một lẽ đương nhiên. Thế nhưng, khi con người tự mình phá huỷ đi điều này cũng chính là lúc mẹ thiên nhiên nổi giận. Những thảm hoạ thiên nhiên như một lời nhắn nhủ đến loài người: “gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy”.
 
Đại dương đang trả lại chúng ta chính những gì chúng ta ném về đó.  Con người quá nhỏ bé trước sự thịnh nộ của thiên nhiên. Sẽ là quá muộn nếu chúng ta không biết dừng lại đúng lúc. 
 
Huệ Nhi