Những ngày qua, cộng đồng mạng đặc biệt là giới trẻ Hàn Quốc rất phẫn nộ trước thông tin một nông dân 62 tuổi ở thành phố Pyeongtaek giết và làm thịt chú chó Corgi của nhà hàng xóm trước khi mời chủ nhân – không hề hay biết – sang cùng ăn.
Người đàn ông giết hại chó đã khai nhận do quá bực mình trước tiếng sủa liên hồi, đã ném đá vào chú chó giống Welsh Corgi 2 tuổi, khiến nó bất tỉnh. Sau khi con vật ngất đi, ông ta đã bóp cổ và làm thịt nó. Sau đó, ông ta mời hàng xóm sang cùng ăn, trong đó có người cha trong gia đình chủ nhân chú chó.
Vụ việc được dư luận biết đến khi con cái của gia đình chủ nhân chú Corgi đăng một lời thỉnh cầu trên mạng, nhờ cộng đồng giúp đỡ để thủ phạm nhận bản án thích đáng. Cuộc vận động đến giờ đã nhận được 15.000 chữ ký.
Cô cho biết: “Chúng tôi đi khắp thành phố, phát tờ rơi in ảnh, số điện thoại và phần thưởng 1 triệu won (khoảng 21 triệu đồng) cho ai tìm ra chú chó. Khi tôi đến nhà ông ta, cách nhà tôi có ba nhà, ông ta còn tỏ ra thông cảm và hứa sẽ báo tin cho chúng tôi nếu tìm thấy”.
Trong khi đó, người nông dân này đang giấu con chó trong kho thóc. Hôm sau, ông ta đến thăm cha cô, uống rượu và an ủi chủ nhân chú Corgi. Sau đó, nghi phạm mời hàng xóm, trong đó có cả cha cô gái, sang ăn thịt chó. Tuy nhiên, cha cô đã từ chối vì không ăn loại thịt này.
Được biết, thịt chó là một món ăn truyền thống của ẩm thực Hàn Quốc. Tuy nhiên, ngày càng ít người ăn món này vì họ xem chó là thú cưng thay vì vật nuôi. Đặc biệt, việc ăn thịt chó bị xem là cấm kỵ trong giới trẻ. Mặc dù vậy, mỗi năm vẫn còn khoảng một triệu con chó bị giết thịt và tiêu thụ ở Hàn Quốc, chủ yếu để làm món canh hầm tăng cường sức khỏe. Hiện nay, các nhà hoạt động đang nỗ lực vận động cấm ăn thịt chó. Theo một điều luật mới, những người hành hạ động vật có thể sẽ phải đối mặt với 2 năm tù giam và bị phạt 20 triệu won (khoảng 420 triệu đồng).
Chó mèo là thú nuôi, là bạn bè. Ai nỡ ăn thịt bạn?
Khác với thịt gà, thịt bò có xuất xứ rõ ràng, phần lớn thịt chó mèo là hàng ăn trộm, vì phần lớn người nuôi đều quý chó nên họ ít bán. Vậy nên ăn thịt chó cũng tức là gián tiếp tiêu thụ hàng gian, và gây ra nỗi đau của bao người. Vì ai nuôi chó đều xem nó là thành viên trong gia đình, nên khi nó mất tích họ khổ tâm lắm: những người chủ đi khắp nơi tìm bạn về, những đứa trẻ đứng khóc mếu máo vì nhớ bạn, mà đâu biết rằng chú chó thân thương của mình đang ở sau song sắt, kêu rên ăng ẳng, ánh mắt thảm thiết, thê lương.
Chẳng những thế, khi bọn trộm dùng bã độc Cyanua để đánh bã, chất độc này ngấm vào thịt chó, con người ăn vào sẽ bị tích tụ, lâu ngày sẽ bị nhiễm độc. Mà đạm của chó khi vào cơ thể cũng được hấp thụ cực nhanh, dễ dẫn đến nhiều phản ứng như co giật, sùi bọt mép. Vậy nên, trên thế giới hiện nay chỉ còn người Triều Tiên (Nam, Bắc Hàn), Trung Quốc và Việt Nam là còn giữ thói quen ăn thịt chó, còn các nước phương Tây đều xem đó là tội ác, đi ngược lại với văn minh nhân loại.
Có truyện ngụ ngôn xưa kể rằng, khi muôn loài được sinh ra, chó mèo vẫn còn ở trong rừng. Loài người vì muốn chó về ở chung nên thực hiện một trao đổi: Loài chó sẽ trung thành tuyệt đối, tôn thờ con người, ăn chất thải của con người, dù người có giàu có hay nghèo khổ, chó vẫn vẫy đuôi mừng. Con người có quyền tự định đoạt số phận của chó nhưng có điều kiện là tuyệt đối không được ăn thịt.
Không biết câu chuyện ấy có thật bao nhiêu phần nhưng một sự thật không ai có thể phủ nhận được là loài chó vẫn là những người bạn thân thiết nhất của con người. Biết bao câu chuyện cảm động về lòng trung thành của loài chó đã khiến hàng triệu người xúc động, bật khóc. Hachiko, Capitan, Bobby… – Tượng đài về những chú chó trung thành, dũng cảm vẫn còn đó, như một lời nhắc nhở con người, rằng đừng vì miếng dồi chó thơm phức trên bàn nhậu mà quên mất lời hứa năm xưa, quên luôn cả tình nghĩa và văn minh của nhân loại.
Thiện Nam