“Quyền được chết” là thuật ngữ dùng để chỉ việc những bệnh nhân không còn hy vọng sống có thể yêu cầu được tự sát. Tuy nhiên dự luật về thứ quyền quá đặc biệt này đã gây ra rất nhiều tranh cãi trong dư luận…
Hôm 11/9 vừa qua, quốc hội Anh đã bác bỏ kế hoạch thông qua dự luật về “quyền được chết“. Theo dự luật này, các cá nhân mắc bệnh hiểm nghèo hoặc ở trong tình trạng sống được không quá sáu tháng có quyền nhận liều thuốc tự sát, với điều kiện tự họ có thể dùng thuốc không cần người giúp đỡ. Để được nhận liều thuốc này, bệnh nhân sẽ cần được sự đồng ý của hai bác sĩ và một thẩm phán Tòa Thượng thẩm Anh.
Trong cuộc bỏ phiếu tại quốc hội Anh, 118 dân biểu ủng hộ việc thông qua dự luật trong khi có tới 330 dân biểu phản đối. Tổ chức vận động ủng hộ dự luật cho rằng “đại đa số người dân” tán thành quyền trợ tử. Hội Y khoa Anh quốc phản đối mọi hình thức trợ giúp bệnh nhân được chết. Còn Học viện Y tá Hoàng gia Anh thì không ủng hộ bên nào. Trong khi đó, theo một khảo sát trên 1.010 người được ComRes thực hiện vào năm 2010, 48% người được hỏi ủng hộ việc trợ tử, 49% phản đối, và 3% không đưa ra câu trả lời.
Dưới đây, Đại Kỷ Nguyên xin chia sẻ hai cậu chuyện về hai bà mẹ có con mắc bệnh nan y để độc giả cùng suy ngẫm và có lựa chọn của riêng mình.
1. “Tôi đã giúp con mình tự tử”
Lynn Gilderdale, từng là một cô bé xinh đẹp, hoạt bát, nhưng “hội chứng mệt mỏi kinh niên” đã khiến toàn bộ cuộc sống của cô và mẹ đảo lộn. Hội chứng quái ác này khiến Lynn chịu đựng những tổn thương lớn về tinh thần cũng như thể chất. Toàn bộ hệ thống miễn dịch của cô gần như ngừng hoạt động khiến cơ thể Lynn rất dễ bị nhiễm trùng. Cần phải nói thêm rằng cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được tác nhân gây ra căn bệnh bí ẩn này.
Lynn bị mắc hội chứng này từ năm 1991. Sau sinh nhật lần thứ 15 của mình, cô bé bị liệt từ thắt lưng trở xuống, và chỉ có thể ăn qua một chiếc ống. Toàn bộ cơ thể Lynn đang dần bỏ cuộc. Trong 16 năm mắc phải hội chứng quái ác, cô bé đã phải tới bệnh viện 50 lần với nhiều căn bệnh phát sinh khác nhau.
Kay Gilderdale, mẹ Lynn cũng ở cùng con trong suốt quãng thời gian ấy. Họ đều cố gắng sống với hy vọng rằng một ngày kia Lynn sẽ hồi phục. Nhưng rồi tình trạng của Lynn đi xuống: cô bé bị loãng xương, thiếu máu, suy giảm chức năng phổi, v.v. Lynn đã mệt mỏi tới mức phải thốt lên rằng: “Mẹ, mẹ không thể giúp con được nữa đâu. Con quá hỏng rồi. Con đã chịu đủ rồi.“
Kay muốn đưa con tới Thụy Sĩ điều trị, nhưng Lynn không thể kiên trì được nữa. Tháng 12/2008, cô bé muốn sử dụng một liều Morphine lớn để kết liễu đời mình. Lúc đầu Kay ngăn cản con, nhưng rồi sau đó, bà đã trợ giúp Lynn tự sát. Kay bị bắt, bị buộc tội giết người, nhưng vào năm 2010, bà đã được thẩm phán tuyên vô tội. Thực chất trợ tử và giết người là hai hành vi khác nhau, vậy nên dù kết quả của phiên tòa có như thế nào, thì một câu hỏi lớn vẫn còn bỏ ngỏ: “Bà mẹ ấy đúng, hay là sai?“
2. “Chỉ Chúa mới có quyền định đoạt điều đó”
Đó là một phép màu đối với gia đình cô gái Jessica Stevens, và phép màu ấy không tự nhiên đến…
Ở tuổi 16, cũng giống như bao bạn cùng lứa khác, cô gái người Mỹ đang ngập tràn mơ ước. Không chỉ vậy, Jessica còn là người chị cả rất mực tận tâm của hai cô em gái. Ấy vậy mà không ai có thể ngờ rằng, chỉ một vết cắn côn trùng nhỏ bé đã hủy hoại cuộc đời cô.
Trong suốt 6 năm sau, Jessica đã mắc phải một hội chứng quái ác mang tên RSD. Não bộ của cô bé bị “mắc kẹt” và luôn “nghĩ” rằng cơ thể của Jessica đang bị cắn. Chính vì vậy cô bé luôn phải chịu cảm giác bỏng rát sưng tấy ở khắp người. Jessica ốm liệt giường và chịu đựng những cơn đau như bị tạt axit khắp thân thể. Với tình trạng đó, cô bé chỉ còn có thể sống thêm vài tuần.
Vật vã và kiệt sức vì đau đớn, Jessica van xin mẹ để mình được chết. Tuy nhiên bà Sarah Gina, mẹ cô bé, đã từ chối thỉnh cầu của con mình. Bà nói với cô rằng: “Chỉ Chúa mới có quyền định đoạt điều đó“. Bà Sarah sau đó đã mạo hiểm cho con gái thực hiện một phương pháp điều trị thử nghiệm tại Mexico. Các bác sĩ sẽ đưa Jessica vào một giấc ngủ rất sâu bằng Ketamine, để giúp bộ não cô bé “ngừng hoạt động”, xóa bỏ tình trạng “mắc kẹt” trước đó.
Lần thử nghiệm thứ nhất diễn ra vào năm 2009. Khi Jessica thức dậy, cô bé đã chịu rất nhiều tổn thương, nhiễm trùng, mất trí nhớ, và ảo giác. Tuy nhiên Jessica không hề lùi bước. Và trong lần thử nghiệm thứ hai vào năm 2010, các bác sĩ đã thành công…
Hiện cô gái 24 tuổi đã trở về với cuộc sống thường nhật, và mong ước sẽ mang phương pháp từng giúp cô chữa lành bệnh từ Mexico tới Mỹ. Jessica chia sẻ: “Chúa vẫn tạo nên những phép màu… và tôi cảm thấy mình thật may mắn được trở thành một trong những phép màu đó.“
Quang Minh
Xem thêm: