Đại Kỷ Nguyên

‘Gon – chú sóc nhỏ’: Cổ tích giữa đời thực với cái kết bi thương và bài học nhân văn sâu sắc

Truyện cổ tích luôn là một món ăn tinh thần dành cho những đứa trẻ. Và vì những người trưởng thành nào cũng đã từng là một đứa trẻ nên đôi khi nhâm nhi một tách trà cùng một cuốn truyện cổ sẽ mang lại cho chúng ta một điều gì đó, một điều đặc biệt trong lành như những ký ức ngày thơ bé…

“Gon – chú sóc nhỏ” là truyện kể dành cho thiếu nhi thấm đẫm tính nhân văn của đất nước Nhật Bản. Đây là tác phẩm dựa trên một câu chuyện dân gian có thật. Câu chuyện về một chú sóc mồ côi cả cha lẫn mẹ, có những trải nghiệm phong phú trong cuộc đời với đủ mọi hạnh phúc và đau khổ, để rồi chết khi tuổi đời còn quá trẻ. 

Câu chuyện êm đềm dễ dàng đi vào lòng người đọc, vào tận sâu những ngõ ngách tâm hồn để tác động, để cảm hóa, để yêu thương, để nói lên ý nghĩa giáo dục tuổi thơ về đạo lý làm người. Người dân Nhật Bản tâm đắc câu chuyện không chỉ vì thông điệp nó truyền tải, mà còn bởi họ nhìn thấy mình đâu đó trong tác phẩm. Họ đồng cảm sâu sắc với nỗi đau của chú sóc.


Ảnh minh họa: Thuvienanhdep

Nhân vật chính của câu chuyện là một chú sóc nhỏ tên là Gon. Trên đường tìm kiếm thức ăn, nó đã đặt chân đến một ngôi làng nhỏ, liên tục ăn cắp thức ăn cũng như gây ra những trò tinh nghịch khác và thường xuyên lẩn trốn khỏi những người dân làng giận dữ vì trò đùa của nó. Một ngày nọ Gon ăn cắp một con lươn ngay trước mặt Hyoju mà Hyoju vốn định để dành cho mẹ già đang ốm. Không may mắn thay, người mẹ của anh ấy nhanh chóng qua đời sau đó. Vào lúc đó, Gon bất giác nhận ra lỗi lầm của mình và cố hết sức để bù đắp nó bằng cách bí mật mang đến cho Hyoju những món quà mà nó ăn cắp. Và đó cũng là lý do mà dân làng buộc tội Hyoju vì tội ăn trộm và đánh đập anh ấy.

Xấu hổ vì làm liên lụy đến Hyoju, Gon chỉ mang nấm và hạt dẻ nó thu lượm được trong rừng đến cho anh. Hyoju rất biết ơn vì món quà mặc dù anh ấy không biết chúng đến từ đâu. Một ngày nọ, Hyoju nhìn thấy một con sóc đang lẩn trốn xung quanh nhà, và anh đã bắn chết nó trong sự giận dữ vì anh nghĩ nó đã gây ra cái chết của mẹ mình. Không lâu sau anh kinh hoàng nhận ra con sóc mà anh vừa bắn chết đã nuôi sống anh những ngày vừa qua.

Những câu chuyện Nhật Bản không phải bao giờ cũng kết thúc có hậu. Trong câu chuyện này, mẹ của Hyoju mất. Gon bị Hyoju bắn chết trong khi cố sửa lỗi lầm của mình và Hyoju cảm thấy thật tội lỗi khi bắn chết chú sóc đang cố giúp mình. Bài học đạo đức của câu chuyện được đúc kết là chúng ta phải chấp nhận những gì số phận đã an bài, dù là hạnh phúc hay buồn đau. 


Ảnh minh họa

Không phải ai cũng đủ dũng cảm để thừa nhận mình hối tiếc. Thời gian đã đi qua là thứ không bao giờ có thể lấy lại. Chúng ta cũng không thể thay đổi những chuyện đáng buồn trong quá khứ. Vì thế, dám tha thứ cho bản thân mình, lấy được dũng khí để sửa chữa lỗi lầm và niềm mong ước về một tương lai tươi sáng, nơi cái thiện lan tỏa luôn là những gì mà thế hệ trẻ cần học hỏi, phát huy và vun đắp.

Chúng ta cũng không nên vội vàng đánh giá sự việc hay ai đó qua vẻ bề ngoài, vì rất có thể đó là những điều tốt đẹp vốn đi theo chúng ta mà trong giây phút thiếu tỉnh táo chúng ta không nhận ra và đánh mất. Và thành quả thực sự sẽ chỉ có nghĩa khi chúng ta dùng tâm sức của mình để đạt được. Gon dù có ý tốt muốn mang thức ăn đến cho Hyoju nhưng món đồ có được từ việc ăn trộm sẽ chỉ đem đến tai họa và khổ đau.  


Ảnh minh họa

Gon – chú sóc nhỏ” không phải là một câu chuyện về tình bạn đẹp giữa người và chú sóc mà là sự nuối tiếc, hối hận, đau buồn đem lại sự trải nghiệm cảm xúc mới mẻ cho những đứa trẻ từ 8 đến 9 tuổi. Để trẻ trải nghiệm thế nào là cảm giác tiếc nuối, mất mát, đau thương từ cái chết của Gon cũng là cách làm phong phú thêm cảm xúc, tính cảm thụ và nhân sinh quan của các em.

Cổ tích là kết tinh của trí tuệ và tâm hồn của bao thế hệ. Dù giản dị và mộc mạc, nhưng nó giúp cho tuổi thơ của trẻ em thêm phầm sống động và giúp hình thành nhân cách các em trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ.

Phương Lâm tổng hợp

Xem thêm:

Exit mobile version