Đại Kỷ Nguyên

Hà Nội những ngày cuối tháng Ba, sống chậm thôi để tìm thấy mình trong từng suy nghĩ…

Có lúc nào bạn cảm thấy một cảm giác trống rỗng ùa vào chiếm lấy tâm trí, dù ngày hôm đó bạn đã nỗ lực thật nhiều để hoàn thành bản kế hoạch hoàn hảo mà mình đã đề ra? Có khi nào vào một cuối tuần, khi ngồi lại trong không gian của gian phòng quen thuộc, cảm giác lơ lửng, không biết mình sống vì điều gì, sống vì ai nắm lấy trái tim bạn? Nếu đã từng trải qua những cảm xúc ấy, có khi nào bạn cũng đang sống… vội vã quá rồi.

Thứ Hai đầu tuần, tôi bắt đầu một ngày mới với cảm giác uể oải, nhưng không phải vì “hội chứng sợ thứ hai” như nhiều người khác. Tôi đơn giản chỉ cảm thấy mình yếu đuối, không có động lực. Ngồi ở bàn làm việc và quan sát mọi người, quan sát chính mình, tôi cố gắng ngăn lại tiếng thở dài. Hôm đó là ba ngày sau sinh nhật lần thứ 28 của tôi.

Một lúc sau người em cùng bàn với tôi đến. Cô ấy đưa cho tôi một cái túi và nói, quà sinh nhật của chị đây, rồi bắt đầu cắm cúi vào làm việc. Tôi đón nhận chiếc túi với ánh mắt tròn xoe có chút kinh ngạc. Tôi cũng không còn nhớ đã bao lâu rồi mình mới nhận được một món quà sinh nhật như thế. Hộp quà được gói bọc cẩn thận, vuông vắn, lại có thêm một chiếc nơ thật xinh. Hộp quà ấy gợi nhớ lại nghệ thuật gói quà và tặng quà của người Nhật: không cầu kì nhưng chứa đựng trong đó là rất nhiều trân trọng.

Món quà của em khiến tôi nhớ lại cách người Nhật gói sự trân trọng của mình trọn vẹn trong mỗi món quà họ trao tặng.

Nhưng trái tim tôi một lần nữa rung động khi mắt chạm vào chiếc phong bì nhỏ đặt bên cạnh hộp quà. Là một tấm thiệp. Từ ngày dùng Facebook, số lần tôi nhận được một bức thư tay, một tấm thiệp mà ai đó chọn lựa và viết cho mình như thế này chắc không quá một bàn tay. Những món quà bất ngờ vào buổi sáng hôm ấy khiến tâm tôi xao động. Tôi đã chờ cả một ngày để về nhà, ngồi trong góc nhỏ của mình để bóc quà và đọc thiệp. Cảm giác như được quay lại 10, 15 năm về trước.

Ở khoảng thời gian đó, con người vẫn còn thời gian ngồi ngẫm nghĩ, bạn mình thích điều gì? Món quà nào phù hợp và có thể làm người đó vui? Mình sẽ viết gì cho bạn, chọn cho nó tấm thiệp nào? Khi ấy, những hàng lưu niệm vẫn là một thế giới đầy sắc màu và bí ẩn. Nơi người ta bán những món đồ nhỏ thôi, rẻ thôi nhưng lại có thể làm vui cả một tâm hồn. Những quả cầu tuyết, những vòng quay ngựa gỗ, những chiếc chuông gió, những con thú nhồi bông dễ thương…

Những món quà ngày xưa bạn bè chọn cho nhau, tuy nhỏ thôi nhưng lại có thể mang đến cho tâm hồn một niềm vui thực sự và lâu dài.

Tinh tinh… Tiếng tin nhắn điện thoại cắt đứt dòng suy tưởng vơ vẩn của tôi. Là tin nhắn của người tôi thương, anh báo với tôi rằng, từ nay anh không dùng Facebook nữa, anh muốn dành thời gian của mình để thực sự tiếp xúc với cuộc sống, với con người. Tôi ngẩn ngơ ngồi nhìn dòng tin nhắn. Chưa kịp định thần, một tin nhắn khác lại đến, “em kiểm tra hòm thư điện tử nhé”.

Tôi mở hòm thư trên máy tính xách tay của mình, bất giác mỉm cười khi nhìn thấy tên và email của anh. Bức thư rất ngắn, cũng không có gì lãng mạn. Anh giao bài tập cho tôi, một bài tập về xây dựng mục tiêu cuộc sống. Chúng tôi vẫn đang cùng nhau đọc và học 7 thói quen cho người hiệu quả cùng nhau. Nội dung chỉ có thế, và anh không quên chúc tôi một tuần làm việc vui và hiệu quả. Nhưng cũng đã từ rất lâu rồi tôi không nhận thư cá nhân trên hòm thư như thế này nữa, bởi bạn bè đã có Messenger, còn công việc thì là hòm thư công ty.

Cảm giác ngồi đọc thư điện tử cá nhân lại một lần nữa đưa tôi về thời trước. Trên màn hình, chỉ có những gì tôi và người kia muốn trao đổi với nhau, không có những tin nhắn khác. Trên thư điện tử cũng không có nhiều biểu tượng cảm xúc, nên người viết và người đọc cũng đặt tâm nhiều hơn để cảm nhận được thông điệp và người kia muốn truyền tải. Thật tự nhiên, một cảm giác bình yên như làn gió nhẹ đầu hè tới trong tôi. Trong căn phòng yên ắng, tôi cũng bắt đầu chậm rãi gõ thư trả lời.

Những cánh thư, những tấm thiệp thì khiến người ta thấy như có người kia ở bên mình.

Tôi cũng học tập anh, để bức thư của mình mở đầu như truyền thống “Chào anh”,  và kết thúc theo cách mà người ta vẫn chào tạm biệt nhau một cách trân trọn và nhiều hy vọng “Chúc anh một buổi tối vui”.

Tôi nhấn nút gửi đi và cảm thấy rằng cảm giác lơ lửng ban sáng của mình đã không còn nhiều nữa. Viết một bức thư có đầu, có cuối khiến tôi cảm nhận được mình đang dành trọn tâm trí cho cuộc trò chuyện, và cho chính thông điệp của mình muốn truyền đi.

Buổi tối của tôi dừng lại bên khung cửa sổ, nơi có một bức tranh hoa bưởi trắng tôi được một người bạn thủa thiếu thời gửi tặng. Mùa hoa bưởi cũng vừa qua, nhưng bức tranh khiến tôi cảm thấy mùi hương bưởi đang nhẹ lan trong không khí. Cũng đã lâu lắm rồi, tôi mới ngồi nhìn ngắm căn phòng của mình. Mắt tôi chạm đến chồng sách màu xanh của biển. Những cuốn sách dạy làm thế nào để sống theo Chân – Thiện – Nhẫn, điều mà mỗi giây cuộc sống vẫn đau đáu trong tôi.

Thật kỳ lạ, tôi có cảm nhận rằng những chi tiết nhỏ của ngày hôm nay dường như đang chỉ dẫn cho tôi đến với một điều gì đó rất quan trọng trong cuộc hành trình tìm lại chính mình của tôi. Là điều gì nhỉ?

Hương bưởi và em đã mang đến cho tôi thật nhiều suy ngẫm.

“Chị ơi, em yêu Hà Nội lắm. Em không sinh ra ở đây, nhưng khi nhìn những rổ hoa bưởi trên đường, em thấy Hà Nội đẹp lắm”.

“Ừ, chị biết, ngày xưa chị đã từng yêu thành phố của mình với trái tim trong sáng như của em. Nhưng giờ, chị thấy tình yêu ấy không còn”.

“Sao vậy chị?”

“Giờ nhà xe nhiều lên, người nhiều lên, chị thấy Hà Nội xô bồ hơn… Nhưng cũng không hẳn em ạ, chị nghĩ là tại… mình thì đúng hơn”.

“Chắc vì chị ở lâu với Hà Nội nên mới thấy vậy đó. Em thấy Hà Nội tuy xô bồ, chật vật thật nhưng ở đó em thấy họ rất truyền thống và tinh tế, luôn lưu giữ những điều rất xưa”.

“Đúng rồi em, ngày trước chị nhớ, chị và một người bạn đã trở thành bạn thân chỉ vì hai đứa rất yêu Hà Nội. Nhưng chị không hiểu vì sao ngày trước mình lại có cái tình yêu trong trẻo ấy?”

“Em về quê đợt này cũng chỉ ngồi ngắm bầu trời và nhìn trẻ con chơi thôi chị ạ, chứ không đi đâu nhiều. Nhưng hình như em thấy, mình sống chậm lại chính là mình đang nhìn thấy rõ mình hơn và nghĩ cho người khác nhiều hơn đó chị”.

Hương bưởi trong tưởng tượng dẫn tôi về với kí ức của đoạn hội thoại trên, nó diễn ra chỉ vài tuần trước. Và câu kết luận của người em gái đã chạm đến tâm hồn tôi. Sống chậm, tất cả những chi tiết nhỏ đã làm tôi rung động ngày hôm nay chẳng phải đều xoay quanh cụm từ quá quen thuộc này sao.

Phải chăng cảm giác lơ lửng, không biết mình sống vì điều gì của tôi cũng là vì bấy lâu nay, tôi đã để những lo lắng về năng suất làm việc, về thành tích, về cách người khác nhìn bản thân cuốn trôi. Để rồi, làm việc gì cũng chỉ để xóa đi cảm giác lo lắng khó chịu ấy, và quên mất rằng làm việc gì cũng cần đặt trái tim mình vào đó.

Người em tặng quà cho tôi đã đặt trái tim mình khi chọn quà, viết thiệp cho tôi, người thương đã gửi sự quan tâm và mong muốn tôi tiến bộ khi viết thư cho tôi, người em gái phương xa cũng đặt tất cả tâm tình chân thật, những cảm nhận cuộc sống của em vào cuộc trò chuyện với tôi.

Nếu tối có thể đặt cả trái tim vào mỗi việc mình làm, như cách con trẻ đặt cả trái tim vào việc khám phá thế giới, tôi nghĩ rằng, mình sẽ không bao giờ còn thấy trống rỗng và vô nghĩa.

Cho đến lúc này, tôi đã hiểu, cuộc sống đang cố chỉ cho tôi cách để thực sự sống. “Đặt tâm” làm mỗi công việc cho thật trọn vẹn, để công việc ấy đạt được ý nghĩa toàn vẹn của nó. Khi đặt tâm, tôi sẽ hiểu mình làm việc này để làm gì, nó là dành cho ai, có thể mang đến điều gì ích lợi cho người khác không, có cách nào để tôi có thể làm cho thật tốt và khiến nhiều người hơn nữa được thọ ích.

Nếu lúc nào tôi cũng có thể tâm niệm như vậy, khi làm bất cứ công việc nào, từ cái nhỏ nhất như quét nhà, giặt đồ, cho tới việc lớn hơn như hoàn thành công việc tại sở làm, chăm sóc người thân và tu luyện chính mình, tất cả tôi đều sẽ có thể làm mà không bao giờ chán nản, cũng không để những yếu tố ngoại cảnh cuốn mình đi, để rồi rơi vào sự trống rỗng, không biết mình sống là vì đâu một lần nữa.

Sống chậm, phải chăng chính là ý nghĩa này? Giờ đây, mỗi lần mất phương hướng, tôi sẽ chọn sống chậm đi, cảm nhận nhiều hơn. Chậm thôi để tìm thấy chính mình trong từng suy nghĩ, trong từng việc mình làm. Tôi tin nếu làm vậy, mình sẽ tìm thấy lại được động lực sống của chính mình.

Nguồn ảnh: Pinterest 

Hy Văn

Exit mobile version