Bạn đã đắn đo rất nhiều khi quyết định có nên xem bài báo này hay không? Bạn đã quá mệt mỏi với sự trì trệ của bản thân vì đã quen trì hoãn mọi việc. Nhưng bạn lại phân vân, bạn đã dùng nhiều ngày, nhiều tháng thậm chí nhiều năm để tìm hiểu cách thức vượt qua nó nhưng mọi thứ đều không hiệu quả. Vậy thay đổi thói quen cố hữu này chỉ với 1 phút hẳn là một mục tiêu tham vọng.
Để giải quyết băn khoăn này của bạn, chúng ta hãy cùng xem xét khái niệm “1 phút”, nói cách khác là cùng nhau nhìn nhận khái niệm “thời gian” và “sử dụng thời gian”. Việc ý thức được cách thức bản thân ý thức về hai khái niệm này, chúng ta mới có thể thấy được tương đối rõ ràng bản chất của thói quen trì hoãn và sức mạnh đích thực của “1 phút đồng hồ”.
1 giây có ý nghĩa như thế nào?
Gần đây trên Facebook xuất hiện rất nhiều những câu trích dẫn và chia sẻ về giá trị của thời gian. Xin trích dẫn lại dưới đây để bạn đọc cùng ngẫm nghĩ:
- 1 giây không nhiều nhưng cũng không ít. 1 giây không làm được gì nhưng có thể làm được tất cả.
- Ngồi giữa những trưa mùa hè nắng nóng, 1 giây đối với bạn chẳng là gì ! Nhưng ngồi giữa 1 phòng thi đầy áp lực 1 giây còn quý hơn vàng!
- Ở cuộc vui thâu đêm, 1 giây trôi tuột vào quên lãng nhưng ở khoảnh khắc chia tay, 1 giây ghi sâu vào kí ức.
- Những con người khoẻ mạnh, 1 giây chỉ thoáng qua nhưng đối với những bệnh nhân nan y, 1 giây là sự sống.
- Trên đường đua, 1 giây quyết định kẻ thắng người thua, bao tháng ngày trui rèn, 1 giây nói lên tất cả.
- 1 giây là thời gian, 1 giây của hôm nay không như 1 giây của hôm qua và càng không giống 1 giây của ngày mai
Bạn nhận ra điều gì từ những câu trả lời này? 1 giây là đơn vị thời gian được quy ước chung cho cả nhân loại, tại sao chúng lại mang lại cảm giác “dài”, “ngắn” khác nhau ở mỗi người. Phải chăng chính là cách mà mỗi người sử dụng một giây đồng hồ chính là cách để con người tạo nên sự khác biệt, không chỉ về cảm giác mà còn về ý nghĩa của thời gian.
Chúng ta luôn muốn kiểm soát thời gian và luôn thấy thiếu thời gian để làm các công việc. Nhưng bạn có bao giờ đặt câu hỏi, tại sao các tỷ phú, các học giả nổi tiếng hay chẳng đâu xa những đồng nghiệp, những bạn học của bạn, họ cũng chỉ có 24 giờ đồng hồ nhưng lại có thể làm khối lượng công việc lớn hơn bạn gấp nhiều lần. Giá trị những điều họ tạo nên cũng là rất lớn. Điểm khác biệt phải chăng không nằm ở thời gian mà lại cũng nằm ở “cách sử dụng thời gian”?
Bạn nghe điều này quá nhiều lần, nhưng vẫn không thể tìm ra bí mật của những người làm việc hiệu quả. Vậy hãy lần lại trong ngày hôm nay, bạn đã dùng bao nhiêu thời gian của mình để lướt Facebook, bao nhiêu thời gian để chọn một bữa trưa như ý, bao nhiêu thời gian để tán gẫu một chuyện của người thứ ba không liên quan đến bản thân mình? Sau khi liệt kê ra một cách trung thực, bạn có thể cộng tổng tất cả những khoảng thời gian này và cùng xem bạn dành bao nhiêu giây quý giá của mình cho những công việc không phải là việc bạn cần hoàn thành. Đây chính là con số tạo nên khoảng cách giữa bạn và những người hiệu quả.
Thay vì làm những việc thỏa mãn sự thích thú, mong muốn thảnh thơi, thoải mái, những người hiệu quả dùng lượng thời gian mà bạn vừa tính được để làm những việc hữu ích hơn: Họ học tập và sáng tạo. Học tập để trau dồi bản thân và sáng tạo để khám phá sức mạnh bên trong mình. Hai quá trình này giúp họ tạo được những thay đổi trong công việc, đời sống gia đình và đặc biệt là trong tính cách cũng như các thói quen.
Thay vì “để thời gian trôi đi như dòng nước” vì không biết dùng nó một cách hữu ích, họ nương vào thời gian, dùng mỗi giây để “nuôi dưỡng chính mình”. Bằng cách ấy, những người hiệu quả sẽ biết trân trọng từng phút giây của mình. Với họ, thời gian chính là người bạn đồng hành, là điểm tựa cho những thành công.
Với cách tư duy về thời gian này, bạn đã cảm thấy 1 phút bắt đầu quý giá hơn? Nếu biết tận dụng mỗi phút của cuộc sống để trau dồi bản thân, để rèn luyện chính mình, bạn sẽ từng bước một trở thành một người hiệu quả, có khả năng hoàn thành các công việc của mình một cách chỉn chu mà không phải lúc nào cũng vội vàng, cuống quýt.
Hai quy tắc “1 phút”
1 phút có thể giúp bạn cải thiện chính mình, vậy 2 quy tắc dưới đây có thể cho bạn những gợi ý cụ thể để bắt đầu thay đổi bản thân, một cách chậm rãi, nhưng chắc chắn và tích cực.
Nguyên tắc 1 phút của người Nhật:
Bạn hẳn đã từng nghe nhiều về nguyên tắc một phút để chống lại sự trì hoãn của người Nhật. Theo phương pháp này, bạn có thể chọn cho mình một hoạt động cụ thể nào đó để bắt đầu. Mỗi ngày bạn dành ra 1 phút vào một khung giờ cố định để hoàn thành công việc đó. Chỉ 1 phút nhưng ngày nào cũng làm và làm vào đúng giờ.
1 phút là khoảng thời gian ngắn, nó không khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hay chán nản khi bắt đầu công việc. 1 phút tạo độ “dễ” cho nhiệm vụ này. Tuy nhiên, tính hiệu quả của nguyên tắc 1 phút Nhật Bản lại nằm ở “sự kiên trì”. Việc duy trì 1 phút vàng này mỗi ngày, vào mỗi khung giờ chính là nền tảng. Để có thể tuân thủ đúng 1 phút này, bạn sẽ phải sắp xếp công việc của mình và chuẩn bị cả tâm lý sẵn sàng cho chính mình. Quá trình này chính là những bước nhẹ nhàng đầu tiên giúp bạn học được cách “kỷ luật với chính mình”: Đã nói là làm, và đã làm sẽ làm cho trọn vẹn.
Sau một thời gian, bạn có thể tăng độ khó của nhiệm vụ từ 1 phút thành 5 phút rồi 10 phút. Sau một khoảng thời gian thực hành, bạn sẽ nhanh chóng “vào guồng” khi bắt đầu công việc. Bạn nhanh chóng nhập cuộc vì làm việc vào khung giờ đó đã trở thành một thói quen. Tuy nhiên nguyên tắc 1 phút Nhật Bản sẽ phát huy hoàn toàn tác dụng của nó khi bạn “đặt tâm” làm công việc đã định trong khoảng thời gian quy ước. Không đặt tâm và chú ý, những cám dỗ dễ dàng lôi bạn trở lại vũng bùn của lười biếng và trễ nải. Hãy thật cảnh giác.
Nguyên tắc 1 phút trong dọn dẹp:
Một nguyên tắc khác đang được các blogger về “phát triển bản thân” chia sẻ rất nhiều trong thời gian qua: Đó là nguyên tắc 1 phút trong dọn dẹp.
Nguyên lý của nguyên tắc này là làm ngay những công việc không tốn của bạn không quá 1 phút để hoàn thành. Hãy tưởng tượng, khi đi làm về, bạn có xu hướng để giày dép ngoài cửa, túi và áo khoác cũng vứt tạm trên ghế để có thể dành ngay cho mình một vài phút nghỉ ngơi. Nhưng theo nguyên tắc này, đó không phải là một lựa chọn thông minh.
Mỗi lần bạn trì hoãn làm một việc nhỏ, nhiều việc nhỏ sẽ thành một núi việc khổng lồ. Hãy tưởng tượng tất cả các thành viên trong gia đinh bạn đều có thói quen kể trên mỗi khi đi về, sau một vài phút nghỉ ngơi, bạn hẳn sẽ phải nhăn nhó khi đi dọn dẹp giày dép, túi xách, áo khoác của tất cả mọi người.
Vậy làm tất cả những công việc nhỏ liên quan đến dọn dẹp trong gia đình sẽ giúp bạn vừa tránh được sự tích dồn công việc. Đồng thời, nó cũng giúp bạn diệt trừ thói quen “để lát làm”, hay được biết đến với cái tên quen thuộc hơn “trì hoãn”. Mỗi lần bạn làm ngay công việc nhỏ này, chính là một lần bạn làm khả năng nói không với “lười biếng” và “trì hoãn” tăng lên. Sự luyện tập theo thời gian sẽ ngày càng khiến bạn trở nên mạnh mẽ trước “ma tính lười biếng” này.
Dưới đây là một vài những việc nhỏ không tên bạn có thể dùng để luyện tập khả năng chống lại sự lười biếng của bản thân:
- Dọn giường ngay khi ngủ dậy
- Để quần áo bẩn vào nơi quy định thay vì vứt mỗi nơi một chiếc
- Để đồ dùng về đúng vị trí của nó sau khi sử dụng
- Cất giày dép, túi xách, áo quần, chìa khóa vào đúng nơi quy định ngay sau khi về tới nhà
- Đưa những thứ đồ về đúng vị trí (ví dụ ly đã uống xong cần nằm trong nhà bếp, chìa khóa không nên để ở buồng tắm)
- Dọn dẹp nhanh bàn bếp, lavabo ngay sau khi sử dụng, bằng cách dọn sạch rác, lau khô
- Treo khắm tắm lên ngay khi dùng xong thay vì vứt ngay dưới đất
- Rửa túi đồ ăn trưa, hay phơi đồ bơi ngay khi trở về
- Dọn dẹp nhanh bàn làm việc trước khi bạn rời khỏi đó
- Đổ rác khi lượng rác gần đầy (hãy nhớ gần đầy, chứ không phải đầy, chỉ một ngày sau, bạn sẽ thấy không còn muốn đụng tay vào túi rác khổng lồ đó)
- Trả lời email, tin nhắn ngay khi nhận được nếu điều đó không cần của bạn nhiều thời gian để suy nghĩ, trình bày
- Dọn dẹp bất cứ nơi nào bạn ngồi chơi, ăn uống trước khi rời khỏi
Hãy nhớ, các nguyên tắc chỉ phát huy tác dụng khi bạn vận dụng chúng. Sự thực hành không đơn thuần là làm vài ngày rồi thôi. Hãy vừa vận dụng các nguyên tắc, vừa nhìn nhận những khó khăn cũng như những thay đổi của bản thân bạn. Bạn có thể ghi lại nhật ký những ngày áp dụng. Quá trình vận dụng một điều mới luôn khó khăn nhưng đáng giá bởi nó giúp bạn hiểu chính mình.
Hy vọng rằng hai nguyên tắc 1 phút này sẽ giúp bạn nhanh chóng thoát được sự trì trệ, trễ nải, hoặc ít nhất tạo cho bạn thêm cảm hứng để tiếp tục tìm cách loại bỏ thói quen xấu xí này ra khỏi cuộc sống.
Hy Văn