Cô gái 9x quê Đắk Lắk quyết định bỏ lại công việc với mức lương ổn định, lên Tây Bắc để có cơ hội trải nghiệm văn hóa vùng cao.

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

Mùa nào ăn thức nấy, sống thuận theo tự nhiên, hàng ngày tự trồng rau, lên nương rẫy, áo quần tự may, hạn chế tiêu dùng, an yên tận hưởng cuộc sống. Đó là cuộc sống mà mọi người thấy thông qua các video trên kênh Youtube “Bếp trên đỉnh đồi” của cô gái trẻ Phạm Thị Thanh Loan (biệt danh là Tâm An) sinh năm 1991 quê Đắk Lắk. 

Lên núi hòa mình cùng thiên nhiên 

Chia sẻ với PV Vietnamnet, 9x tâm sự, trước đây, cô luôn nghĩ hạnh phúc là phải có một công việc ổn định, lương cao, sống ở các thành phố lớn.

Thế nhưng khi đã đạt được điều này (Tâm An làm thiết kế với mức lương ổn định ở Hà Nội) cô lại cảm thấy mệt mỏi. Ngày ngày đi làm 8 tiếng, luôn chạy đua với deadline, ngày nào cũng lo sợ liệu bản thiết kế của mình có khiến sếp và khách hàng hài lòng không, không có thời gian dành cho bản thân… Trong lòng cô gái cảm thấy chới với, không tìm được ý nghĩa của cuộc sống. 

Lặp lại vài năm như vậy, cô gái trẻ chán ngán và muốn trở về quê nhà ở Đắk Lắk để được gần hơn với bố mẹ và khởi đầu một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên. Đúng lúc này, Tâm An bất ngờ nhận được lời đề nghị của một người chị, mời lên làm đầu bếp cho một homestay ở Sa Pa, Lào Cai.

Không mất nhiều thời gian suy nghĩ, cô gái 9x nhận lời ngay, không chỉ có vậy, cô cũng nhận được sự ủng của cha cô, vốn là người rất yêu mảnh đất Tây Bắc này. 

Cuộc sống nương nhờ vào thiên nhiên 

Tâm An đặt chân đến làm quản gia cho căn homestay ở một bản nhỏ của người H’Mông ở Ý Linh Hồ, xã Lao Chải, huyện Sa Pa.

Từ đó, một cuộc sống hòa mình với thiên nhiên bắt đầu mở ra. Sống trên núi nên Tâm An rất ít khi cần đến tiền. Cô tự trồng vườn rau nhỏ xinh ngay cạnh homestay với đủ loại từ: cà chua, rau muống, cải, dưa chuột… Cô cũng học cách nhuộm quần áo, tự làm tương đậu, nuôi giấm và chế nước rửa bát, dung dịch xịt muỗi bằng các loại cây, củ quả thiên nhiên trong rừng. Cuộc sống của cô khiến nhiều người liên tưởng đến nàng thơ Lý Tử Thất (Vlogger nổi tiếng về ẩm thực và cuộc sống thôn quê ở Trung Quốc). 

Tâm An cho biết nếu trong nhà có gạo, dầu ăn và muối thì rất ít khi cô phải đi chợ. Theo Tâm An, cuộc sống của cô cũng như các gia đình xung quanh “nương nhờ hoàn toàn vào thiên nhiên”: Các loại rau thì ra vườn, ra rừng hoặc bờ ruộng bậc thang hái, đôi khi hàng xóm mang lên cho gùi đậu, gùi ngô, trái bí. 

Mùa quả chín, cô vào rừng thu hoạch chanh vàng, đào, mận, bồ quân… rồi về làm bánh, mứt hay các loại nước ép hoa quả cho lũ trẻ trong bản.  

Khi nấu nướng, Tâm An không lệ thuộc vào gia vị công nghiệp mà tạo một bản hòa tấu hương vị từ muối, nước mắm chay ủ từ dứa và đậu nành lên men, tương tamari. Để tạo ngọt, cô hiếm khi dùng đường mà kỳ công ninh nước dùng từ củ đậu, củ cải, cà rốt…, theo Cafe F

Những clip mỹ thực truyền cảm hứng

Trước khi lên Sapa, Tâm An được người bạn tặng cho chiếc máy ảnh cũ để chụp phong cảnh, chụp bọn trẻ con lúc rảnh rỗi. Trong một lần mày mò, cô mới biết hóa ra máy có chức năng quay phim. 

Thế là sau khi hỏi những người bạn có kinh nghiệm, Tâm An tự học quay dựng, chọn những góc quay tốt nhất, tận dụng kinh nghiệm 4 năm làm designer để làm ra những clip mỹ thực với nội dung gần gũi, truyền cảm hứng sống hòa mình vào thiên nhiên. 

videoinfo__video3.dkn.tv||56699bcd7__

Chia sẻ với PV Cafe F, Tâm An cho biết: “Em làm clip không đi kèm kỳ vọng hay mục đích tạo dựng hình tượng nào. Nó chỉ đơn giản bắt nguồn từ việc lưu lại thanh xuân của em trong những tháng ngày sống ở Tây Bắc, bên cạnh công việc tại homestay.

Em yêu nơi đây vô cùng và muốn khoe với mọi người về văn hóa, phong cảnh, những đứa trẻ ngây thơ hàng xóm, kể câu chuyện về cuộc sống dựa vào thiên nhiên, để sau này nhìn lại, em có thể mỉm cười vì những tháng ngày tuyệt vời như thế”.

Không có hạnh phúc nào không phải trả giá! 

Mặc dù những hình ảnh xuất hiện trong video khiến người ta liên tưởng một cuộc sống bình dị, nhàn nhã, an yên tuy nhiên Tâm An sẽ cười phá lên nếu có ai đó cho rằng cô đang sống cuộc sống hoàn hảo.

Tâm An chia sẻ mới đầu, cô đã phải rất khó khăn mới thích ứng được với cuộc sống núi rừng đầy khắc nghiệt nơi đây. 

Nơi cô ở là một bản nhỏ, cách xa trung tâm, đường vào rất khó khăn. Mưa thì lầy lội, trời lạnh thì sương mù giăng trắng xóa. Có những sáng tỉnh giấc, côn trùng bâu kín đầy cửa sổ, trước sân, phân trâu, bò phủ kín, rồi vắt, rồi sương muối, đường lầy lội trơn trượt, chưa kể đôi khi là nhớ thành phố tiện nghi, nhớ công việc cũ… 

Hồi mới lên Sapa là vào tháng 11. Trời Tây Bắc mưa lạnh căm căm, sương dày bao phủ khắp nơi. Tâm An phải cực nhọc ôm những thanh củi từ dưới dốc lên nhà để dùng sưởi trong mùa đông. Vừa làm vừa thấy tủi thân, cô nghĩ “Sao (mình) lại bỏ công việc văn phòng nhàn hạ ở Hà Nội để lên núi đồi sống làm gì không biết”. 

Đang lúc buồn chán, thì lũ trẻ nhỏ vẫn học đàn ở nhà Tâm An xuất hiện. Trong cái lạnh cắt da cắt thịt trên đỉnh đồi, bọn trẻ đang ôm những thanh củi từ dưới dốc đi lên, mang vào nhà cho cô. Có cả mấy đứa bé loắt choắt 3, 4 tuổi, tóc tai ướt đẫm nước mưa, ôm củi đi lên trong màn sương tối. Nhìn thấy cảnh tượng này, Tâm An xúc động không bước nổi mà ngồi sụp xuống khóc. Trong giây phút đó, cô quyết định sẽ ở lại nơi này. 

Tình người nơi xứ bản 

“Bà con ở đây sống tình cảm lắm, có gì ngon, thu hoạch được rau quả gì đều để phần cho mình. Nhiều khi đến bữa ăn, mấy mế, mấy anh, chị lại gọi mời mình xuống ăn cùng. Bữa cơm chẳng phải là cao lương mĩ vị gì, đôi khi chỉ là bát khoai môn luộc giã với muối ớt, bát nộm hoa chuối hay đĩa mướp xào nhừ…

Ảnh: Vietnamnet.

Cả gia đình ngồi quây quần bếp lửa, vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ. Hay có mế sáng nào đi chợ cũng ghé qua, phần mình 2 chiếc bánh nếp… Những điều bình dị nhưng đủ khiến bản thân cảm thấy ấm áp và hạnh phúc vô cùng”, Tâm An kể.

Hiện tại, ngoài công việc ở homestay, Tâm An dành hầu hết thời gian để dạy lũ trẻ trong bản học chữ, chơi đàn, ca hát… Vào những ngày nghỉ, cuối tuần, cô cũng tự tay vào bếp làm bánh, đồ chơi handmade cho tụi nhỏ.

(Ảnh: Vietnamnet)

Bộc bạch với PV Kênh 14, Tâm An cho biết:

Tình cảm của mọi người là điều khiến chị cảm thấy yêu nơi này nhất. Có thể là núi rừng tươi đẹp, là thiên nhiên hùng vĩ cũng khiến chị thích thú, nhưng quan trọng nhất vẫn là tình cảm của bà con làng xóm và của tụi nhỏ.

Trong căn bếp trên đỉnh đồi, Tâm An ngồi ôm guitar hát giữa một đàn trẻ con. Đứa khẽ ngân nga theo, đứa vừa hát vừa lật trở mấy củ khoai, bắp ngô nướng trên bếp hồng. Không biết cuộc sống này sẽ kéo dài bao lâu nhưng chắc chắn nó sẽ trở thành kỷ niệm tươi đẹp không thể quên trong quãng thanh xuân của cô. 

Video xem thêm: Những người đẹp lên tiếng về hai người bạn ‘ngưu tầm ngưu’ từng lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên

videoinfo__video3.dkn.tv||4ea9e27a9__