Tình phụ tử đã giúp người đàn ông Trung Quốc tìm lại đứa con gái 3 tuổi bị bắt cóc ròng rã suốt 24 năm. Cuối cùng ông trời không phụ lòng người, 2 cha con gặp nhau trong niềm hạnh phúc của những giọt nước mắt.
Năm 1994 khi cùng vợ bán trái cây ở Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc, ông Wang Mingquing trong lúc đang mải mê bán hàng cho khách thì con gái 3 tuổi biến mất. Ông cùng gia đình vô cùng lo lắng và đã làm mọi cách để tìm con. Ông báo cảnh sát, hỏi thăm khắp nơi trên phố, tìm kiếm trong các trung tâm nuôi dạy trẻ cũng như bệnh viện của thành phố nhưng đều không có kết quả gì.
Vào năm 2015 ông Wang quyết định làm nghề lái xe taxi để có thể chủ động tìm kiếm con hơn. Mỗi khi chở khách hàng, ông lại kể câu chuyện của mình và đưa tấm card với thông tin về con gái đã mất tích để nhờ họ chia sẻ trên Wechat.
Một năm sau, hành trình tìm con của ông Wang được báo chí Trung Quốc đưa tin. Nhiều cô gái trẻ có tầm tuổi bằng con ông đã liên hệ với hy vọng rằng họ là cha con, nhưng tiếc thay các kết quả xét nghiệm ADN đều trả về kết quả không trùng khớp. Tính đến thời điểm đó, ông đã phân phát được 5.000 tấm card cho các khách hàng đi taxi của mình.
Cuối cùng, một nhân viên cảnh sát đã cảm động trước câu chuyện của ông Wang và giúp ông phác họa bức hình đứa con gái thất lạc theo hình dung của ông ở thời điểm cô gái trưởng thành. Sau đó, cùng sự giúp đỡ của cộng đồng mạng xã hội, một người phục nữ 27 tuổi sống cách Thành Đô 3.000 km đã tình cờ nhìn thấy bức vẽ và nhận ra nó khá là giống mình.
Cô Kang liên lạc với ông Wang và tiến hành thử ADN, vào ngày 3/4 vừa qua, kết quả cho thấy cô chính là con gái của ông Wang. Cô quyết định lên kế hoạch bay về Thành Đô để gặp lại cha mẹ. Khi hay tin này ông Wang đã òa khóc. Ông từng nói rằng ước mong lớn nhất đời mình là một ngày con gái ông sẽ ngồi trong xe của mình và hét lên “Bố ơi”. Khi phóng viên hỏi ông sẽ nói điều gì với con gái, ông thở dài: “Bố xin lỗi, bố đã không làm tròn trách nhiệm của một người cha”
Trong suốt thời gian thất lạc gia đình, cô Kang kể rằng cô được một gia đình nhận nuôi khi họ nhìn thấy cô bên đường ở Thành Đô. Cô lớn lên ở một thị trấn ở Tứ Xuyên, hơn thế nữa cô Kang và cha từng chỉ sống cách nhau 20km
Gặp lại cha mẹ mình hôm 3-4 vừa qua tại Thành Đô, Kang thốt lên: “Bố, mẹ, con về nhà rồi!”.
Thực trạng bắt cóc người tại Trung Quốc
Câu chuyện của gia đình họ Kang dù đau thương nhưng còn may mắn hơn biết bao nhiêu số phận khác trong xã hội Trung Quốc. Nhiều tổ chức tư nhân ước tính rằng ở Trung Quốc xảy ra từ 70.000 đến 200.000 vụ bắt cóc trẻ em hàng năm, tuy nhiên chính quyền chỉ thừa nhận có 3000 trẻ em và phụ nữ bị bắt cóc.
Những đứa trẻ may mắn thì sẽ được bán cho một gia đình hiếm muộn, còn đa số sẽ được bán cho những băng đảng tội phạm. Bé gái bị bán vào nhà thổ, bé trai bị bán cho các khu mỏ, một số trường hợp còn bị làm cho tàn phế để đi ăn xin, thậm chí bị giết để lấy nội tạng.
Trong những năm gần đây, hoạt động bắt cóc trẻ em tại Trung Quốc đã được nhiều tờ báo miêu tả với từ “Thảm họa” khi mà ngày càng có nhiều gia đình rơi vào cảnh mất con. Những tên tội phạm táng tận lương tâm thường tập trung vào các mục tiêu là những gia đình sống ở nông thôn hoặc ven đô, vì nhóm người này là những người yếu thế trong xã hội Trung Quốc. Cha mẹ thường bận bịu làm ăn mà không đủ thời gian chăm lo cho con cái, đồng thời khi xảy ra chuyện, chính quyền địa phương cũng sẽ không vào cuộc sát sao, thậm chí là tiếp tay cho bọn tội phạm.
Nhiều nhà nghiên cứu xã hội học cho rằng, thảm họa này bắt nguồn từ chính sách một con của Trung Quốc vào những năm 80 của thế kỷ trước, và hệ lụy của nó không chỉ ảnh hưởng đến nội bộ xã hội Trung Quốc mà còn ảnh hưởng lan tới cả Việt Nam và khu vực lân cận. Mặc dù các đường dây mua bán trẻ em và phụ nữ qua biên giới ở nước ta gần đây liên tục được phát hiện tuy nhiên dường như các vụ án bắt cóc không có dấu hiệu giảm đi.
Bắt cóc trẻ em, buôn bán người, mổ cướp nội tạng và các hành động vi phạm nhân quyền khác hiện đang là những vấn đề mà xã hội Trung Quốc phải đối mặt, thế nhưng Chính phủ Trung Quốc rất dè dặt tiết lộ các số liệu và chứng cứ ra cộng đồng thế giới. Vì vậy những nỗ lực cụ thể của họ để cải thiện vấn đề vẫn đang còn là điều gây tranh cãi. Do đó chúng ta khó mà biết được hiện trạng của nó tồi tệ đến mức nào.
Anh Lân