Sau sự sụp đổ của kỷ Băng hà, mực nước biển lại tiếp tục dâng lên, ba con sông dưới chân dãy Alpen, Brenta, Sile và Piave, tự tìm đường chảy cho mình. Một điều kỳ diệu đã được thiên nhiên tạo ra, một dải đất gần với mép biển dần dần hình thành. Sau hàng nghìn năm dải đất này được ba con sông cung cấp hầu hết các khoáng sản cần thiết tạo nên điều kiện tuyệt vời cho dải đất nhỏ bé này. Dải đất ấy giờ đây đã trở thành viên ngọc quý của nước Ý – Venice.
Venice là một thành phố tuyệt đẹp, một thành phố đứng trên hàng triệu cọc gỗ được đóng xuống bùn từ nhiều thế kỷ trước đây. Cái tên Venice (hay Venezia theo tiếng địa phương) bắt nguồn từ người Veneti cổ sống vào khoảng thế kỷ 10 TCN. Theo tiếng Latin, Venice có nghĩa là tình yêu. Vì vậy, nó được mệnh danh là “Thành Phố Tình Yêu”. Mỗi toà nhà, mỗi dinh thự, mỗi góc phố đều nói lên lịch sử lâu dài và phong phú của thành phố này.
Venice được xây dựng trên 117 đảo nhỏ, 177 kênh rạch, 455 cây cầu và 123 nhà thờ chia thành 6 khu di tích: San Marco, Dorsoduro, San Polo, Santa Croce, Cannaregio và Castello. Cuộc sống nơi đây vận hành nhịp nhàng quanh 6 khu di tích này. Venice nhộn nhịp quanh năm, đặc biệt là mùa xuân, tháng 9 và tháng 10.
Thánh đường St. Mark (Basilica di San Marco)
Vương cung thánh đường St. Mark là trái tim rực rỡ của thành phố Venice, nó được xây dựng vào năm 828 để chứa di vật của thánh Mark được các thương gia mang về từ Ai Cập. Kể từ đó thành phố đã đạt được uy tín lớn và trở nên giàu có nhờ dòng người hành hương. Toà nhà ngày nay có niên đại vào thế kỷ XI, nó được lấy cảm hứng từ phong cách Bizantine thể hiện trong các mái vòm và hình chữ thập Bizantine.
Bên trong thánh đường có trên 4.000m2 tranh khảm kể câu chuyện về lịch sử Kito giáo. Có 500 cột đá hoa ở cả hai mặt trong và ngoài nhà thờ. Trần nhà thờ được trải các bức họa mosaic khảm mạ vàng nên nhà thờ còn được gọi là “Nhà thờ Vàng”. Có bức tuổi đời lâu nhất là từ thế kỷ XII. Đa số làm từ thế kỷ XIII. Có một vài bức muộn hơn từ thế kỷ XVI đến XVIII.
Mặt chính nhà thờ có 5 cổng, trong đó 3 cổng có thể đi vào tiền sảnh. Cổng chính được trang trí bằng đầu sư tử. Trước cửa sổ tầng trên là 4 con ngựa đúc bằng đồng, mạ vàng. Những con ngựa này được chế tác từ thế kỷ thứ 4 do kiến trúc sư Enrico Dandolo thực hiện và được mang về từ Constantinoplis trong cuộc Thập tự chinh thứ 4. Bộ tứ mã này được trưng bày ở cửa Khải hoàn môn của hoàng đế Nero tại Rôma. Đến đời vua Constantine, vua cho mang về Consatantinople rồi đưa qua Venezia. Hoàng đế Napoleon cũng đã chiếm mang về Paris sau đó phải trả về Venice năm 1815.
Hiện nay, nhà thờ thánh Mark là nơi thăm quan du lịch rất hút khách không phải vì miễn phí mà bạn sẽ được chiêm ngưỡng rất nhiều tuyệt tác kiến trúc, hội họa từ cổ xưa.
Kênh đào Grand Canal và thuyền Gondola
Kênh đào Grand dài 4 cây số, là huyết mạch chính của Venice. Kênh đào này chia thành phố thành hai phần, dọc theo hai bờ của nó là gần 170 toà nhà trong đó có một số cung điện lộng lẫy và cách tốt nhất để nhìn thấy chúng là từ trên thuyền Traghetto. Những con thuyền này liên kết tất cả các khu vực của thành phố và các đảo khác nhau. Chúng có giá vé khá rẻ và là một phương tiện không thể thiếu trong một thành phố không có xe hơi. Những con thuyền traghetto liên tục đi qua dưới cây cầu Rialto nổi tiếng, một công trình độc đáo với ba con hẻm gồm các cửa hàng nhỏ.
Nhưng để quan sát rõ hơn bạn có thể lựa chọn phương tiện giao thông truyền thống loại thuyền nhỏ gondola với hình dạng nguyên bản của nó với mũi thuyền cong và lớp phủ sơn mài màu đen. Chiếc thuyền gondola được xem là biểu tượng của Venice. Thiết kế của thuyền gondola được quy định trong sắc lệnh 1562 cấm trang hoàng quá mức. Mái chèo dựa trên một khớp xoay làm bằng gỗ thích hợp với dáng vóc của người chèo thuyền. Trong nhiều thế kỷ công việc của người chèo thuyền vốn được truyền từ cha sang con trai nhưng ngày nay họ được được tuyển dụng cạnh tranh. Hiện nay nơi đây có khoảng 400 người chèo thuyền và họ có riêng một hiệp hội theo dõi nghiêm ngặt.
Nằm dọc hai bên kênh đào còn có các khu chợ truyền thống lâu đời, trong đó phải kể đến Pescaria và Erberie có truyền thống từ thế kỷ 16 và vẫn còn tồn tại cho đến hôm nay. Chợ cá nổi tiếng Pescaria họp ở đây vào mỗi buổi sáng trong cả ngàn năm qua, là nơi bạn có thể tìm thấy đủ loại hải sản như bạch tuộc, cá kiếm, cá chình, rùa biển và cua. Trong khi đó, chợ rau Erberie lại là nơi bạn có thể mua tất cả các loại trái cây và rau củ, một số trong đó được trồng trên các đảo ở đây.
Tranh khảm bằng tay
Tranh khảm bằng tay có thể xem là đặc sản của Venice. Nghệ thuật khảm dựa trên một hỗn hợp thuỷ tinh hoặc đá cẩm thạch nghiền nhỏ và các sắc tố nhiều màu. Hỗn hợp nhão được nung ở nhiệt độ rất chính xác, các chủ lò nhào thứ bột này trong nhiều giờ, điều chỉnh nó theo cách riêng của mình. Khi đã nguội và cứng chắc, các tấm được chuyển cho các chuyên gia để biến đổi chúng thành gạch. Những viên gạch với đủ các loại màu sắc trông rất đẹp mắt.
Tình yêu của người Venice đối với tranh khảm có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi trong thành thị của các công tước. Các bức tranh khảm đa dạng và phong phú như đưa du khách quay trở về những tháng năm đằng đằng, những thăng trầm của lịch sử.
Nghệ thuật thổi thuỷ tinh
Nếu đi về phía Bắc Venice một quãng bạn sẽ đến với hòn đảo Murano, hòn đảo cách Venice chỉ nửa tiếng đi phà. Nơi này trước là một nhà tù nhưng trong thế kỷ thứ 13, Thượng viện đã ra sắc lệnh cho tất cả các thợ làm thuỷ tinh của Venice chuyển đến đây. Điều này giúp loại bỏ các nguy cơ cháy từ các lò nung và cũng giúp họ dễ giữ kín bí mật về công nghệ thổi thủy tinh, đồng thời vận hành một ngành công nghiệp sản xuất thuỷ tinh ngày càng trở nên nổi tiếng.
Các cửa hàng, các triển lãm cùng các bễ thổi thủy tinh nằm dọc con kênh có hình chữ Y. Bên hai bờ kênh là những ngôi nhà mang kiến trúc Phục hưng chứa trong đó vô vàn những bộ sưu tập đồ thủy tinh tuyệt đẹp. Hòn đảo này tập trung hơn 30 nghìn thợ thủ công và có những nhà máy sản xuất thuỷ tinh lớn nhất trên thế giới. Các thợ thổi thuỷ tinh là các bậc thầy về các khía cạnh nghệ thuật, trong thế kỷ 15 họ bắt đầu kết hợp các màu sắc chiết xuất từ tảo biển. Các sản phẩm thuỷ tinh được xem như các kiệt tác nghệ thuật bởi sự tinh xảo từ thiết kế cho đến màu sắc và tất nhiên là chúng vô cùng đắt. Bạn có thể đến thăm Bảo tàng Museo del Vetro trong Palazzo Giustinian để chiêm ngưỡng các sản phẩm thủy tinh qua nhiều thế hệ và thời kỳ lịch sử.
Lễ hội hoá trang Venice
Lễ hội hoá trang đã khiến Venice nổi tiếng toàn thế giới với trang phục truyền thống và đặc biệt là những chiếc mặt nạ. Lễ hội hóa trang Venice lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1296. Dưới thời vua Francis II của đế quốc La Mã, lễ hội hoạt động bị cấm và được khôi phục lại vào năm 1980, từ đó được tổ chức đều đặn hàng năm. Mỗi năm lễ hội mang một chủ đề khác nhau nhưng đều nhằm tôn vinh văn hóa và tạo nên những ngày hội vui vẻ cho người dân đầu năm mới. Người tham gia lễ hội có thể ẩn danh và che giấu thân phận thực sự của mình.
Mặt nạ hóa trang thường được làm bằng da hoặc bằng giấy bồi theo kỹ thuật truyền thống. Ngày nay, mặt nạ còn được làm từ thạch cao, vàng lá và luôn được vẽ tay, thêm các chi tiết trang trí bằng lông chim, đá quý. Lavra là loại mặt nạ phổ biến và đặc trưng nhất của Venice, làm bằng sáp và thạch cao trắng, họa tiết đơn giản, nhưng có các chi tiết trang trí trên mũ cầu kỳ.
Lễ hội hóa trang Venice được tổ chức vào khoảng trung tuần tháng 2 hàng năm. Đây là một dịp để mọi người vui chơi, hòa nhạc, khiêu vũ và cũng là dịp để ôn lại Venice.
Venice không chỉ đẹp vì lịch sử, vì kiến trúc mà còn bởi khung cảnh quyến rũ, lãng mạn. Bạn có thể thả hồn và đắm chìm vào tiếng hát du dương, trầm bổng của những chàng trai chèo thuyền đậm chất lãng tử người Italia. “Vencie” cái tên nghe như một lời thì thầm nhẹ nhàng khi bạn rời xa “hãy quay trở lại”.
Tâm Liên