Đại Kỷ Nguyên

Hãy dìu dắt con vượt qua cú sốc thi trượt

Những ngày qua, báo đài liên tiếp đưa thông tin về cảnh phụ huynh chạy đôn đáo tìm chỗ học con, các trường cấp 3 liên tục tăng điểm chuẩn như… sàn chứng khoán. Tới đây là kết quả kỳ thi đại học, chắc hẳn sẽ có học sinh không đạt được nguyện vọng. Cha mẹ khóc lóc, con cái căng thẳng, từ bao giờ thi trượt trở thành “thảm kịch” của cả gia đình?

Chỉ riêng 2 thành phố lớn đã có 38.000 thí sinh ở Hà Nội, 20.000 thí sinh Tp. HCM thi trượt lớp 10…

Trượt trường công cập, lỗi không hoàn toàn ở các em

Một trong những lý do khiến lượng thí sinh năm nay tăng đột biến là vì các phụ huynh chọn năm “dê vàng”, “rồng vàng” để sinh, nên tỷ lệ các em sinh năm 2003, 2000 tăng đột biến. Từ đó, áp lực học hành, đấu chọi cũng vì thế mà vất vả hơn.

Với thống kê về dân số hàng năm, đáng lẽ các bộ ban ngành về giáo dục phải dự đoán được trước tình hình này, thế mà 15, 18 năm sau khi chào đời, các em vẫn phải “chết dở” vì không biết sẽ học tiếp ở đâu.

Tốc độ rút, nộp hồ sơ thậm chí cũng là yếu tố quyết định các em đỗ hay trượt. Không nhanh chân đăng ký, rất nhiều em điểm cao vẫn không có trường học bằng các bạn điểm thấp.

Đánh giá công tâm, trong câu chuyện thi trượt, các em cũng chính là “nạn nhân” của cha mẹ, của nền giáo dục nước nhà.

Thi trượt không phải ngày tận thế

Cha mẹ nào cũng muốn con cái khỏe mạnh, học hành tử tế, giỏi giang. Nhưng, kỳ vọng quá lớn sẽ khiến phụ huynh hụt hẫng khi biết kết quả học tập của các con không như mình muốn. Mệt mỏi chạy khắp nơi rải hồ sơ, than thở, chì chiết về kết quả của con, thậm chí so bì kết quả với “con nhà người ta”… Dù vô tình hay cố ý, chính cha mẹ đã biến không khí gia đình trở bên nặng nề, căng thẳng.

Trên các trang mạng xã hội, nhiều diễn đàn thi trượt mở ra liên tiếp, các em thi nhau chia sẻ “tâm trạng tuyệt vọng”, “bi thảm nặng nề” vì bố mẹ “quá kỳ vọng”, “mắng mỏ”, “gây áp lực”, “so sánh con nhà người ta”… không được người thân thấu hiểu khiến các em tuyệt vọng gấp nhiều lần nỗi buồn thi trượt.

(Ảnh: Lao Động)

Ở động tuổi bồng bột, không kiểm soát được hành vi, các em có thể đi đến những lựa chọn tiêu cực như bỏ nhà ra đi, lao vào các tệ nạn xã hội… Một số khác, vì áp lực học tập dẫn đến trầm cảm, nhiều em còn tìm tới cái chết để giải thoát bởi suy nghĩ mình mắc tội lớn, là nguyên nhân khiến gia đình khổ sở.

Chỉ khi những câu chuyện đau lòng xảy ra, các bậc phụ huynh mới hiểu con phát triển khoẻ mạnh, hạnh phúc quan trọng hơn việc đỗ đạt cao.

Hành trình chỉ mới bắt đầu

Nhiều phụ huynh nghĩ, trượt đại học thì còn có thể đi làm, nhưng trượt cấp 3, con còn quá bé, không biết phải làm gì. Thế nhưng, nhìn thẳng vào thực tế, bao nhiêu người sẽ sử dụng các kiến thức cấp 3 khi trưởng thành? Bắt các em nhồi nhét thêm đủ kiến thức về đạo hàm tích phân, vô cơ, hữu cơ… có thực sự cần thiết?

Thực trạng sinh viên đại học vẫn không biết mình thích gì, cầm bằng đỏ ra trường thất nghiệp, làm trái ngành… Vậy từ 16 tuổi, thay vì ép mình học nhiều kiến thức sau này không sử dụng trong thực tế, nhìn theo hướng tích cực, các em “lãi” 3 năm để đi tìm đam mê so với bạn bè đồng trang lứa.

Trong lễ tốt nghiệp tại Đại học Harvard (Mỹ) sau 12 năm bỏ học, Mark Zuckerberg, người sáng lập ra Facebook – mạng xã hội lớn nhất thế giới đã nói: “Thành công lớn nhất đến từ quyền được tự do thất bại”.

Hãy đồng hành và định hướng tương lai cho con

Hiện nay, nền giáo dục ở nhiều nước phương Tây đã tránh dùng từ “failure” (thất bại, trượt) mà thay bằng cụm từ “delayed success” (thành công bị trì hoãn) để không làm các bạn trẻ nhụt chí, nản lòng trong việc học. Một chút thay đổi nhỏ trong từ ngữ có thể giúp con em thấy nhẹ lòng và quyết tâm hơn trong những bước đi tiếp theo.

Thay vì la mắng, chì chiết, cha mẹ hãy đồng cảm, chia sẻ, giúp con em đứng lên sau vấp ngã và định hướng con đường sau này.

Học tập là quá trình cả đời chứ không chỉ 12 năm trên ghế nhà trường và 4 năm ở giảng đường đại học.

Với sự da dạng của các loại hình học tập hiện nay, các gia đình hoàn toàn có thể cho con em học tập bằng nhiều cách như du học, bổ túc văn hoá, học nghề, đào tạo từ xa… Đặc biệt, ngoại ngữ và tin học là hai bộ môn quan trọng cần sử dụng nhiều trong tương lai, các em hoàn toàn có thể học tập bằng các khoá ngắn hạn mà không phải thông qua trường lớp chính khoá.

Điều quan trọng nhất là cha mẹ phải giúp con cái tìm ra được sở thích, đam mê và thế mạnh của bản thân để phát triển. Trẻ yêu thích bếp núc, có thể nấu ăn, làm bánh, pha chế… Trẻ thích máy tính có thể học các nghề về điện tử, công nghệ thông tin… Luôn có rất nhiều cách để học nếu như thực sự muốn. Thi trượt không phải là thất bại mà chỉ là rẽ một ngả đường khác, trì hoãn thành công theo một cách khác.

Trong chương trình Hỏi – Đáp trực tuyến tuyển sinh lớp 10 năm học 2017-2018, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã nói “Học nghề hoặc trung cấp rất dễ xin việc, vì thị trường lao động đang cần những nguồn lực như vậy”.

Theo đó, các em học sinh có thể lựa chọn các phương thức tiếp theo như học tiếp bậc THPT ở các trường tư thục; học hệ bổ túc văn hóa ở các trung tâm giáo dục thường xuyên với số môn ít hơn ở trường THPT nhưng bằng tốt nghiệp THPT có giá trị như nhau; học nghề ở các trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp. Nhất là với những điều kiện gia đình khó khăn có thể lựa chọn học nghề để được miễn học phí, hưởng nhiều ưu đãi khác.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, tâm lý của hầu hết phụ huynh đều muốn con có chỗ học ở các trường công lập, chỉ khi không còn cách nào khác mới phải vào trường tư hoặc trường nghề. Điều này kéo theo cuộc cạnh tranh vào lớp 10 công lập hằng năm chưa bao giờ hết căng thẳng.

Night-fly

Exit mobile version