Mùa hè đến là một mùa Hà Nội náo nức đón những người bạn lâu niên của nàng tiên tháng 6: Những chú ve và những quả sấu tròn mập mạp. Thời gian chảy trôi, khiến bao thứ dưới mặt đất đổi thay. Nhưng hình như hoa sấu, quả sấu và những thức người Hà Nội nhận được từ loại quả này vẫn vậy, đượm một vị chua thanh.
Không hiểu sao khi nhắc đến sấu, tôi bất giác lại mỉm cười. Hiếm có một loại quả nào gợi nên trong tâm hồn tôi và có lẽ nhiều người khác nữa một hình ảnh dễ thương như thế. Quả sấu nhỏ xíu tròn và mập mạp. Hình ảnh những trái sấu tròn trịa, căng bóng một màu xanh lại khiến tôi liên tưởng đến đôi má hây hây, đôi mắt xoe tròn của một cô bé, cậu bé ở cái tuổi mới chập chững biết đi và luôn chăm chú nhìn thế giới.
Với những ai sống lâu ở Hà Nội, mùa hè thực sự đến trong tâm trí có lẽ là khi người ta gặp trái sấu đầu tiên của mùa. Sấu non đắt lắm, một cân sấu đầu mùa bây giờ giá còn ngang một cân những thứ quả sang trọng. Nhưng nhiều người vẫn bấm bụng mua. Mua không chỉ để được thưởng thức cái chua dịu của sấu đầu mùa. Mà nhiều người còn mua để gửi “Hà Nội” theo những chuyến tàu vào miền Nam xa xôi, nơi không có trái sấu nhưng lại có những tâm hồn đã chót yêu vị dịu nhẹ của “thứ trái Hà Thành”.
Nói đến vị chua của sấu, ít ai có tài gợi vị như nhà văn Băng Sơn. Một bài văn ngắn viết về “bát canh sấu” mùa hè của ông đã đủ để gói trọn trong đó cái nền nã của thức quả mọc giữa Kinh đô này:
“Hà Nội ăn rau muống quanh năm, nhưng có lẽ chỉ có mùa này, quả sấu đầu mùa mới làm món nước rau luộc ngon đến thế, không kẻ sợi rau xanh rờn còn được chấm vào bát nước chấm dầm sấu, có cùi sấu màu vàng nhạt pha màu xanh nhạt cùng vị chua không gắt như chanh như giấm”.
Kể cũng lạ, Hà Nội dường như là nơi chốn của những thứ dịu nhẹ tụ họp, rồi cùng nhau tạo nên những nỗi nhớ thương cho lòng người. Giản dị nhưng sấu cũng như nhiều thức quà khác của kinh đô, nó “thuận với tự nhiên”, là thứ quả của mùa nên mới có thể hợp với lòng người đến vậy. Ngày nắng, khi cái oi ả của đất trời như hút cạn chất nước trong cơ thể, còn điều gì có thể làm dịu cái nóng, xoa cái mệt nhanh và ngon lành như bát canh chua nấu cùng trái sấu.
Nhưng canh chua chỉ mới là một món mà sấu tặng cho người Hà Nội. Một thức quà khác khiến nhiều người phải nhớ, phải thương nữa là “sấu đá”. Những quả sấu đúng mùa được trà kỹ, rửa sạch rồi được cẩn thận xếp vào những chiếc lọ cũng đã được về sinh kỹ càng. Một lớp sấu rồi đến một lớp đường cứ thế đan xen. Để chừng một tuần, đường trong lọ sấu tan, các bà, các mẹ lại cặm cụi chắt ra, đun sôi thứ nước đã quyện ít nhiều hương sấu ấy lên cùng chút gừng đập dập. Đun sôi, để ấm rồi đổ lại vào trong lọ. Ngâm sấu nhiều công đoạn như vậy, cốt là để nước sấu không bị đóng váng, mà sau sẽ có một màu vàng trong veo.
Tôi còn nhớ có một người bạn phương xa của mình đã bị món nước sấu đơn giản nhưng công phu này chinh phục như thế nào. Chị người Huế, lại làm việc trong Sài Gòn nên có lẽ đã được thưởng thức nhiều món ngon, lạ của đủ các vùng miền. Lần ấy, chúng tôi ngồi cùng một nhóm bạn ở phố Cầu Gỗ, nơi có một hàng nước sấu mà theo chị là ngon – nhất – Hà Nội.
Bác bán hàng là một người thẳng thắn nhưng nồng hậu, thấy có giọng người miền khác, bác quý, múc cho rất nhiều những quả sấu “nhăn nheo” nhưng hứa hẹn cảm giác giòn rụm, tan cùng vị chua ngọt, tê tê nơi đầu lưỡi. Mắt của chị bạn tôi sáng lên như đứa trẻ. Chị đỡ cốc nước sấu trong tay, rồi nâng niu như một món quà quý, đưa lên mắt nhìn ngắm, trên môi nở nụ cười hạnh phúc. Hóa ra, một món quà giản đơn mà lại có thể khiến người ta trở lại được với niềm vui thuần khiết của ấu thơ như thế.
Cốc sấu đá hôm ấy đậm đà, mát lạnh đã đưa chúng tôi đi hết từ câu chuyện này đến câu chuyện khác, cùng những tiếng cười, những ánh mắt vui mừng khi được gặp nhau sau bao ngày xa cách. Nhưng rồi, khi trái sấu cuối cùng được thưởng thức, trong chiếc cốc cũng chỉ còn lại chút đá sắp tan, ánh mắt của mỗi người lại ánh lên một chút buồn. Chúng tôi sắp lại xa nhau, mỗi đứa lại bay theo một phương trời, theo đuổi những giấc mơ của mình. Sẽ rất lâu nữa mới lại có những buổi tụ họp cùng nhau như thế.
Tôi may mắn được sống ở Hà Nội, nhưng lại không yêu nước sấu ngâm như chị bạn xứ Huế của mình. Nhưng mỗi lần nhớ chị, nhớ cái dịu dàng, nhớ đôi mắt đượm buồn nhưng lúc nào cũng đầy ắp quan tâm, tôi lại nghĩ tới ly sấu đá, nghĩ tới đôi mắt ánh niềm vui và nụ cười trẻ thơ của chị khi ngắm nhìn ly nước chắc chỉ có Hà Nội mới có, tôi lại thầm vui.
Thức quà mộc mạc ấy giờ lại thành thứ nối kết tâm hồn chúng tôi. Bởi tôi tin, dù có bận rộn thế nào, nhưng nếu có may mắn nhìn thấy hay được thưởng thức một ly sấu đá ở đất Sài Thành, chị chắc hẳn sẽ nhớ tới thành phố nhỏ bé này, nơi có những người bạn luôn ở đó, sẵn sàng chở chị đi uống sấu đá bất cứ khi nào.
Hè về, mang theo sấu và kỷ niệm về tình bạn… ngọt dịu mà đậm đà. Dù xa nhưng khó có thể nào quên.
Hải Lam