Đại Kỷ Nguyên

Henry Ford, người viết nên lịch sử nền công nghiệp ôtô Mỹ: Thành công đến từ triết lý kinh doanh sáng suốt

Henry Ford là người sáng lập hãng xe hơi Ford nổi tiếng toàn cầu. Chính ông đã viết nên lịch sử của hãng Ford và cách mạng hóa nền công nghiệp ô tô hiện đại. Từ một người được xem là có tính tình lập dị, gàn dở và chẳng biết gì về ô tô, Henry Ford đã trở thành người đàn ông được người đời ngưỡng mộ và tôn kính.

Sự thay đổi liều lĩnh và những lời chỉ trích khó nghe

Vào ngày 5/1/1914 đẹp trời, nền kinh tế thế giới bỗng kinh ngạc trước hành động của Henry Ford – nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty ôtô Ford. Ông đã tự tăng lương gấp 2 lần cho hàng ngàn công nhân sản xuất lên đến 5 USD/ngày làm việc so với 2,38 USD trước đây, đồng thời thay đổi giờ làm còn 8h/ngày, tức là giảm đi 90 phút mỗi ngày.

Henry Ford đứng cạnh một chiếc Model T tại Buffalo, New York, Mỹ, năm 1921. Vào năm đó, khoảng một triệu chiếc Model T được sản xuất. Người đàn ông đã cách mạng hóa ngành công nghiệp ôtô Mỹ và giúp biến Detroit thành một thành phố mới phát triển sinh ngày 30/7/1863. (Ảnh: Henry Ford Museum)

Ngoài ra, Henry Ford còn hùng hồn tuyên bố: “Tôi sẽ chế tạo một chiếc xe hơi cho đa số người dân” và đưa ra một một triết lý kinh doanh mà các nhà kinh tế thời bấy giờ đều rất khó tiếp thụ (và ngay cả một giám đốc điều hành hiện đại cũng khó lý giải nếu như không có đủ tầm nhìn): 

Các công ty cần phải quan tâm trong việc đảm bảo rằng công nhân của họ có thể mua các sản phẩm do chính họ sản xuất. Nói cách khác, người sử dụng lao động cần đóng một vai trò trong việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Để một doanh nghiệp phát triển bền vững, giảm giờ làm và tăng lương cho nhân viên thậm chí còn là một cách cắt giảm chi phí sản xuất hiệu quả. Nếu ôtô là sản phẩm được sản xuất đại trà chủ yếu dành cho người dân Mỹ nói chung, không phải cho những người giàu có, các công nhân của Ford có thể đủ tiền mua các sản phẩm mà chính họ đã miệt mài lao động cả ngày.

Đám đông tại nhà máy Highland Park của Ford sau khi Ford thông báo trả 5 USD cho một ngày công lao động vào ngày 5/1/1914. Việc này đưa hàng nghìn người tới nơi các khu vực sản xuất của Ford và biến Detroit thành một thành phố mới phát triển. (Ảnh: Ford Motor).

Tuy nhiên, sự thay đổi này của Henry Ford đã nảy sinh nhiều vấn đề khác. Ông bị chính các đồng nghiệp phản đối dữ dội khi trả một mức lương quá ưu đãi so với thị trường. Họ cho rằng hành động này đã và “đặt toàn bộ nền công nghiệp ôtô của Mỹ vào tình thế nguy hiểm”. Thậm chí, thời báo Phố Wall bấy giờ còn mỉa mai rằng: Vì Ford không chú ý đến tuổi thọ dịch vụ đang cung cấp, không tuân theo các quy luật kinh doanh có nêu trong Kinh Thánh nên ông sẽ chẳng thu được gì. Tờ báo này còn cảnh cáo hành động đó có thể dẫn ông xuống địa ngục.

Một quyết định đem về doanh thu khổng lồ

Năm 1910, Model T có giá 780 đô-la; 4 năm sau, nó có giá chưa đến một nửa, 360 đô-la. Doanh thu hằng năm của Ford vượt qua con số 100 triệu đô-la. Nhà máy của Ford hoạt động ngày càng năng suất hơn – họ đã từng mất trung bình 12,5 giờ để làm một chiếc xe, nhưng sau đó giảm thời gian xuống còn 1 phút và cuối cùng là 10 giây.

Điều đó chứng minh Henry Ford đã đúng. Trả lương gấp đôi cho công nhân đã không giết chết Ford như nhiều người cảnh báo, mà còn khiến lợi nhuận của công ty tăng gấp đôi và doanh số bán hàng tiếp tục bùng nổ. Henry Ford từng bộc bạch: “Tăng lương gấp đôi cho nhân viên và giảm giờ làm là một trong những động thái cắt giảm chi phí hiệu quả nhất mà chúng tôi từng làm”.

Sau 20 năm, Ford đã bán được 17 triệu chiếc Model T, chiếm gần một nửa tổng số xe được sản xuất trên thế giới trong thời gian đó. Ngành chế tạo xe hơi đã trở thành điểm tựa cho một nền kinh tế mới. Nó tạo thuận tiện cho việc di chuyển, mở rộng phạm vi của các khu đô thị và mang đến cơ hội cho người dân sống ở vùng ngoại ô có thể vào thành phố đi làm.

Một dây chuyền lắp ráp Ford thời kỳ đầu: thân xe được đưa xuống từ trên cao và chụp vào bộ khung gầm tại nhà máy Highland Park, nơi sản xuất Model T. (Ảnh: Wiki).

Năm 1903, Henry Ford đã chia sẻ “cách sản xuất ô tô” của Ford ra công chúng: “làm chiếc ô tô này giống chiếc ô tô khác; cũng giống như chiếc đinh ghim này giống chiếc đinh ghim khác…”. Như vậy, phát minh ra quy trình sản xuất công nghiệp theo từng công đoạn đã trở thành một trong những đóng góp của Henry Ford cho ngành công nghiệp sản xuất (trước đây thì sản xuất thường theo lối thủ công truyền thống).

“Vì người khác” – Triết lý kinh doanh sáng suốt

Có một sự thật đáng buồn là, các ông chủ thường không đồng ý với đề xuất tăng lương cho nhân viên, ngay cả khi họ có thể. Đa số những người sử dụng lao động đều cho rằng, tăng lương đồng nghĩa với giảm lợi nhuận. Họ cố gắng thuyết phục người lao động rằng công ty chưa làm ra đủ tiền, chưa kiếm đủ lợi nhuận và thường xuyên than nghèo kể khổ. Henry Ford vốn không phải một người cảm tính. Ông luôn lý trí khi đưa ra các quyết định, nhưng ông tin tưởng rằng, việc đối xử tốt với mọi người và bình dân hóa xe hơi là cách duy nhất để tạo ra một bước ngoặt mới cho công ty của ông nói riêng và ngành công nghiệp ô tô nói chung. Thành công của Ford đã chứng minh cho điều đó.

Ông Caterpillar, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Doug Oberhelman là một trong số rất nhiều ông chủ thường xuyên né tránh việc tăng lương. Điều này khiến công ty của ông đã bị giảm lợi nhuận ở mức kỷ lục vào năm 2012. Đầu năm 2013, bị công đoàn hối thúc, Caterpillar phải chấp nhận tăng lương cho công nhân sau 6 năm đóng băng.

Shibusawa Eiichi được gọi là cha đẻ của các công ty Nhật bản, ông đã thề rằng sẽ theo đúng những tiêu chuẩn trong Luận ngữ của Khổng tử trong những hoạt động kinh doanh của mình. (Ảnh: vi.wikipedia.org)

Shibusawa Eiichi được gọi là cha đẻ của các công ty Nhật bản. Ông là người đầu tiên sử dụng những tư tưởng của Nho gia trong quản lý kinh doanh. Trong sự nghiệp của mình, Shibusawa đã thành lập hơn 500 công ty trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm tài chính, sản xuất giấy và dịch vụ vận chuyển trong thời Minh Trị và Đại Chính. Năm 88 tuổi, ông đã viết quyển sách nổi tiếng của mình, “Luận ngữ và Bàn tính” (Analects and the Abacus), trong đó có một phần nói rằng: “Theo đuổi lợi nhuận sẽ sinh ra oán hận lớn”. Người quân tử hành xử bản thân một cách công bằng và chính trực, trong khi kẻ tiểu nhân thường hành động chỉ vì lợi ích cá nhân.

Nếu bạn có 6 quả táo, đừng ăn hết, bởi như vậy bạn chỉ có thể thưởng thức hương vị của một quả táo. Nhưng nếu bạn chia đều 5 quả còn lại cho những người khác, bạn sẽ nhận được sự hữu nghị và thiện chí của 5 người khác nhau, thậm chí sẽ nhận được nhiều hơn trong tương lai. Khi mọi người có những trái cây khác, họ sẽ chia sẻ với bạn. Con người cần phải học cách sử dụng những gì mình có để đổi lấy một thứ khác quan trọng hơn và càng phong phú hơn đối với bản thân. Vì vậy “từ bỏ” cũng là một loại trí tuệ, “chia sẻ” là một đức hạnh.

Hiểu Minh

Exit mobile version