Đại Kỷ Nguyên

‘Hiệp sĩ đường phố’ ra đi: Nghẹn lòng tiếng khóc của mẹ già, con thơ, nỗi đau tử biệt của người vợ sắp cưới

Ra tay nghĩa hiệp bảo vệ tài sản của dân, nhưng hai hiệp sĩ đường phố đã tử nạn bởi sự hung hãn của đám trộm mang sẵn hung khí. Nỗi đau đớn như nhân lên khi hiệp sĩ Nam chỉ vài ngày nữa là làm đám cưới, còn mẹ già, con nhỏ của anh Thôi trở nên bơ vơ. Máu đã đổ và lệ đã rơi, nhưng những đồng đội của các anh cho biết, sẽ không chùn bước mà càng quyết tâm hơn để loại bỏ những tên tội phạm manh động ra khỏi xã hội.

Trong đêm tối, 5 hiệp sĩ tay không vây bắt băng trộm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, (Tp.HCM). Tuy nhiên, đám trộm rất manh động, hung hãn rút dao đâm chém bất cứ ai cản trở. Trong cơn hỗn chiến, hai hiệp sĩ đã tử vong, 3 người còn lại bị trọng thương.

Vụ việc đã gây nên sự rúng động không chỉ ở trên địa bàn. Trên khắp các diễn đàn, báo chí đều tràn ngập những lời chia buồn với gia đình hai hiệp sĩ Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ Gò Vấp) và Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, quê Bình Định), cũng như động viên những người bị thương đang điều trị tại bệnh viện.

Chân dung nhóm “hiệp sĩ” đường phố Sài Gòn. (Nguồn video: Zing)

Khi sự bàng hoàng vẫn còn bảo trùm khắp nơi, thì gia đình hai hiệp sĩ nấc nghẹn bởi nỗi đau mất người thân. Thực ra khi các anh dấn thân vào “sự nghiệp nghĩa hiệp” là đã đối mặt với những gian nguy. Chia sẻ với Zing, những người thân của anh Nam cho biết, đã biết anh tham gia đội săn bắt cướp từ lâu nhưng cũng không ngăn cản bởi đây là việc chính nghĩa. Mỗi tối anh tham gia tuần tra, gia đình cũng đôi lúc lo lắng. Nay tai họa đã ập đến. Do mất quá nhiều máu nên dù được các bác sĩ tích cực cấp cứu nhưng Nam đã không qua khỏi. “Tôi biết công việc của nó nguy hiểm, nhưng con tôi chết thảm quá”, mẹ “hiệp sĩ” Nam nghẹn giọng mà nước mắt tuôn rơi.

Nỗi đau đớn như tăng lên bội phần khi người thân chia sẻ chỉ vài ngày nữa là Nam sẽ cưới vợ. Vậy là không chỉ gia đình Nam chìm u uất mà cả người con gái yêu Nam cũng sẽ phải chịu nỗi đau chia ly tử biệt. Hạnh phúc đã cận kề mà thoáng chốc đã thành tang thương.

Em gái nạn nhân Nam khóc ngất khi hay tin. (Ảnh: Zing)

Cũng có mặt tại khoa cấp cứu bệnh viện 115 ngay trong đêm, người nhà anh Thôi không kìm được những cơn nức nở. “Nhà nó nghèo lắm, hai vợ chồng chia tay nhau lâu rồi. Thằng bé con mới học lớp 4. Giờ tụi tôi đang chia nhau ra báo tin cho cha mẹ và vợ cũ của Thôi”, chị dâu hiệp sĩ Thôi nói.

Anh Thôi mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm. Hằng ngày đối mặt với cơm áo gạo tiền, cuộc sống chẳng phải là dư dả, nhưng ban đêm, hết khách Thôi lại tham gia đội săn bắt cướp.

Gia đình hiệp sĩ Thôi tại khoa cấp cứu bệnh viện chờ được vào gặp con, em mình. (Ảnh: Zing)

“Anh Thôi và Nam vào nhóm cách đây khoảng 3 năm, dù cuộc sống khó khăn, phải vật lộn để kiếm miếng cơm manh áo nhưng cả hai đều rất nhiệt tình tham gia với nhóm để đấu tranh với tội phạp. Không ngờ…”, Tuyết – thành viên trong đội “hiệp sĩ đường phố” Tân Bình không cầm nổi nước mắt.

Tuyết kể lại giây phút “sinh tử”, phát hiện 4 thanh niên chạy xe Exciter áp sát chiếc xe máy SH dựng trước một cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng 8, (quận 3), để bẻ trộm xe, chú Hoàng đâm xe thẳng vào, chúng ngã xuống. Sau đó, các đối tượng dùng dao ba xếp, vũ khí chuyên nghiệp đâm khiến chú Hoàng, anh Thôi, Nam và Quý gục xuống.

Trong 3 hiệp sĩ bị trọng thương, ông Trần Văn Hoàng (50 tuổi, quê Bình Định) – đội trưởng nhóm hiệp sĩ quận Tân Bình, đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115. Ông Hoàng vào Tp.HCM lập nghiệp và có thâm niên hơn 20 năm rong ruổi khắp Sài Gòn hành hiệp trượng nghĩa, tham gia truy bắt hàng trăm kẻ cướp giật, cứu người. Nhiều người dân Sài Gòn gọi ông là “hiệp sĩ đường phố” quả cảm, tốt bụng.

Theo Trí Thức Trẻ, ông Hoàng đã 500 lần bắt cướp giật, cùng tham gia với ông là hàng chục hiệp sĩ và lập không ít chiến công. Buổi tối Sài Gòn nhộn nhịp cũng là lúc nhiều nhóm cướp giật lộng hành. Chỉ cần phát hiện các đối tượng khả nghi, nhóm hiệp sĩ này len lỏi vào giữa dòng người đông đúc, từng ngõ ngách, con hẻm. Chờ các đối tượng ra tay nhóm hiệp sĩ lập tức truy đuổi, vây bắt và tóm gọn.

Trần Văn Hoàng – người đội trưởng, hơn 20 năm bắt cuớp ở Sài Gòn. (Ảnh: Trí Thức Trẻ)

Hoàn cảnh của ông Hoàng cũng khó khăn, mưu sinh với nghề xe ôm, trước đó ông cũng làm đủ nghề từ đạp xích lô, chạy ba gác… Nhìn người đàn ông xăm trổ, vóc dáng bé nhỏ, nước da ngăm đen, người ta nghĩ dân giang hồ nhưng lại là “khắc tinh” của bao tên cướp giật trên đường phố.

‘Hiệp sĩ đường phố
Ông Hoàng tham gia truy sát hàng trăm đối tượng trộm cướp, giúp ích rất nhiều cho lực lượng công an.

Ông Hoàng từng chia sẻ, ông làm việc nghĩa vì cái tâm, không tư lợi cá nhân. Hiện ông vẫn ở nhà thuê, vợ buôn bán vỉa hè nhưng luôn được bà con xóm giềng chân quý vì mấy ai đi “vác tù và hàng tổng” như ông.

Ông Hoàng đã qua cơn nguy kịch nhưng phải nằm viện điều trị vì vết thương khá sâu từ nách xuống sườn. “Bố tôi đã tham gia không biết bao nhiêu vụ bắt trộm, cướp. Không ngờ lần này nhóm trộm lại ra tay manh động như vậy…”, anh Vũ – con trai ông Hoàng nói với Tiền Phong.

Các thành viên trong đội “hiệp sĩ” đau buồn trước cái chết của anh Thôi, Nam và hy vọng các thành viên còn lại sẽ tai qua nạn khỏi. (Ảnh: Trí Thức Trẻ)

Anh Kiên, thành viên đội hiệp sĩ tâm tư: “Khi chọn cái nghề này chúng tôi chả nghĩ gì nhiều. Biết là sẽ có lúc gặp thiệt thòi, bị đánh, đâm thậm chí mất mạng. Nhiều người nói chúng tôi ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng nhưng thấy tài sản của người dân bị trộm, cướp manh động trên đường phố là chúng tôi lại không chịu được. Sau vụ này, chúng tôi càng phải quyết tâm hơn để loại bỏ những tên tội phạm manh động ra khỏi xã hội. Để sự ra đi của những người bạn không là vô nghĩa. Còn sức, chúng tôi sẽ làm đến cùng…”.

Mỹ Duyên

Exit mobile version