Nằm ở vị trí “vàng” của khu phố sầm uất nhất nhì Bangkok, mảnh đất của ngôi trường 70 năm tuổi Wannawit School luôn là niềm ao ước của rất nhiều công ty bất động sản. Tuy nhiên, vị hiệu trưởng 96 tuổi đáng kính của trường luôn kiên định: Ngôi trường này không phải để bán, dù người ta có hỏi bao nhiêu lần và trả bao nhiêu tiền đi nữa.
Điểm nối kết giữa quá khứ và hiện tại
Trường Wannawit School là điểm nối kết duy nhất giữa hiện tại và quá khứ tại vùng đất này. Ngôi trường bằng gỗ được xây dựng từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, vào năm 1946 và được giữ nguyên, không hề thay đổi cho đến ngày hôm nay.
Ngôi trường nhỏ xưa cũ nằm lọt thỏm giữa những tòa nhà chọc trời cùng rất nhiều các nhà hàng, khách sạn và phòng massage mọc lên khắp nơi trong khu phố. Nằm cách đường chính Sukhumvit không xa, ngôi trường nhỏ này rất dễ bị bỏ qua nếu người đi đường không để ý.
Cổng vào của trường trông thật nhỏ bé so với tòa nhà 30 tầng bên cạnh. Nhưng khi hàng rào kim loại mở rộng, chiếc biển để tên trường học dần hiện ra. Nhìn thoáng qua lần đầu tiên, người ta dễ nhầm tưởng đây là nhà riêng. Nhưng một khi đi qua lối vào chính, tòa nhà gỗ hai tầng truyền thống sẽ dần hé lộ. Đây chính là nơi những đứa trẻ sẽ học và chơi trong suốt một ngày dài.
Nằm trong lòng tòa nhà gỗ hình chữ L là một khoảng sân không quá lớn, nó chính là lớp học thể dục của lũ trẻ. Để tận dụng hết không gian, cầu môn cho môn bóng đá và rổ lưới cho môn bóng rổ đều được đặt cùng một chỗ.
Ngôi trường Wannawit School đã gần 70 tuổi, nhưng nó vẫn còn trong tình trạng rất tốt. Các sàn gỗ bóng sạch. Không một lớp học nào có máy điều hòa nhiệt độ, tuy nhiên các cửa sổ và gỗ khiến cả ngôi trường luôn thật thoáng đãng, mát mẻ.
Một trong những nét gợi nhớ quá khứ nữa của trường chính là chiếc chuông báo hiệu kết thúc mỗi tiết học. Ở Thái Lan, hầu hết các trường đều đã chuyển sang dùng chuông điện. Nhưng riêng ngôi trường xưa cũ này vẫn trung thành với chiếc chuông lắc bằng tay. Sau mỗi giờ học, môt cô giáo sẽ tới, lắc chiếc dây thừng để rung chuông.
Văn phòng hiệu trưởng cũng là cửa hàng văn phòng phẩm của trường
Người sở hữu và hiệu trưởng hiện tại của trường là bà Rajawongse Ruchisamara Suksawadi. Ở tuổi 96, bà Ruchisamara vẫn rất năng động, mỗi ngày, bà vẫn đi bộ sang ngôi trường gỗ, từ nhà riêng nằm cách đó không xa. Ánh mắt bà vẫn tinh nhanh và đôi tai vẫn thính.
Bà tiếp nối công việc của mẹ mình, bà Phew Suksawasdi Na Ayudhya. Bà Phew khi ấy nhận thấy rằng, những người trong vùng đều rất nghèo nên họ không thể gửi những đứa trẻ của mình tới trường. Là một học giả và nhà văn, bà Phew đã quyết định mở lớp học đầu tiên cho những đứa trẻ này ngay tại nhà mình. Bà mong muốn rằng ngay cả những đứa trẻ nghèo nhất, vẫn sẽ có cơ hội được nhận một sự giáo dục tốt. Bởi đó chính là cơ hội để các em có thể có một cuộc sống tốt hơn.
Năm 1946, sau khi chồng mất, bà Phew đã mua mảnh đất ở khu phố và xây dựng tòa nhà hai tầng bằng gỗ này. Trường Wannawit School chính thức hoạt động từ đó. Bà Phew đã quản lý trường tới năm 1954, trước khi để con gái út của mình là hiệu trưởng Ruchisamara hiện nay tiếp quản.
Wannawit School đã được bộ giáo dục công nhận, nên trường cũng được coi là một trường công lập. Điểm khác biệt duy nhất với một trường công là sự tồn tại của nó hoàn toàn dựa trên vốn riêng của hiệu trưởng Ruchisamara thay vì tiền của nhà nước.
Bà hiệu trưởng 96 tuổi này rất yêu những đứa trẻ. Để có thể tiếp tục tiếp xúc, giao lưu với những học sinh trong trường của mình khi không còn đứng lớp, bà đã biến phòng là việc của hiệu trưởng thành một cửa hàng văn phòng phẩm thu nhỏ. Bà chính là người bán hàng trong đó. Mỗi lần các cô bé, cậu bé cần mua gì đồ dùng học tập, bà sẽ có cơ hội để hỏi thăm và trò chuyện cùng các em.
“Ngày của con thế nào? Hôm nay con có hạnh phúc không? Lại đây nào”, là những câu bà thường nói với lũ trẻ. Bà còn dành cho chúng những cái ôm, những cái vỗ lưng nhẹ nhàng để động viên và bày tỏ tấm lòng yêu quý của mình.
“Tôi vận hành ngôi trường này như vận hành chính gia đình mình. Tôi coi những đứa trẻ như con, cháu của mình vậy”, đó là điều mà hiệu trưởng Ruchisamara tâm sự .
Trường không phải để bán
Vì sự đô thị hóa nhanh chóng và sự phát triển của các cửa hàng dịch vụ trong khu phố đã khiến mảnh đất của trường Wannawit School trở nên đắt giá. Những nhà phát triển bất động sản nhận định mảnh đất nhỏ này là một mỏ vàng, nhờ vị trí đẹp nhất của nó. Đó cũng là lý do tại sao rất nhiều nhà đầu tư đã đến gặp hiệu trưởng Ruchisamara, ngỏ ý muốn mua lại khu đất của trường. Có nhiều người sẵn sàng trả giá hàng tỉ bạt để có được khu đất này.
“Tôi nói với họ rằng trường học này không phải đề bán”, bà Ruchisamara chia sẻ. Tuy phải vật lộn trong một thời gian khá dài vì vấn đề kinh tế, nhưng với sự kiên định của mình, vị hiệu trưởng đáng kính khẳng định bà vẫn sẽ duy trì hoạt động của trường dù có bất cứ chuyện gì xảy ra.
Trường hiện có 514 học sinh và 37 giáo viên. Học phí luôn được hiệu trưởng Ruchisamara giữ ở mức thấp. Bà muốn tiếp nối tâm nguyện của mẹ mình: Tạo một nơi mà các trẻ em vẫn có thể tiếp cận được với một nền giáo dục tốt dù cha mẹ chúng không có nhiều tiền. Trường thu học phí khoảng 1702 baht (tương đương 1 triệu 200 nghìn VND) đối học sinh tiểu học và 1318 baht (tương đương 930 nghìn VND) đối với học sinh cấp 2. Các học sinh trả thêm 600 baht (tương đương 420 nghìn VND) mỗi học kì cho môn tin học.
Để kiếm thêm một chút thu nhập, trường để các cơ sở bên ngoài hoạt động trong căng-tin của mình. Họ sẽ trả 300 baht cho trường. Tuy nhiên, bà hiệu trưởng cho biết trường thường phải chi trả nhiều hơn số tiền thu được sau khi thanh toán tiền điện nước mà những người bán hàng này sử dụng.
“Tôi không thể yêu cầu họ đóng nhiều tiền hơn bởi những người bán hàng ăn sẽ tăng gia của đồ ăn và nó sẽ ảnh hưởng đến những đứa trẻ”, bà nói.
Một bữa ăn ở căng-tin của trường có giá 20 baht (tương đương 15 nghìn VND).
Bà Ruchisamara chia sẻ rằng, số học sinh đăng kí học giảm đi theo mỗi năm. Trước đây, vào thời kỳ đỉnh cao, trường có đến 800 học sinh. Tuy nhiên, dù thế nào bà vẫn sẽ tiếp tục duy trì trường. Để giải quyết vấn đề tài chính, hiệu trưởng Ruchisamara không nhận bất kể một khoản đóng góp nào, từ bất kỳ ai. Bởi bà có nguồn tài chính của mẹ để lại. Khoản tiền này đã giúp bà trang trải cho trường trong suốt những năm qua, bên cạnh phần học phí khiêm tốn thu được.
“Mẹ tôi đã kiếm đủ tiền từ việc bán những câu chuyện và những cuốn sách của bà”, bà Ruchisamara kể lại. “Số tiền này được dành cho tôi để tôi có thể làm bất cứ điều gì mình muốn và đây chính xác là điều mà tôi muốn làm”. Hiệu trưởng Ruchisamara là người hiểu rõ hơn ai hết nỗi khổ không được tiếp tục sự học vì thiếu tiền. Khi còn trẻ, bà cũng đã bị buộc thôi học khi ở năm 2 đại học vì không đủ tiền đóng học phí.
“Tôi không muốn làm phiền những người khác. Tôi có đủ tiền để lo chi trả mọi phí tổn. Tuy nhiên, tôi không từ chối nếu các cựu học sinh quay lại để giúp đỡ”. Các học sinh cũ của bà thực sự đã thường xuyên quay lại để thăm và giúp đỡ trường trong rất nhiều hoạt động, ví dụ như sơn hoặc cải tạo trường. Đặc biệt, có những người đã trở lại để làm giáo viên đứng lớp để đền đáp ân tình mà họ đã nhận được ở đây. Điều này khiến bà Ruchisamara cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Trong suốt những năm qua, bà Ruchisamara sống một mình và dành toàn bộ cuộc đời cho công việc ở trường học. Bà nói rằng trường học này là tất cả cuộc sống của bà và bà sẽ điều hành nó tới khi nào sức khỏe bà cho phép. Hiện nay, bà đang lên kế hoạch để truyền lại ngôi trường cho cháu trai và cháu gái của mình.
Khi được nhiều nhà báo các nơi đến phỏng vấn, bà đã trả lời một cách chân thành rằng, bà hạnh phúc khi mọi người quan tâm tới ngôi trường nhỏ bé và khiêm tốn của mình. Bà con bày tỏ tâm nguyện:
“Tôi duy trì ngôi trường này để những đứa trẻ gặp khó khăn về kinh tế có được một cơ hội giáo dục ngang với những đứa trẻ khác. Tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các cháu”.
Câu chuyện về vị hiệu trưởng nhất quyết không bán trường, không bán những học sinh nghèo khó của mình để lấy bạc tỷ đã truyền đi khắp Thái Lan và rất nhiều người dân Thái cảm động. Họ còn làm một bộ phim với tựa đề “Bày tỏ lòng kính trọng đến nhà giáo vĩ đại” để tri ân câu chuyện về tấm lòng yêu trẻ, yêu nghề của bà.
Nguồn ảnh: bangkokpost
Hải Lam