“Giấc mơ của tôi được đánh thức như một thói quen, bởi mùi thơm ngào ngạt từ bữa ăn sáng trong gian bếp. Đã hơn tám năm nay, sáng nào cũng vậy, khi tôi và các con vẫn đang say giấc nồng, bất kể ngày đông giá lạnh hay ngày hè oi ả, em vẫn thức dậy từ rất sớm…”

Bài viết của người chồng trẻ Phạm Nguyên Phước (đến từ Tam Kỳ, Quảng Nam) đăng tải trên cuộc thi “Viết cho người bạn đời của tôi” với những lời tâm sự chân thành, pha chút ngọt ngào khiến người đọc dường như cũng hạnh phúc lây.

“Em hay nấu món mì Quảng, món ăn mà ngày xưa chúng tôi chỉ được thưởng thức vào những ngày mùa khấm khá, hay những ngày lễ tết. Mùi thơm của bát mì làm ấm cả gian bếp. Bất chợt, trong tôi có chút gì đó nôn nao lắm, nôn nao về những ngày đã cũ…

Nhớ ngày mới cưới nhau, hai đứa bắt đầu cuộc sống bằng món quà cưới của hai bên gia đình là mấy chỉ vàng. Vợ chồng cất tạm cái nhà nhỏ trong góc vườn bà nội. Nhà ở quê, mái lợp bằng lớp cỏ tranh sơ sài, bốn bề che chắn bởi phên tre, nên góc bếp của em cũng chỉ đơn giản là một cái kiềng ba chân kê tạm góc nhà. Phía trên bếp, tôi làm thêm một cái giàn bằng tre để em chất củi. Đơn giản, mộc mạc, nhìn thấy gian bếp là thấy luôn cả nỗi vất vả của gia đình tôi thuở xưa.

Góc bếp của em chất đầy những lá khô, cây mục, hay cả mớ rơm em phơi sau mỗi mùa gặt. Trên giàn bếp, túm hành túm tỏi treo lủng lẳng, và cũng chẳng thể thiếu mớ khoai khô em phơi từ mùa Giêng Hai để dành vào những ngày giáp hạt, hay mớ chè khô để nấu nước những ngày đông.

Ở quê, không có thói quen ra hàng ăn sáng, nên từ lúc tờ mờ, em đã trở dậy, để kịp có bát cơm nóng cho tôi lót dạ đi làm đường xa, có bát cháo nóng hổi cho con gái mới vừa đầy tuổi. Dáng em mỏng manh, tha thướt dịu hiền. Tôi hằng ngày đi làm, nên chỉ một mình em ra vào với ngọn khói mỏng, hăng hắc để mỗi chiều về tôi có bát canh nóng ăn cho ấm bụng.

Mùa đông, em kê cái đòn nhỏ cho con gái ngồi bên bếp lửa, vừa để sưởi ấm, vừa nấu ăn và trông con. Em kể chuyện, rồi đọc cho con nghe những câu thơ mà em đã thuộc từ thuở bé. Rồi thỉnh thoảng hai mẹ con phá lên cười, đôi lúc con gái lại trầm ngâm lắc lắc cái đầu nhỏ bé theo giọng điệu của câu thơ em đọc.

Những năm sau, cuộc sống khấm khá hơn. Em theo tôi về phố. Thành phố đối với em sao quá lạ lẫm và xô bồ. Nhà ở phố, cái gì cũng hiện đại hơn. Tôi dành hẳn một gian lớn để làm bếp. Mua sắm đầy đủ thiết bị, bàn ăn, tủ bếp, quầy… Không như ngày xưa góc bếp của em giản đơn, đầy khói bụi, bồ hóng giăng đầy tứ phía, khói vương cả lên khóe mắt, ra cả đàn gà em chăm ngoài sân. Khói nhảy nhót trên mái nhà, rong chơi trên đám cải xanh non mơn mởn em trồng ở góc vườn, khói vương vấn hôn lấy mái tóc dài óng ả của em, vịn vào mỗi buổi chiều khi em cùng con ngồi bên bếp lửa, mắt vẫn thỉnh thoảng đưa về phía ngõ, đợi bóng dáng quen thuộc về nhà. Và tôi biết, góc bếp ấy đã cho tôi mùi thơm của cơm mới ngày mùa, hay của bát canh lá rau rừng nóng hổi.

Về phố rồi buổi sáng rất nhộn nhịp, người ta thường ăn sáng bên ngoài. Còn em vẫn trở dậy từ sáng sớm, nấu cho tôi những bữa ăn sáng ngon lành. Bát phở, bát mì… thơm nức. Nhưng sao trong đôi mắt em vẫn phảng phất một nỗi buồn sâu lắng.

Chiều nay, em nấu cơm độn một ít khoai khô ăn với muối đậu. Con gái ngồi lắc đầu chẳng chịu ăn. Tôi nhìn em ăn ngon lành mà thấy lòng nôn nao khó tả, có lẽ trong tôi đang tràn ngập cái cảm giác nôn nao về những ngày đã cũ, ngày vợ chồng còn khó khăn ăn cơm độn khoai, vương đầy mùi khói bếp. Em quay sang bảo con gái: ‘Ngày xưa ở quê, ba mẹ thích ăn món này lắm, mà từ lúc mẹ còn nhỏ như con, bữa nào có gạo nấu cơm để độn khoai thế này là sướng rồi’.

Rồi em quay sang tôi với ánh mắt đượm buồn nỗi nhớ: ‘Mình ăn bữa này để nhớ lại góc bếp ngày xưa, góc bếp đầy khói bụi anh nhỉ?!’.

Tôi mỉm cười rồi nói: ‘Mà sao bát cơm này anh nghe nhạt nhạt, chắc là tại thiếu mùi hăng hắc của khói đây mà’.

Em cười rồi tựa đầu vào vai tôi hạnh phúc. Vợ chồng tôi ngồi cùng nhau trên chiếc bàn ăn sạch sẽ, sáng bóng trong một gian bếp hiện đại mà sao lòng cứ nhớ mãi về góc bếp ngày xưa.

Tuy góc bếp thay đổi nhưng người vợ miền núi của anh vẫn thế, vẫn rất chăm chỉ và nấu ăn ngon!”.

Cuộc sống hiện đại đủ đầy và tiện nghi, nhưng có những niềm hạnh phúc chỉ bắt nguồn từ giản dị. Hạnh phúc gia đình bắt nguồn từ căn bếp ấm lửa, và hạnh phúc của căn bếp dường như lại bắt đầu từ tình cảm yêu thương bất chấp những nhọc nhằn…

Video xem thêm: Hôn nhân có thật sự là ‘nấm mồ’ chôn cất tình yêu như nhiều người vẫn nghĩ?

videoinfo__video3.dkn.tv||330663ebc__