Bánh chưng là một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu cho ngày tết của người dân Việt, cứ đến 27, 28 tháng chạp là nhà nhà lại rục rịch chuẩn bị gói những chiếc bánh chưng bánh tét ngon tuyệt để làm quà tặng họ hàng hay dâng lên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên.
Có lịch sử lâu đời nhất trong ẩm thực Việt Nam được sử sách lưu lại, bánh chưng có một ý nghĩa vô cùng sâu sắc trong lòng người dân Việt Nam, gắn liền với truyền thuyết liên quan đến hoàng tử Lang Liêu vào đời vua Hùng thứ 6. Sự tích như muốn nhắc nhở con cháu phải luôn nhớ lấy cội nguồn của mình và biết trân quý cây lúa cũng như thiên nhiên trong nền văn hóa lúa nước.
Ngay nay, bạn có thể dễ dàng mua được một chiếc bánh chưng ở rất nhiều hàng quán. Do vậy, việc tự gói những chiếc bánh chưng ngày tết đã không còn là thói quen của nhiều gia đình, và nhiều người đã không còn biết để gói được một chiếc bánh chưng thì cần những gì, thực hiện ra làm sao?
Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau học cách gói bánh chưng ngày tết dẻo ngon, vuông vắn mà không cần khuôn do cô Minh Thủy MasterChef hướng dẫn nhé!
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
– Lá dong gói bánh chưng, chọn loại lá bánh tẻ (loại lá không không non cũng không già)
– Lạt giang dẻo, khi gói cuộn không bị gãy
– Gạo nếp cái hoa vàng, hạt gạo to đều, thơm mới (tùy theo số bánh sẽ gói)
– Đỗ xanh, đỗ mới, bở, vàng, đẹp (tùy lượng theo số bánh sẽ gói), nấu chín và nghiền nhỏ.
– Thịt ba chỉ có phần nạc, mỡ, đều và dày. Chọn bì mỏng, đừng chọn nhiều nạc quá gây ngấy khi ăn
– Gia vị: Muối, hạt tiêu
Cách thực hiên:
1. Chuẩn bị nhân đỗ xanh, thịt, lá, gạo
Bước 1: Đỗ xanh ngâm nở trong vòng 2 tiếng. Đãi sạch và nhặt bỏ những hạt xấu rồi xóc với 1 thìa ăn cơm muối, sau đó cho vào nồi hấp, hấp chín.
Đỗ chín bở, dùng thìa tán cho thật nhuyễn, đem trộn đều đỗ với một chút hạt tiêu (ít hay nhiều tùy khẩu vị). Sau đó, nắm đậu thành các nắm tròn bằng nhau.
Bước 2: Gạo ngâm khoảng 2 tiếng cho mềm (chỉ cần ngâm 2 tiếng là đủ làm mềm gạo, không ngâm lâu sẽ làm gạo bị chua và bở).
Sau khi ngâm mềm thì đãi lại gạo vài lần cho sạch và nhặt bỏ những hạt xấu. Sau đó xóc gạo với 1 thìa ăn cơm muối và 1 thìa ăn cơm hạt nêm.
Bước 3: Khi mua lá dong về cho vào nước rửa sạch. Nếu không rửa sạch sẽ thì dẫn đến bánh nhanh hỏng. Sau đó, dùng khăn sạch lau khô. Tiếp đó cắt phần sống lá (Tuy nhiên, sau khi cắt sống lá xong đừng bỏ đi mà để lót vào khi luộc bánh chưng). Lưu ý, khi cắt sống lá, không cắn sâu quá sẽ vào đến thịt lá, làm rách lá.
Bước 4: Thái thịt miếng to bản, dày khoảng 2cm, dài khoảng 5cm – 6cm rồi cho muối, hạt tiêu vào để ướp thịt. Gạo, nhân đã chuẩn bị đầy đủ.
2. Gói bánh
Bước 1: Khi gói bánh chưng, xếp 4 lá vuông góc như trong hình, 2 lá dưới úp mặt phải xuống (2 lá dưới để như vậy vì khi bọc bánh lại, phần mặt phải sẽ nằm bên ngoài làm cho bánh đẹp hơn), 2 lá trên ngửa mặt phải lên (2 lá trên làm vậy để khi bóc bánh, bánh không bị dính).
Bước 2: Cho khoảng 1 bát gạo vào giữa lá dong.
Bước 3: Lấy một nửa nắm đỗ xanh nhấn nhẹ để phần đỗ xanh trũng xuống, rồi đặt một miếng thịt vào giữa phần đỗ xanh sau đó, úp nửa phần đỗ xanh còn lại (cũng được ấn nhẹ cho trũng xuống) lên miếng thịt.
Nặn nhân sao cho phần đỗ xanh bao kín gần hết miếng thịt.
Đặt nhân lên trên phần gạo.
Bước 4: Đổ thêm một lớp gạo phía trên phần nhân và dùng tay san đều sao cho gạo phủ kín nhân.
Bước 5: Dùng tay gấp lần lượt lá dong bên phải và trái vào nhưng lưu ý chú ý phải chắc tay. Phần lá dong thừa thì gập mép lại (gập vào bên trong để giấu lá thừa).
Sau đó, phần gấp phần đầu lá dưới lên. Bóp mép hai bên phần đầu trên của bánh, gấp nốt phần lá thừa ở bên trên lại cho vuông vắn.
Bước 6: Để làm một chiếc bánh chưng vuông này, chị em cần có 4 chiếc lạt. Buộc hai chiếc lạt đầu tiên song song nhau để giữ cho bánh chặt, lá không bung ra. Hai lạt sau vuông góc với hai lạt trước.
Sau khi buộc xong, dùng tay ấn 4 phía của bánh để bánh được chặt.
Tiếp theo là làm động tác giỗ bánh xuống bàn để bánh được thêm chắc. Thử lắc bánh, nếu còn nghe tiếng gạo bên trong là bánh chưa được gói chặt.
Ảnh: Khám Phá
Bảo Nguyên tổng hợp
Xem thêm: