Hầu hết chúng ta đều thỉnh thoảng cảm giác lo lắng hoặc sợ hãi khi phải diễn thuyết trước đám đông: càng đông người thì nỗi sợ lại càng lớn. Nếu bạn cảm thấy lúng túng trong cuộc trò chuyện nhỏ với những người bạn không quen thân (hoặc không thú vị), điều đó không hề bất thường. Nhưng có khá nhiều người cho rằng những tình huống này làm họ mất thể diện.
Rối loạn lo âu xã hội (SAD – Social Anxiety Disorder – đôi khi còn được gọi là “ám ảnh sợ xã hội”) là khi nỗi sợ bị người khác chỉ trích hay từ chối trở thành mãn tính và gây suy nhược cơ thể. Những người mắc hội chứng SAD xem mình là bất tài và kém cỏi, và những người khác là hay phê phán và không thân thiện. Họ tin rằng họ sẽ bị khước từ khi người khác thấy họ lo lắng và lúng túng, hoặc khi người khác nghe những điều nhàm chán và ngớ ngẩn mà họ nói.
Với hầu hết chúng ta, bị chỉ trích chỉ là một phần không vui vẻ thỉnh thoảng xảy ra trong cuộc sống, nhưng những người mắc hội chứng SAD lại tin rằng họ sẽ bị phê phán và hắt hủi hầu như mỗi lần họ ở gần người khác. Họ cũng tin rằng sẽ có tổn thất cá nhân lớn khi bị chỉ trích – ‘nếu mọi người chỉ trích tôi, vậy thì tôi là kẻ thất bại.’
Những người mắc hội chứng SAD lại tin rằng họ sẽ bị phê phán và hắt hủi hầu như mỗi lần họ ở gần người khác.
Hội chứng SAD quyết định việc lựa chọn khóa học (không yêu cầu phải thuyết trình trước lớp), ứng tuyển công việc (có thể thực hiện một mình và ưu tiên những việc có thể làm ở nhà), tham gia sở thích (những sở thích đơn độc), và tìm kiếm bạn đời phù hợp (không yêu cầu phải có người đi cùng đến các buổi tiệc và gặp mặt ngoài giờ làm việc).
Nếu không có ý thức mạnh mẽ về cái tôi (tôi là ai) và tự chấp nhận (tôi là đáng trân trọng, thậm chí với tất cả mọi nhược điểm của tôi), thì sẽ vô cùng khó khăn để thể hiện sở thích của chúng ta và để nhu cầu của chúng ta được mọi người đáp ứng. Do đó, những người mắc hội chứng SAD thường có mối quan hệ không được hài lòng với bạn bè và người bạn đời độc đoán. Hậu quả sau đó có thể là thiếu tự trọng, cô lập với xã hội, và trầm cảm.
Ở một số phương diện, kỷ nguyên số khiến cuộc sống dễ dàng hơn cho những người mắc SAD. Công việc cả ngày có thể được thực hiện mà không cần tiếp xúc với người khác. Các phương tiện truyền thông tạo nên tình bạn ảo với chỉ một vài cú nhấp chuột đơn giản. Nhưng nhu cầu rất con người về mối quan hệ đích thực vẫn không được đáp ứng.
Đâu là triệu chứng?
Toát mồ hôi, đỏ mặt, tim đập nhanh, run rẩy, và có cảm giác thôi thúc muốn trốn thoát là những triệu chứng thể chất thông thường của lo âu xã hội. Người mắc hội chứng SAD có tính tự giác cao và tưởng tượng rằng những người khác thấy rõ ràng mọi dấu hiệu lo lắng này. Họ cho rằng bản thân bị đánh giá là yếu kém và không đủ năng lực.
Né tránh là sách lược phổ biến nhất để xoay xở với lo lắng xã hội. Điều này ngăn ngừa mọi khả năng bị chỉ trích, nhưng cũng làm mất đi cơ hội để họ khám phá ra rằng chỉ trích ít có khả năng xảy ra (và ít tổn thương) hơn rất nhiều so với những gì họ nghĩ.
Khi không thể tránh né các tình huống xã hội, thì họ phải nhờ đến những cách tinh tế hơn để ngăn chặn chỉ trích, như: sử dụng rượu làm “chất bôi trơn xã hội”, hội thoại nhẩm lại trong đầu, hoặc giữ im lặng. Nhưng những biện pháp này có thể phản tác dụng và thực sự dẫn đến chỉ trích mà họ đang cố ngăn chặn.
Mức độ phổ biến của SAD?
Cuộc khảo sát toàn nước Úc gần đây nhất về hạnh phúc và sức khỏe tinh thần đã phát hiện rằng 8,4% người trưởng thành đáp ứng các tiêu chí về SAD trong cuộc đời của họ. Nghĩa là, cứ 12 người thì có một người có nguy cơ SAD, trên tổng số khoảng 1,3 triệu người dân Úc.
Những bệnh nhân SAD tin rằng họ là đơn độc. Nỗi xấu hổ ngăn cản họ thảo luận về nỗi sợ của mình, và điều này lại củng cố thêm cảm giác cô độc.
SAD thường phát triển trong thời niên thiếu và thời kỳ đầu trưởng thành, và theo báo cáo, có nhiều bệnh nhân nhút nhát suốt cuộc đời. Một nửa cho biết họ mắc chứng lo âu xã hội đáng kể và gây suy nhược trước tuổi 13.
Số nữ giới trải nghiệm SAD nhiều hơn so với nam giới, nhưng một điều thú vị là, một tỷ lệ tương đối đồng đều của nam và nữ tìm kiếm liệu pháp trị liệu cho vấn đề này. Văn hóa kỳ vọng rằng nam giới cần phải có ưu thế và quyết đoán cũng có thể dẫn đến tỷ lệ lớn hơn của số bênh nhân nam cần điều trị.
Nguyên nhân của SAD?
Khả năng lớn nhất là SAD bị gây ra bởi sự kết hợp của tự nhiên và nuôi dưỡng. Các cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng: cặp song sinh giống nhau dễ gặp vấn đề lo lắng hơn là cặp song sinh khác nhau. Điều này cho chúng ta thấy, gen cũng có thể đóng một vai trò.
Tính khí cá nhân của chúng ta cũng có thể có vị trí quan trọng. Những đứa trẻ đặc biệt nhút nhát dễ có khả năng phát triển SAD trong cuộc sống sau này, mặc dù hầu hết trẻ em đều vượt qua khỏi sự nhút nhát của mình.
Nhiều bệnh nhân SAD kể rằng họ đã trải qua “các chấn thương xã hội” trong phần đầu cuộc đời, bao gồm hiếp đáp, lạm dụng, hoặc cảm thấy bị chế nhạo khi thuyết trình tại trường.
Những bậc cha mẹ hay chê bai hoặc quá cầu toàn cũng có thể đặt ra các chuẩn mực xã hội không ngớt và khiến con cái họ cảm thấy không thể đáp ứng được. Hội chứng lo âu xã hội xảy ra khi đứa trẻ cho rằng chúng không thể đáp ứng được kỳ vọng của mọi người.
Bạn có thể làm gì?
SAD có thể kéo dài dai dẳng mà không có biện pháp điều trị hiệu quả, vì vậy, điều quan trọng là tìm kiếm sự hỗ trợ từ sớm.
Liệu pháp hành vi nhận thức (Cognitive behaviour therapy – CBT) là cách điều trị tâm lý với nhiều hiệu quả rõ rệt. CBT bao gồm việc xác định và đối mặt với những suy nghĩ tiêu cực, và nhận thức về bản thân bằng cách đối mặt dần dần với những tình huống xã hội khiến họ lo ngại. Khi ‘mối đe dọa xã hội được nhận thức’ bắt đầu giảm xuống trong suốt quá trình điều trị, thì các triệu chứng lo lắng thể chất cũng ít hơn.
CBT đã được thực hiện hiệu quả theo từng cá nhân và trong các nhóm. Việc điều trị trên nền tảng internet cũng chứng minh có hiệu quả đối với một số người. Điều đó cho thấy internet cũng có thể có khả năng điều trị chứ không chỉ là một hình thức né tránh. Thiền định cũng có thể hữu ích.
“Bạn sẽ để tâm ít hơn vào những gì người khác nghĩ về bạn, nếu bạn biết rằng họ rất hiếm khi làm như vậy”.
Đây là điều cốt lõi nhất mà những người mắc hội chứng SAD cần biết
Tôi từng nhận được một chiếc bánh quy may mắn có viết lời khuyên như sau: “Bạn sẽ để tâm ít hơn vào những gì người khác nghĩ về bạn, nếu bạn biết rằng họ rất hiếm khi làm như vậy”. Đây là điều cốt lõi nhất mà những người mắc hội chứng SAD cần khám phá. Mọi người thường quá bận tâm về bản thân mình và không dành nhiều thời giờ cho việc đánh giá những người khác.
Giải quyết vấn đề lo lắng xã hội sẽ mở ra một thế giới những lựa chọn để hòa mình vào cuộc sống và theo đuổi những gì bạn cho là thực sự quan trọng và giá trị mà không phải quá lo sợ bị từ chối. Mục đích không phải là để trở nên thân mật, thích giao du, và tự tin nhất trong bữa tiệc, mà là để tham dự bữa tiệc nếu bạn muốn mà không cần phải giấu mình trong góc kín.
Peter McCartney; Biên tập: Hồng Liên
Bài viết được đăng lần đầu trên The Conversation. Đọc bài gốc trên The Conversation.
Xem thêm:
- Sự phức tạp và mãnh liệt cảm xúc của những đứa trẻ thiên tài
- Tại sao ngay cả người nước ngoài cũng gia nhập ISIS?
- Đoán tính cách qua cách cầm đũa