Đại Kỷ Nguyên

Hỏi thế gian ‘tình’ là chi? Nguồn gốc của ‘nhân duyên’

Trí nhớ của con người quả là vô cùng kỳ diệu, tất cả những yêu, hận, tình, thù, ân ân oán oán, từng ly từng tí đều tồn tại ở một nơi hẻo lánh nào đó trong nội tâm. Rất nhiều người đều có thể nghiệm như vậy, muốn quên đi một cuộc tình hay một người nào đó, bắt đầu một cuộc sống mới, nhưng vô luận như thế nào đều làm không được.

Tôi còn nhớ đã xem qua một bài báo tiếng Anh nói rằng, các nhà chuyên môn thông qua nghiên cứu phản ứng hóa học huyết dịch của người đang yêu phát hiện, tình yêu của một người kỳ thực chỉ có thể duy trì được một năm.

Qua một năm sau, tình yêu của người đó không mãnh liệt được như lúc trước, sở dĩ vẫn còn duy trì tiếp tục được là vì thói quen nương tựa lẫn nhau mà thôi. Nghiên cứu này sau khi được công bố đã phá vỡ ảo mộng của rất nhiều người theo chủ nghĩa lãng mạn, bởi vì họ hướng tới một tình yêu vĩnh hằng bất biến.

Còn có một bài báo đưa ra, muốn quên đi một người mà bản thân mình đã từng yêu phải mất bốn năm. Sau bốn năm, người đó sẽ rời xa được hình bóng của người mà họ đã từng yêu và dễ dàng tiến vào cuộc hành trình mới. Nhìn lên thì thấy suy luận này rất vớ vẩn, nhưng quay đầu lại ngẫm nghĩ sẽ thấy khả năng có rất nhiều người sẽ đồng ý với suy luận này. Bốn năm là một khoảng thời gian tương đối dài, cho dù là trước đây đã từng yêu mãnh liệt đến mức nào, sau bốn năm thì họ đều hữu ý hay vô ý mà phai mờ dần hình bóng của người họ từng yêu.

Tuy nhiên, trái lại với suy luận “bốn năm lãng quên” này, có một số ca khúc được yêu thích luôn gợi lại tình yêu làm cho mọi người rất khó để quên đi, giống như bài “đương ái dĩ thành vãng sự ” (khi tình yêu trở thành quá khứ) của Trương Quốc Vinh, có đoạn hát: “Dù kỷ niệm không cách nào phai nhạt. Yêu và hận vẫn còn ở trong tim. Nỗi đau rồi sẽ qua đi. Nhưng quên một người là không hề dễ dàng…”

Những điều này thật không phải là cố tạo ra, mà là bởi vì trong lòng mỗi người đều có một hình bóng mà xua đi không được. Mỗi lần có một hình dáng giống như đã từng quen biết xuất hiện, thì liền thấy xúc động trong lòng về chuyện cũ.

“Hỏi thế gian tình là chi, mà đôi lứa thề nguyền sống chết”

Một câu nói đơn giản như thế, mà khiến cho người ta tìm hiểu mấy ngàn năm mà vẫn chưa thông suốt. Kỳ thực, cũng có người đã hiểu, nhưng đại đa số mọi người vẫn bị chữ “tình” quấn lấy, giống như rời xa khỏi “tình” thì cuộc sống trở nên vô vị.

Mà cái tình ở trong xã hội hiện đại ngày nay, cũng xuất hiện đủ loại người và sự tình bại hoại luân lý, ví dụ như làm nhân tình của người khác hay làm người thứ ba, trở thành mốt và là một “nghề nghiệp” được cổ vũ… Chúng ta đối mặt như thế nào với những điều khiến con người trên thế giới đang hoa mắt này? Có lẽ đem chữ “tình” nhìn thấu rồi bạn cũng sẽ hiểu!

“Tình” thông thường đi liền với “Duyên”, như “tình duyên sâu cạn”, nói cách khác, giữa người với người cũng là sự bài trí của duyên phận. Như thế xem ra, người yêu rời đi hay cuộc tình tan vỡ chính là “duyên” đã hết, “duyên phận” kết thúc, cũng không nên đau khổ mà ôm giữ lấy quá khứ, không chịu quên đi, người thật sự hiểu rõ ràng được chữ “duyên” thì tâm trí sẽ thông suốt hơn.

Bên trái của chữ “duyên” (缘) là chữ “tơ” (丝), giống như sợi tơ quấn lấy người, khi sợi tơ đã đứt, thì là lúc người ấy rời đi. Hết thảy điều này đều là đã được định trước, cho nên hà tất gì lại vì chuyện cũ mà bị đau lòng? Quên đi chẳng phải là lựa chọn rất tốt sao?

Theo Đại Kỷ Nguyên Đài Loan
Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version