Đại Kỷ Nguyên

Hơn 40 năm ‘vá tầu ngầm’ ở chợ Đông Ba, chú để lại bài học sâu sắc về cái tâm cái nghề

Huế là một vùng đất luôn dịu dàng yêu thương, thắm đượm tình người. Trong khu chợ Đông Ba có một điều tuyệt vời hơn thế, nơi ấy có chú Tí 5k đã hơn 40 năm hành nghề vá áo mưa, một công việc âm thầm lặng lẽ nhưng khiến nhiều người lao động nghèo vô cùng cảm mến.

Vẫn còn đó một nghề không dễ kiếm sống ở thời buổi hiện đại như hôm nay

Có lẽ tất cả chúng ta chẳng mấy ai mà đã từng nghe và biết đến nghề vá áo mưa này, thế nhưng hơn 40 năm qua vẫn có một người luôn âm thầm làm công việc đó giúp những người nghèo. Đó cũng là một cái nghề kiếm kế sinh nhai của chú Tí hiền lành phúc hậu, ngày ngày đang gắn bó với gian hàng góp phần phong phú thêm cho khu chợ Đông Ba.

Chú Tí trong quầy hàng vá áo mưa của mình

Câu chuyện đời của chú Tí được kể lại khi mái tóc đã chuyển thành nhiều những màu trắng hoa râm. Ngày bé nhà chú Tí nghèo nên 5 tuổi là đã phải ra ngoài chợ bốc vác thuê, bán vé số để lấy tiền phụ giúp gia đình. Những lúc rảnh rỗi chú tranh thủ chạy qua chạy lại với những khu có những người hành nghề đơn giản để xem người lớn làm việc.

Rồi chú Tí quyết định gắn bó với nghề vá áo mưa, khi đó nó rất phát triển và thịnh hành ở khu chợ này. Từ năm 30 tuổi chú tự chuẩn bị bộ đồ nghề là những chiếc dũa, mỏ hàn, một cái lò than, tất cả vẫn đi theo chú cho đến ngày hôm nay.

Bộ đồ nghề đã theo chú Tí suốt 40 năm

Chú Tí chia sẻ: “Ngày xưa, sắm được cái áo mưa rất khó khăn, nếu cứ rách một tí đã bỏ đi như bây giờ thì chỉ có đại gia mới dám thôi. Hồi đó, áo mưa tiện lợi mặc một lần chưa phổ biến nên hầu hết ai cũng sử dụng áo mưa cánh dơi, áo mưa bộ. Cứ mỗi khi rách, thủng chỗ nào là người ta lại mang đi vá, nhiều cái áo vá đi vá lại hàng chục lần…”

Nói đến nghề vá áo mưa thoạt nghe đơn giản, nhưng nó luôn đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và nhẫn nại… Áo mưa đã dùng chất liệu sẽ không còn mềm mại như lúc mới, nếu không cẩn thận từ việc tính toán độ nóng của mỏ hàn, rồi đến tính toán từng miếng vá thì dễ dẫn đến hậu quả không được như ý.

Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì, nhẫn lại

Chú Tí nói: “Nhìn thì đơn giản nhưng nếu cái mỏ dùi nóng quá, không cẩn thận làm hư cái áo mưa, mất công không có tiền mà đền. 

Ớn nhất là khi gặp những cái áo mưa quá rách hoặc những chiếc mà chất liệu mình chưa thấy bao giờ. Suốt 40 năm, tôi làm vui lòng nhiều vị khách khó tính nhưng cũng không ít người bắt đền lại cái mới vì lỡ làm hư cái áo mưa của họ…”.

Cuộc sống với chú Tí là những tháng ngày luôn cố gắng làm việc miệt mài chăm chỉ, năm tháng đi qua dù trên gương mặt đã thêm nhiều những nếp nhăn và đôi tay cũng trở nên khô ráp sần sùi. Nhưng vì miếng cơm, manh áo, vì sự quyết tâm gắn bó với công việc mà phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nhưng chú vẫn tự tin và yêu mến nó.

Đôi tay chú vẫn nhanh thoăn thoắt khi làm việc

Nhìn bộ đồ nghề cũ kỹ được sắm từ những ngày đầu tiên cùng đôi tay tuy già nua nhưng vẫn nhanh thoăn thoắt, không ai phủ nhận rằng chú Tí rất yêu cái nghề này. Dù nó không phải là một công việc sáng giá nhưng nó đã gắn bó thủy chung với chú cả một chặng đường dài, cùng chú trải qua biết bao thăng trầm trong cuộc sống hơn 40 năm.

Thủy chung với công việc đã chọn, chắt chiu nuôi các con ăn học

Bắt đầu hành nghề từ khi vá một chiếc áo mưa chỉ có mấy trăm đồng, rồi khách đông hơn cùng với những thay đổi của xã hội, chú tăng giá lên 1.000, 2.000, 3.000 và bây giờ vẫn giữ nguyên giá 5.000 cho một miếng vá. Dù biết đó là công việc kiếm tiền của mình nhưng chú vẫn quy ước với bản thân giúp người là chính, các lỗ vá nếu không quá nhiều thì chú cũng chỉ lấy khách đúng giá.

Chú luôn nghĩ rằng mình giúp người là chính

Chú Tí chia sẻ:  “Những người mang áo mưa đến vá đa số là người nghèo, họ cũng chắt chiu, tiết kiệm từng đồng nên mình cũng không nỡ lấy đắt. Dù thu nhập bèo bọt nhưng tôi rất hạnh phúc vì duy trì được cái nghề một thời giúp tôi nuôi sống cả gia đình và lo cho 3 đứa con ăn học…”.

Bằng lòng và hạnh phúc với cuộc sống của chính mình, chú Tí cũng hoàn thành ước nguyện nuôi 3 người con ăn học và khôn lớn trưởng thành. Năm nay đã hơn 70 tuổi nhưng chú vẫn say mê công việc, giờ đây khi cuộc sống ngày càng hiện đại nhiều người không còn phải đi vá áo mưa như trước, chú Tí làm thêm cả việc hàn gắn giầy dép cho những ai có nhu cầu. Cũng là một giải pháp cân bằng thu nhập quanh năm.

Chú luôn nghĩ rằng mình giúp người là chính

Kiêm nhiêm thêm cả việc hàn gắn giầy dép

Niềm vui còn mãi khi biết hài lòng với chính mình

Chú Tí ví cái áo mưa như cái tầu ngầm và chú thấy mình sống có ý nghĩa hơn khi trải qua bao nhiêu năm vẫn còn thấy yêu cái nghề ấy. Chú nói vui đó là một nghề quanh năm cũ với người khác, nhưng với chú đó lại là một điều rất đỗi thân thương.

Chú cười thân thiện khi chia sẻ cùng với mọi người: “Chiếc tàu ngầm bị lủng, nước tràn vô thì người chết hết. Còn chiếc áo mưa bị lủng, nước thấm vô sẽ làm người mặc bị đau. Tôi vá áo mưa lành như mới, chắc như chiếc tàu ngầm vậy, bảo đảm không thấm nước, nếu hư lại chỗ đã vá thì tôi trả lại tiền…”

Chú Tí vui vẻ ví chiếc áo mưa như cái tầu ngầm

Những bà con khu chợ Đông Ba vẫn quen việc gom các áo mưa rách vào đầu mùa mưa để nhờ chú Tí vá hộ, đối với họ đó là một điều thật may mắn. Chia sẻ của bà Nguyễn Thu Lành, bán cá tại chợ Đông Ba: “Mùa mưa năm nào tôi cũng thu gom áo mưa rách trong nhà mang ra nhờ chú Tí vá. Vá mỗi cái lành lặn, chú ấy lấy 5.000 đồng, may mà chú còn làm nghề, chứ vứt đi thì uổng quá, còn mua cái mới thì tốn lắm…”.

Ai cũng có quyền lực chọn cho mình một công việc, nhưng nếu ai điều khiển được lòng say mê thì người đó sẽ là ông chủ. Niềm vui đôi khi ở ngay chính trong những điều đơn giản mà chúng ta đang làm hàng ngày, tuy đối với người khác nó có thể không quan trọng và tẻ nhạt.

Sự sáng tạo của con người luôn phong phú, mạnh mẽ và bền bỉ đến mức người ta có thể giữ gìn được sự trong sạch và vẻ cao đẹp của mình. Đôi khi những gì chúng ta đang sở hữu chưa hẳn đã là thành công, mà thành công chính là những gì chúng ta sẽ để lại trong lòng mọi người. Muốn làm được điều đó, ta hãy luôn đi con đường của riêng mình cho đến cuối cùng.

Nguồn ảnh: kenh14

Gia Viên

Exit mobile version