Câu chuyện hôn nhân dưới đây là một trường hợp xảy ra rất nhiều trong xã hội đương thời. Có thể nói đã thành một trào lưu.
Hai người dự định kết hôn, người nam có 500 triệu, người nữ có 300 triệu. Trước khi kết hôn, người nam dùng 500 triệu để trả tiền mua nhà kỳ đầu, người nữ dùng 300 triệu để trang trí nội thất và đồ đạc trong nhà.
Sau khi kết hôn, Người chồng dùng 10 triệu tiền lương để trả cho tiền mua trả góp nhà hàng tháng, chỉ còn lại 3 triệu đồng. Lương của vợ là 9 triệu cùng với số tiền lương còn lại của chồng dùng cho sinh hoạt gia đình.
3 năm sau, người vợ sinh con, người chồng thăng chức, tiền lương là 20 triệu.
Lúc này cần có bảo mẫu để chăm sóc con nhỏ, lương bảo mẫu là 5 triệu. Hai vợ chồng sau khi bàn bạc đã quyết định để cho vợ ở nhà toàn tâm chăm sóc gia đình và con nhỏ. Với lý do, người vợ đi làm cũng chỉ đủ để trả tiền lương cho bảo mẫu và một vài chi phí lặt vặt, chi bằng ở nhà chăm sóc con cái và gia đình, để chồng đi làm kiếm tiền là đủ.
10 năm sau, sự nghiệp của chồng dần dần khởi sắc, có tiền và địa vị…
Người vợ thì chỉ quanh quẩn với chồng con, bếp núc…
Khi đó, người chồng bắt đầu cảm thấy không tiện đưa vợ đi ra ngoài trong các cuộc giao tiếp xã hội… Cám dỗ ngoài xã hội lại quá lớn… Cuối cùng thì người chồng cũng có vợ hai.
Khi người vợ biết chuyện thì… cãi vã… gây gỗ…
Cuối cùng thì hai vợ chồng đã quyết định ly hôn.
Quan tòa phán quyết: Nhà là do người chồng mua trước khi kết hôn, người vợ không được chia tài sản nhà.
Người vợ nói: Chúng tôi cùng nhau trả tiền mua nhà.
Luật sư hỏi: Cô có giấy tờ chứng minh không?
Người vợ trả lời: Không có, mỗi tháng đều khấu trừ trực tiếp từ tài khoản của chồng.
Người vợ nói: Con là do tôi sinh ra, tôi nuôi nó lớn lên, giờ con phải đi theo tôi.
Luật sư: Con cái theo người nào để nó có môi trường phát triển tốt nhất. Cô không có công việc, không có nguồn thu nhập, không có nhà, sẽ không có lợi cho sự phát triển của con cô sau này. Quan tòa quyết định con sẽ do người chồng nuôi!
Người vợ không có nhà, không có công việc, không có tiền. Cô hoàn toàn tuyệt vọng, và suy sụp…
Còn người chồng thì bắt đầu một cuộc sống mới…
Đọc xong câu chuyện này hẳn nhiều người sẽ cảm thấy bất bình và quá bất công đối với người vợ. Nhưng trong xã hội ngày nay, những trường hợp như câu chuyện trên đang xảy ra nhan nhản. Nhiều người cho rằng thói đời bạc bẽo, khi còn cơ hàn thì gắn bó thủy chung, khi khá lên một chút thì sinh tâm đèo bồng như người xưa vẫn thường nói giàu đổi bạn, sang đổi vợ. Rồi các nhà tâm lý học nhảy vào phân tích, mổ xẻ, tìm hiểu nguyên nhân, cuối cùng đưa ra giải pháp rằng người vợ phải hiểu chồng, phải biết cách chăm sóc và làm đẹp bản thân, phải luôn luôn mới mẻ để người chồng không cảm thấy tẻ nhạt, buồn chán mà tìm kiếm tri kỷ bên ngoài v.v… Nhưng đó có phải là cái gốc của vấn đề hay không?
Tiêu chuẩn đạo đức của xã hội ngày nay đang trượt trên dốc lớn. Người ta không còn quan tâm nhiều đến việc phân biệt rõ đúng sai trước khi làm gì đó. Vì thực ra mà nói cũng không phải dễ để phân biệt nữa. Truyền thống đạo đức tốt đẹp của người xưa để lại bị gán cho những từ ngữ có tính sát thương như cổ hủ, mê tín, lạc hậu… Con người thời nay, trên đà phát triển đã tự hiệu chỉnh lại chuẩn mực đạo đức, tốt sai đảo lộn, trắng đen khó mà phân biệt. Bạn không tin ư? “Không hợp thì chia tay” đã trở thành vùng xám để người ta phủi đi tình nghĩa và ước hẹn. Có người thậm chí còn bình luận “chồng thế mà vợ thế thì chia tay là phải rồi”. Thế chẳng phải nói con người ngày nay rất khó phân biệt được cái gì đúng, cái gì sai hay sao?
Nền tảng đạo đức là điều quan trọng nhất để giữ cho gia đình bền vững và hạnh phúc. Giữ dáng cũng được, nhưng chỉ có giữ cho được nền tảng đạo đức này thì gia đình nhỏ của bạn mới có thể chống chọi được với cơn lốc xoáy của cuộc đời đầy cám dỗ và đang trượt trên dốc lớn. Hãy tự cứu mình, cứu lấy người thân và gia đình mình, bạn nhé!
Thiên Minh
Xem thêm: