Năm 1912, tàu RMS Titanic xuất cảng ở Ireland khởi động nhiệm vụ của mình chở theo hàng ngàn khách và thuyền viên mang theo giấc mơ vượt Đại Tây Dương cập cảng miền đất Mỹ. Titanic, cái tên đã quá xưa cũ, nhưng trong đó dường như chứa đựng tất cả những di sản vĩ đại và huy hoàng nhất của thể kỷ 20, một con tàu khổng lồ, một giấc mơ vượt đại dương, những tấm lòng cao thượng và cả một tình yêu vĩ đại mà dù “nước biển dẫu có nhiều hơn nữa cũng không thể đánh chìm”.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Có lẽ bất kỳ ai từng xem bộ phim kinh điển Titanic năm 1997 của đạo diễn Cameron sẽ không thể nào quên được hình ảnh người đàn ông mái tóc đã ngả màu muối tiêu nắm lấy tay vợ mình, hôn nhẹ lên đôi má bà, họ cùng nằm trên chiếc giường và đợi chờ khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời khi tai nạn bất ngờ ập đến. 

Ông bà Straus nắm tay nhau trong những giây phút cuối của cuộc đời. (Ảnh dẫn qua Today)

Hai nhân vật được miêu tả trong cảnh là ông Isidor Straus và vợ của mình bà Ida Straus, họ là những người có mặt trên con tàu Titanic xấu số năm 1912 và tình yêu mà họ dành cho nhau là có thật. Tuy nhiên, một vài cảnh quay trong phim đã được thay đổi, đạo diễn Cameron giải thích rằng: “Tôi là một nhà viết kịch bản nhưng không phải là một nhà sử học”. Điều Cameron đã hoàn thành rất tốt đó là thể hiện được hết sức chân thực tình yêu mà đôi vợ chồng ông bà tỷ phú đã dành cho nhau bằng một cảnh quay ngắn trong một bộ phim chiếu rạp dài hơn 3 tiếng đã đem về cho họ 11 giải Oscar và nâng tầm tên tuổi dàn diễn viên tham gia trở thành những ngôi sao hạng A của Hollywood. Nhưng chuyện gì đã thật sự xảy ra trên con tàu Titanic vào đêm hôm ngày 14/4/1912 đó?

Jack và Rose không có thật nhưng con tàu Titanic năm nào đã có những mối tình đẹp, thống thiết và bi kịch thật sự, những tình yêu không cần giải Oscar để lưu truyền hậu thế.

Xin quay lại cỗ máy thời gian của hơn 100 năm về trước…

Vợ chồng ông bà Isidor và Ida Straus. (Ảnh: Wikipedia)

Isidor được sinh ra tại Otterberg, Rhenish Bavaria, Đức vào ngày 6/2/1845. Sau đó, ông cùng gia đình di cư đến Geogia và cuối cùng là New York, Mỹ nơi ông được bà Amanda giới thiệu với Ida. Người ta kể lại rằng, họ thường gặp gỡ, trò chuyện và rất thân thiện với những người xung quanh, như bao cặp đôi yêu nhau bình thường khác. Đó là một sự khác biệt hiếm có trong những tình yêu quý tộc của những gia đình giàu có. Họ tương đầu và ý hợp đến nỗi chỉ sau một thời gian ngắn hẹn hò, họ đã quyết định tiến đến hôn nhân gắn bó với nhau cả cuộc đời. Năm đó, ông Isidor 26 tuổi và bà Ida 22 tuổi. Một đám cưới tuyệt vời đã diễn ra. Họ có với nhau 6 người con và một cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Ông Ida là chủ sở hữu của chuỗi cửa hàng tạp hóa Macys nổi tiếng của Mỹ, ông đồng thời cũng là một trong những thành viên thuộc Hạ viện Mỹ, khối tài sản của ông biến ông trở thành người giàu thứ 2 của nước Mỹ. Vợ chồng ông bà Ida được biết đến là cặp đôi quyền lực trong giới quý tộc của nước Mỹ thời bấy giờ.

Vợ chồng ông bà Straus cùng gia đình mình tại New Jersey, 9/1905.

Sau chuyến du lịch châu Âu mà chủ yếu ở miền Nam nước Pháp, ông Isidor và bà Ida đã sẵn sàng có mặt trên con tàu huyền thoại Titanic để trở về ngôi nhà bên nước Mỹ sôi động, nơi những công việc bộn bề và hàng tá giấy tờ vẫn đang đợi chữ ký của ông Isidor. Vậy nhưng, có lẽ từ ngày ông rời ngôi nhà và công việc, ông và vợ của mình đã không hề biết rằng đó là lần cuối cùng họ nhìn thấy nước Mỹ thân yêu.

Cảnh tượng tàu Titanic gặp nạn được vẽ bởi Willy Stöwer.. (Ảnh: Wikipedia)

Paul Kurzman, cháu trai thuộc dòng tộc Strauss, đồng thời cũng là một thành viên thuộc Hội Lịch Sử Strauss kể lại rằng, vào đêm khi Titanic gặp chuyện một người sĩ quan đã đến đề nghị bà Ida khi đó đang mặc một chiếc áo lông đứng trên boong tàu, mời bà lên thuyền cứu hộ. Bà nhận lời và bước lên thuyền. Người sĩ quan tiếp tục bước đến phía chồng bà và đề nghị ông bước lên thuyền, nhưng ông Isidor đáp lại: “Tôi sẽ không lên thuyền cứu hộ nếu không thấy tất cả phụ nữ và trẻ em ở đây đều có cơ hội trốn thoát”. Người sỹ quan nói với ông Isidor lúc đó rằng: “Không, tôi biết rằng tất cả mọi người ở đây sẽ không một ai phản đối ông bước lên thuyền cứu hộ đâu”.

Nhưng ông Isidor vẫn quyết định ở lại trên boong tàu. Lúc đó, bà Ida bước ra khỏi thuyền cứu hộ và tiến lại chỗ chồng mình và quả quyết rằng: “Chúng ta cùng nhau sống 40 năm thật tuyệt vời bên 6 đứa con xinh đẹp. Nếu anh không muốn lên thuyền, em cũng sẽ không đi”.

Ông Isidor đã cố gắng thuyết phục vợ mình nên lên thuyền cùng với những người phụ nữ khác, nhưng bà quả quyết từ chối: “Bao nhiêu năm qua, anh đi đâu là em theo đến đó, em sẽ cùng anh đi đến bất cứ nơi nào mà anh muốn đi”.

Cởi chiếc áo lông của mình đưa cho cô giúp việc Ellen Bird và nói rằng: “Tôi không cần đến nó nữa. Cô hãy cầm lấy khi lên xuồng cứu hộ, nó sẽ giúp cô sống sót cho đến khi được giải cứu”.

Quãng thời gian ông Isidor sống cùng với vợ mình đủ lâu để ông hiểu rằng, dù giờ đây, ông có nói bất cứ điều gì câu trả lời của vợ mình cũng vẫn sẽ là không, ông ôm lấy người vợ thân yêu. Sau đó, một làn sóng biển dâng cao ập xuống và cuốn trôi đôi vợ chồng đi, đó cũng là lần cuối cùng người ta nhìn thấy đôi vợ chồng ngài tỷ phú. 

Bức tranh vẽ ông bà Straus của họa sỹ người Pháp, Paul Thiriat, năm 1912. (Ảnh dẫn qua Wikipedia)

Ngày 12/5, hơn 6.000 người đã tham dự lễ tưởng niệm của ông bà Ida và Isidor tại Carnegie Hall. Tại nghĩa trang Bronx, người ta xây một tượng đài bên trên có khắc dòng chữ: “Tình yêu không thể chìm dẫu có nhiều nước biển hơn nữa”.

Kurzman xúc động nói:

Đây là một câu chuyện tình yêu. Và tôi hy vọng rằng một lúc nào đó, khi thế giới này cần chút tình yêu, một chút cảm hứng, câu chuyện của bà Ida và ông Isidor Straus sẽ mang đến cho mọi người hy vọng.

Titanic khép lại, khiến khán giả ngậm ngùi về một câu chuyện tình yêu đẹp như tranh vẽ của Rose và Jack, vào đúng thanh xuân rạng rỡ và nhiệt thành nhất lại gặp phải trắc trở ly tan. Nhưng câu chuyện của ông Isidor và bà Ida còn khiến những ai biết đến nhớ mãi, để họ thêm tin rằng trên đời này những gì đẹp nhất không chỉ xuất hiện trên những bộ phim điện ảnh giả tưởng, mà đó thật sự là những câu chuyện có thật ngoài đời, như tình yêu cao thượng của ông bà tỷ phú dành cho nhau và dành cho những con người yếu đuối khác. Vậy mới hiểu tình yêu chân chính, tình cảm vị tha là nguồn sức mạnh siêu hình mà dẫu “có nhiều nước biển hơn nữa cũng không thể nhấn chìm”, mà chỉ khiến nó càng trở nên mạnh mẽ và rực sáng hơn nữa.

Quỳnh Như